Xu hướng "tìm ký ức" qua món ăn

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4157
  • Tổng lượt truy cập 11,292,972

Fanpage facebook

Ngày đăng: 30/05/2013, 11:06 am

Xu hướng "tìm ký ức" qua món ăn

Lướt một vòng các trang mạng, trong bối cảnh vật giá tăng cao, một số mặt hàng vẫn bán "chạy như tôm tươi", nhất là thực phẩm quê và đặc sản các vùng miền.
Giữa thời "fastfood", một quán ăn kiểu thời mậu dịch mới mở với không gian, đồ dùng và món ăn "như những ngày xưa" lại cực kỳ hút khách. Đó chỉ là một minh chứng tiêu biểu cho xu hướng thưởng thức ẩm thực không mới nhưng chưa bao giờ cũ: tìm về cảm xúc và ký ức xưa qua những món đặc sản vùng miền, thức ăn quê.


Nem chua xứ Thanh

Đi tìm ký ức từ… món ăn

Tuổi thơ, vốn dĩ là một giấc mơ đẹp, long lanh, thanh khiết và không bao giờ trở lại. Đó là cái thời hồn nhiên với đồng ruộng, sông nước, với đình làng… Đặc biệt, những món ăn thời thơ ấu luôn là niềm nhớ khôn nguôi của mỗi người đã trưởng thành, đã phải xa quê hương, bản xứ. Những chiếc kẹo kéo, những chiếc kem (có lẽ đa phần là đá), những đĩa bánh rán, bánh giò, chiếc kẹo củi… trở nên hấp dẫn đặc biệt trong mắt kẻ đang xao xuyến nhớ thương chốn cũ, kỷ niệm xưa.
Đáng tiếc, có những món ăn xưa, gắn liền với tuổi thơ của không ít người, giờ đây, có lẽ chỉ còn trong ký ức, như kẹo củi hay kẹo kéo ngọt ngào...

Song, cũng thật may mắn, thay vì chiếc bánh mỳ kẹp đầy ắp thịt, những món đặc sản của riêng từng vùng miền đang ngày càng được ưa chuộng. Dạo trên các diễn đàn mua bán, rất dễ dàng để thấy những món như bánh bèo Huế, nem chua Thanh Hóa, nem thính, bánh gai Nam Định, bánh cáy Thái Bình, hành tỏi Lý Sơn (Đà Nẵng),  trâu gác bếp Sơn La, lạp xường hun khói Tây Bắc, chả cá Nha Trang, chả dê Ninh Bình, cu đơ Hà Tĩnh, nước mắm Phan Thiết, hả nhồi pa tê trứng muối (Tây Nam Bộ); lạp xưởng tôm, lạp xưởng bò Cần Giuộc;  muối trứng kiến vàng (Phú Yên); bánh tráng dừa Bình Định; nộm sứa Thái Bình; tré Đà Nẵng;  tôm khô, cá khô Cà Mau thịt trâu… được bán khá rộng rãi và hút khách.


Món bánh đa xúc hến miền Trung

Chị Hồng Anh, quê Nghệ An tâm sự: “Mình theo chồng ra Hà Nội 15 năm nay, thi thoảng mới có dịp về quê nhưng xóm giềng đã thay đổi nhiều. Những món ngày bé xíu thích ăn cũng không còn là mấy. Vào mấy trang web mua bán, may thay lại tìm thấy vài món “kỷ niệm” như bánh đa xúc hến, cá kho nước tương hay thịt bò kho mật mía… Mình đã mua về ăn thử và thật tuyệt vời, mỗi lần thưởng thức, lòng mình lại cứ thấy lâng lâng, xao xuyến nhớ ngày xưa”.

Cũng giống như chị Hồng Anh, anh Hải Lâm (Huế) cho hay: “Gia đình tôi chuyển từ Huế ra Hà Nội từ đầu những năm 1990s. Những ngày đầu ra Thủ đô, cái gì cũng lạ lẫm, đặc biệt là nguyên liệu và cách chế biến đồ ăn. Lúc ấy, bữa ăn như cực hình vì chưa thể quen khẩu vị. Lâu dần cũng ổn thỏa nhưng vẫn nhớ đồ ăn quê nhà ghê lắm. Bây giờ, thỉnh thoảng, me tôi có làm một vài món Huế như bánh bèo, bún bò hay nem cuốn tôm chua và các món chè đặc trưng của Huế. Mỗi lần ăn, những ký ức từ cái thời còn chân đất cứ ùa về rất khó tả. Tôi có đưa vợ đi ăn ở một số quán đặc sản Huế, vợ tôi cũng rất thích”.

Hà Linh - một cô gái Hà Nội gốc lại có sở thích nếm thử “đủ vị trên đời” chia sẻ: “Mình thường mua đặc sản của các vùng miền cho cả nhà dùng thử. Hương vị khác nhau lắm, nhưng vì thế lại nhớ rất lâu và làm người ăn không bao giờ quên cái đặc trưng riêng biệt của từng vùng quê. Thậm chí, mình như cảm nhận được tình cảm chân tình của người làm ra trong từng món ăn. Thực sự rất thú vị”.
Món Huế được rất nhiều người yêu thích


Món xưa, giá nay

Đương nhiên, để "về" với món ăn quen thuộc xưa, người thưởng thức phải chấp nhận mức giá "ngày nay" không hề rẻ. Tại các nhà hàng, quán ăn đèn hoa rực rỡ, thực khách thậm chí phải trả hàng trăm nghìn đồng cho một suất “canh rau muống, cà dầm tương” vô cùng đơn giản.

Thay vì vào nhà hàng quá đắt đỏ, không phù hợp với điều kiện kinh tế trong những ngày vật giá leo thang, giải pháp của nhiều bà nội trợ là mua sắm online hoặc tranh thủ cơ hội mua đồ giá rẻ tại các hội chợ. Các bà các chị cũng thường học công thức chế biến rồi thử nghiệm, mày mò làm lấy. Tuy thành quả có thể chỉ là một "phiên bản" gần giống "bản gốc", cảm giác cả nhà cùng ăn vẫn cực kỳ hân hoan, thích thú.

Nói về cách "trở về tuổi thơ" giá rẻ của mình, chị Hồng Anh tiết lộ, việc chọn lựa thực phẩm online không chỉ có lợi về giá, về thời gian, mà còn giúp chị tìm hiểu được nhiều hơn các thông tin xung quanh món đặc sản mình ưa thích. Chị thường chọn những địa chỉ, người bán uy tín, hàng thực sự tươi ngon để mua.

Cầu kỳ hơn, một số thượng khách lặn lội về tận nơi sản xuất hoặc chí ít phải là mua sản phẩm được chính người dân địa phương làm ra. Họ tin rằng, món ăn do chính người dân ở vùng quê làm mới thực sự "chất", mới thực sự ngon và “nguyên bản”. Nhưng đôi khi, những khách hàng kỹ tính phải thừa nhận thực tế, không hiếm lần nhận hàng làm ẩu vì một số người dân quê chạy theo số lượng hơn là chất lượng.

Vì thế, chỉ mong sao, giữa bộn bề cuộc sống, món ăn xưa, những đặc sản vùng miền đáng nhớ vẫn thực sự giữ được hồn cốt, mùi vị để những kẻ tìm đến được thực sự thỏa nỗi nhớ nhung.
(ST)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác