Ngày đăng: 22/02/2013, 10:33 am
Troh Bư là khu vườn cảnh mà tôi – Người Ban mê đã kiên trì xây dựng sau gần 20 năm ròng rã. Đến thời điểm này, Troh Bư của tôi đã rất đẹp một cách tự nhiên và hoang dã. Nó cũng đã khá nổi tiếng với du khách trong và ngoài tỉnh và được công nhận là một điểm đến thú vị của du lịch Đắk Lắk.
Troh Bư nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 12 km về phía tây bắc theo hướng Tỉnh lộ 1 đi Buôn Đôn, nơi có địa danh Bản Đôn đựơc cho là chưa đến đây tham quan coi như chưa biết du lịch ở Đắk Lắk.
Chính vì vậy nó sẽ là một điểm dừng chân lý tưởng để làm ngắn bớt quãng đường đi Buôn Đôn dài hơn 40 cây số; là sự lựa chọn tuyệt vời, ngày vui khó quên cho du khách đến từ trong tỉnh khi tổ chức đi dã ngọai, cắm trại hay nghỉ ngơi cuối tuần cùng bạn bè và gia đình.
Khi đến với Troh Bư, du khách có thể đắm mình trong 1 không gian rừng cổ tích chỉ cách thành phố Buôn Ma Thuột không đầy 10 km tính theo đường chim bay. Ở đây có 1 bộ sưu tập đa dạng về cây rừng tây nguyên, một vườn lan rừng tự nhiên và cả một ...rừng mai vàng đúng nghĩa.
Ở Troh Bư du khách hoàn tòan có thể tìm hiểu, khám phá một Không gian cà phê với cuộc sống thực tế sinh động vẫn diễn ra từng ngày của một trong những nơi đã làm ra những hạt Cà Phê Ban Mê tuyệt hảo, có thể được thưởng thức hương vị của những ly Cà phê rang xay, pha theo kiểu truyền thống.
Du khách có thể có những trải nghiệm về cuộc sống của những người điền chủ cà phê khi Ban mê đang còn là vùng sơn cứơc. Qua những đêm không ngủ bên ngọn lửa trại, bếp lửa sàn bập bùng trong ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê bản địa hay ngồi mê mải đếm đom đóm lập lòe ngòai những khung cửa vòm. Có những tấm ảnh kỷ niệm độc đáo bên chiếc thuyền độc mộc lớn nhất thế giới và những bộ chiêng đá cổ xưa không nơi nào có đựơc.
Đến với Troh Bư du khách còn có cơ hội thử qua các món ngon tây nguyên dân dã nhưng khó quên như cà đắng, vếch bò, gà nướng Troh Bư hay heo đốt nguyên con...
Để tìm hiểu chi tiết hơn, mọi người có thể tìm xem thêm ở các bài khác trong cùng thư mục như:
Huyền thoại về Trohbư
Trohbư (Troh Bư) Theo tiếng Ê đê có nghĩa là "lũng cá lóc đá"
Huyền thoại kể rằng ngày xưa, tại vùng đất nọ có một lần Giàng làm khô hạn, mấy năm liền không cho một giọt mưa. Đất đai nứt nẻ không còn trồng tỉa được, ngay cả nước ăn cũng dần cạn kiệt, người dân trong làng phải đi rất xa mới tìm được nước dưới những lòng suối sâu. Bao nhiêu lúa, ngô, khoai, sắn trong làng đều đã dùng hết, người trong làng phải chia nhau vào rừng tìm rau, đào củ. Rồi chẳng mấy chốc rau củ trong rừng cũng hết; chim, thú cũng bỏ đi cả không còn gì để săn bắn. Già làng đã nhiều lần cúng tế bao nhiêu là trâu, bò, lợn, gà mà Giàng vẫn không tỏ lòng thương xót. Không thể đợi lâu hơn được nữa, tù trưởng quyết định phải bỏ làng đi tìm đất mới và cả làng lũ lượt kéo nhau đi. Nhiều ngày trôi qua, đã rất xa nơi ở cũ nhưng rừng núi quanh họ vẫn chỉ một màu nắng cháy, cây cối xác xơ, mọi người đều thấy mệt mỏi và chán nản. Chợt một sáng nọ, họ thấy trước mặt có một vùng cây xanh tốt, mọi người không ai bảo ai cùng nhanh chân bước. Đến nơi, họ thấy đó là một khu rừng đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Lúc ấy, trời đã quá trưa, họ dừng chân ở một nguồn suối nhỏ bên một thung lũng lấp xấp nước; trong lúc tìm cái lót dạ, họ bỗng phát hiện trong thung lũng kia có rất nhiều cá lóc suối sinh sống
Mọi người lấy làm vui mừng, cùng nhau be bờ, tát cá, khi nước cạn, họ bỗng lấy làm lạ vì cá ở đâu cứ như từ dưới đất chui lên, bắt mãi mà chẳng hết. Trưa hôm đó cả làng lại được ăn uống một bữa thật no nê. Rồi hôm sau cũng vậy, cá vẫn cứ như tự sinh ra trong thung lũng. Cái bụng đã được no, cái chân không còn muốn đi xa thêm nữa; lũ làng, ai ai cũng đã thấy ưng bụng với nơi ở mới này. Rồi họ phát hiện quanh đó có rất nhiều những nguồn nước mạch chảy tự nhiên, thật trong lành, mát ngọt; lại còn có cả một dòng suối lớn quanh năm đầy nước thật thuận tiện cho việc lập buôn làng mới. Cho rằng Giàng đã giúp mình, cả làng quyết định dừng chân cúng tạ và bắt tay vào việc lập buôn làng mới. Họ đặt tên cho buôn mới là Buôn Niêng và gọi dòng suối chảy qua làng là suối EaNuôl, còn thung lũng đầy cá lóc suối đã nuôi sống lũ làng khi mới đến kia là Trohbư.
Do vùng đất này nằm giữa hai vùng dân cư đông đúc và trù phú của Dak Lak là Bản Đôn và Buôn Ma Thuột nên chẳng mấy chốc buôn Niêng đã trở nên một buôn làng sầm uất và giàu có. Người ta còn nói rằng đây là buôn có nhiều chiêng, ché nhất ở Dak lak, tây nguyên
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook