Tìm về ký ức hồn quê xưa....

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4026
  • Tổng lượt truy cập 11,490,651

Fanpage facebook

Ngày đăng: 30/05/2013, 10:58 am
Tìm về ký ức hồn quê xưa....
Viết bởi WebTâyGiang
Thứ ba, 11 Tháng 9 2012 08:21

Tôi sinh ra và lớn lên nơi bản Pơr'ning, xã Lăng đất Mẹ Tây Giang, sứ Quảng anh hùng, nơi lớp lớp người con C'tu trung dũng kiên cường, nơi có những người mẹ, người cha, người chị hiền hậu, chịu thương chịu khó, chân chất, thật thà, sống đầy nghĩa tình với tấm lòng hiếu mến khách được hun đúc từ bao đời.

Một góc bản Pơr'ning hôm nay
Tây giang ơi! Hai tiếng Quê hương, hai tiếng yêu thương ngọt ngào từ bao đời, mỗi lần tôi được về thăm quê, tâm hồn tôi như nhẹ lâng lâng và rạo rực chan chứa bao niềm vui sướng không thể diễn tả hết được! Hai tiếng Tây giang, hai tiếng vùng cao, hai tiếng bản làng thân thương nghe sao gần gủi và sâu nặng nghĩa tình.
Ôi! nhớ sao những ngày còn thơ non nớt như những con chim non trong rừng, tôi cùng đám bạn trong làng rủ nhau đi tìm tổ chim về nuôi, đi lượm những con ốc, con cua nơi con suối đầu bản, nhớ những lần vào rừng tìm hái những qủa chôm chôm, trái bhriu đỏ chín hồng thơm lừng, ăn thoả thích bớt những lần đói khát giữa rừng hay những mùa đi nương rẫy, đi nhà duông.. Nhớ nhất là những mùa tập làm nỏ ná, bẫy chim thú trong rừng, và mỗi lần về đến làng từng đám bạn chúng tôi lại tổ chức thi chơi các trò chơi dân gian của dân tộc C'tu chúng tôi như trò: đuổi bắt dưới ao, hồ, trò leo cây, vui nhất là trò đâm trâu, những sợi dây rừng non được đám trẻ chúng tôi bứt về làm dây để cột nhân vật đóng vai con trâu của làng, trò chơi của đám trẻ chúng tôi lúc bây giờ cũng không kém phần hấp dẫn, vui nhộn.. Nhất là người được nhận làm vai trâu, chạy tứ tung trong tiếng vui cười, nô nức của đám trẻ con miền sơn cước như không biết mệt. Hết trò chơi “đâm trâu”, chúng tôi lại vào rừng tìm những quả Aló tròn (qủa mài) làm “con vật lăn” để thử tài vót chông, làm giáo mác bằng cây rừng của mình, rồi chiều chiều chúng tôi thả những quả Aló thật to từ trên dốc cao xuống và dùng dao, mũi chông để chinh phục "vật lăn”, xem ai có tài, và nhanh nhẹn… Đây cũng là một trong những trò chơi truyền thống của dân tộc C'tu để rèn luyện và duy trì kỷ năng sống, tính nhanh nhẹn, khéo léo, khoẻ khoắn khi gặp thú dữ, kẻ thù trong rừng. Hết trò chơi thả quả aló, chúng tôi lại kéo nhau vào rừng tìm dây mây rừng đẹp, chắc và chọn lấy cây kỹ lưỡng, cây gần đường, có cành to và đẹp gần làng đề làm trò chơi " Đha vư” (đu dây), có lúc dây không bền làm chúng tôi rơi rớt và làm chúng tôi bị trầy rát cả da nhưng chúng tôi vẫn chơi, nghịch. Đám trẻ nơi miền sơn cước chúng tôi hồi đó là thế!
Mưu sinh nơi non ngàn.
Rồi có lúc rủ nhau đi thi leo cây xem ai leo giỏi hơn ai, thi vót "K'rông, b’ré'' bẫy chim, thi đan nơm a'rung để bắt cá …rồi đêm đêm chúng tôi lại tục tập quanh bếp lửa nhà sàn, nhà gươl của làng để ngồi nghe các cụ hát dân ca, hát lý, kể chuyện cổ tích; về những anh hùng giữ làng, cứu dân, người tốt, và cả cách đặt bẫy chim thú, cách làm nỏ, và những kinh nghiệm sống ở rừng….
Những trò chơi ấy bây giờ không còn nữa nhưng trong tiềm thức, kí ức ấu thơ của mỗi người con C'tu ở Tây Giang nói riêng, dân tộc C'tu nói chung vẫn luôn nhớ mãi về một thời xa xưa, về một thời "thượng võ, bền chí, bền lòng, sống hài hoà với môi trường tự nhiên vốn khắc nghiệt nơi rừng rậm, người thưa, thú giữ cai trị”. Người C'tu từ xa xưa đã biết ứng xử với tự nhiên, giữ lấy tự nhiên, cây rừng bằng luật tục, không phá rừng, chặt cây gỗ bữa bãi, không bán những sản vật quý của rừng...”Bởi rừng là một phần cơ thể của họ mất rừng là mất cộng đồng người C’tu”, ngược lại họ cùng nhau đoàn kết, yêu thương nhau hơn không chỉ ở người lớn mà sức mạnh tình thần ấy luôn hun đúc, khơi gợi và phát triển lên không ngừng qua mỗi thế hệ nhất là trong lớp trẻ, đặc biệt tinh thần ấy luôn hiện hữa trong các trò chơi dân gian rất đặc trưng của dân tộc C’tu thời bấy giờ. Bởi đơn giản các cụ C’tu xưa thường căn dặn con cháu: Cá muốn sống cần có nước, chim thú muốn sống cần có rừng, người C’tu mình cũng vậy. Nhưng làm sao để sống hòa hợp với rừng, với chim thú... để chúng không bị tuyệt chủng. Săn bắt, hái lượm, chặt hạ như thế nào để chim thú, cây rừng không bị tổn thương và hư hại nhiều? Từ đó ra đời hương ước, luật tục và chỉ có hương ước, luật tục và những quy định về rừng thiêng (nơi có những cây gỗ quý, động vật quý) cấm xâm hại mới kiềm chế lòng tham và sự tàn phá của con người. Luật tục C’tu về rừng về những ứng xử sống hàng ngày không chỉ có giá trị về văn hóa, về tính nhân văn, thẫm mỹ mà cao hơn đó là chế pháp đắc lực, hữu hiệu nhằm để điều tiết hành vi và xử sự của con người với người, người với thiên nhiên vạn vật một cách hài hòa và khoa học. Từ đó mới cân bằng được sự sống, từ đó mới tạo dựng các nếp sống văn hóa, đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng làng, nước. Đem cuộc sống thanh bình, ấm no, nghĩa tình khắp bản làng, núi rừng.
Cần lắm những khu vui chơi cho trẻ em miền sơn cước.

 

Ngày nay, xã hội phát triển, dân số tăng cao cộng với những tác động của của nhiều mặt, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại luôn kéo theo hai mặt; giữa tích cực và tiêu cực và nhiều vấn đề xã hội khác. Dần phá vỡ đi luật tục C’tu, phá vỡ dần cấu trúc làng, nếp sống nhà sàn, nhà Gươl với tình làng, tình người C’tu sống đầy hiếu mến khách. Những em thơ C’tu bây giờ cũng không có chỗ và không còn cơ hội được chơi những trò chơi dân gian của dân tộc mình bởi các trò chơi mới, hiện đại hơn, nhanh tiện hơn luôn lôi cuốn các em vào; đó là game online,v,v..những trò chơi thế giới ảo luôn kích thích người chơi và đi đến nghiện ngập, tội phạm. Bỏ học, trộm cắp khi gia đình không đủ tiền chu cấp cho con cái ăn, chơi, thực dụng.
Cán bộ Tây Giang về gần dân để hiểu dân và phục vụ tôt cho dân hơn.

Vấn đề đặt ra ở đây là giữa phát triển với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lẫn vật chất và tinh thần và các nếp sống truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của người C’tu nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung không chỉ trên giấy tờ, không chỉ ở người già, người tâm huyết một đời về văn hóa mà cao hơn là ở mỗi thế hệ trẻ chủ nhân tương lại của bản làng, quê hương, đất nước luôn phải biết quý trọng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy nó lên. Việc giữ gìn các giá trị văn hóa nhất là ở vùng đồng bào dân tộc ít người không chỉ có cơ quan chức năng làm mà cần sự phối hợp hài hòa giữa các ban nghành, đoàn thể, các cấp chính quyền, cơ sở và nhất là người dân “chủ thể văn hóa”. Từ đó mới phát huy hết sức mạnh tổng hợp, tạo bình phong sức mạnh vững chắc, giàu đẹp tổng hòa về kinh tế, văn hóa- xã hội, anh ninh, quốc phòng...nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Khi đó các giá trị văn hóa mới đứng vững và phát huy hết giá trị góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện, bền vững hơn, giàu mạnh hơn.
Pơ loong Plênh.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác