Săn chuột đồng giữa mùa nước nổi

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2620
  • Tổng lượt truy cập 11,489,244

Fanpage facebook

Ngày đăng: 30/05/2013, 10:45 am

Săn chuột đồng giữa mùa nước nổi

Thật không có gì thích bằng một chuyến về với miền Tây sông nước. Dưới cái nắng như đổ lửa, thong dong trên chiếc xuồng nhỏ giữa mênh mông nước, vô tình ngắm được một thiếu nữ Vĩnh Long đang vươn mình hái bông điên điển. Như từ ngàn đời bất biến, cứ đến tháng 8 Âm lịch, miền miệt thứ lại tái diễn một mùa nước nổi. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay sau mùa gặt bị chìm trong một biển nước đục ngầu vô tận phù sa. Lũ chuột đồng lúc này bị động ổ, phải tìm đến những gò đất cao hay những nhánh tràm, những bụi dừa nước để trú ngụ. Và đây là cơ hội cho tất cả những ai rảnh rỗi không phân biệt già trẻ, gái trai đi săn chuột đồng để về chế biến những món ăn khoái khẩu.



Với dân chơi mọi miền, chuột đồng là một món nhậu nổi tiếng. Về bất kỳ tỉnh nào của miền Tây mà không thưởng thức món chuột đồng thì e rằng xem như chưa biết miền sông nước. Tôi đã được nghe nhiều về món chuột đồng nướng xả ớt, khìa với nước cốt dừa, chuột nấu lá lốt, chuột cuốn, chuột lúc lắc, xào bầu, chuột xé phay, chuột nấu giả cầy… nhưng kỳ thực, tôi chưa từng thưởng thức món đặc sản được ví như “gà đồng” này.





Lần này, tôi xuống núi về tuốt luốt tận ấp não ấp nao của huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Nhà bạn nằm trước một con sông, cả ngày chỉ nghe thấy tiếng động cơ của ghe và sóng nước vỗ bờ ì ọp. Nhà xa chợ nhưng đồ ăn, thức uống chẳng thiếu thốn thứ gì. Riêng khoản chuột đồng thì mẹ bảo: “Mèng ơi, chuột đồng đầy nhóc ngoài ruộng đó, lát con Út dẫn nhỏ gái đi cho nó biết nha…”.

9 giờ sáng, cái nắng gay gắt của miền Tây Nam bộ đã làm tôi ngộp thở, nhưng vì cái máu tò mò về cách người ta tóm cổ mấy con chuột đồng nên tôi ráng lẽo đẽo dắt theo con Phèn (tên con chó vàng) rồi chạy theo chị Út. Út nói cho tôi biết chuột đồng miền Tây có hai loại: chuột cơm và cống nhum. Chuột cơm nhỏ, lông màu vàng xám còn chuột cống nhum thì to xác, lông đen. Miền này, người ta thường bắt chuột cơm vì thịt chúng rất thơm ngon. Mùa nước nổi, lũ chuột dắt díu lên cây dừa làm ổ rồi nhấm luôn những trái dừa non, thịt của chúng nhờ vậy càng thơm và béo ngậy. Út dẫn tôi đi dọc mé ruộng, nơi có những hàng dừa xanh ngắt. Con Phèn sủa vang khi phát hiện ra một con chuột cơm chừng 300g đang lật đật bò lên cây dừa.





Nhanh như cắt, Út cầm cái mũi chĩa dài chặn ngang thân dừa ngay trước mũi con chuột, nó giật mình rơi bịch xuống đất, con Phèn lao tới tóm gọn con chuột mang tới cho Út buộc vào một sợi dây chuối khô xách đi, con chuột chỉ còn biết kêu lên những tiếng chít chít yếu ớt. Út lại đưa cái mũi chĩa lên những bẹ dừa phá ổ chuột, chúng bị động ổ, giật mình nhảy loạn xạ rồi rơi bịch xuống đất. Tôi, Út và con Phèn xúm lại đập rập rồi tóm lấy đuôi chúng, không để một con nào thoát thân.

Đó là cách săn chuột trên cây dừa, còn ngoài ruộng, người ta tìm hang chuột rồi đổ nước đầy hang, lũ chuột bị ngộp nước, lật đật chui ra và sẽ bị các thợ săn miệt vườn tóm gọn… Theo tìm hiểu của tôi thì các món ăn chế biến từ chuột đồng không chỉ có ở miền Tây. Trên đất Bắc, thiên hạ cũng phải thòm thèm món ăn dân dã này. Những cánh đồng chiêm trũng ngút ngàn và trù phú vùng Hưng Yên, Bắc Ninh cũng đã tạo nên thương hiệu đặc sản chuột đồng quê nhà cho khách bốn phương.

Về với miền Tây, nhìn cánh đồng mênh mông nước được tô điểm màu vàng tươi xanh của bông điên điển, những dòng sông chở nặng phù sa. Trên cánh đồng trũng nước, tiếng hò hét săn chuột, tiếng chó sủa… nghe sao hoang dại và yêu quá một miền quê hiền hòa trên đất Việt!

Thương lắm… bần ơi!




Anh Ba ngồi đung đưa cái võng trước hiên nhà, ngân nga câu hát: Chị tôi như kiếp bông bần/ Bốn mùa rơi rụng trắng ngần bến sông!... Dứt câu hát, anh Ba nhìn ra dòng sông đục ngầu vì phải chở nặng phù sa. Như nhớ ra điều gì, anh Ba bật dậy nhìn tôi vẫy tay: “Ê nhỏ, chèo xuồng đi hái trái bần hông?”. Tôi là con gái Tây Nguyên, chẳng mấy khi có dịp về miền sông nước nên chỉ cần nghe tới chèo xuồng ra sông thôi là đã mê tít, gật đầu ngay. Chiếc xuồng nhỏ chòng chành mỗi khi có một chiếc ghe lớn chạy qua. Anh Ba vững tay chèo rẽ sóng đưa xuồng chúng tôi tiến sát những tán bần. Bần là một loại cây hoang dã mọc nhiều trên các bãi bồi phù sa thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trái bần có vị chua và chát nhưng chính cái vị chua chát ấy đã giúp cho nhiều món ăn của miền Tây sông nước thêm đậm đà hương vị.

Đang là mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch) nên bần mới bắt đầu nở hoa rộ nhưng anh Ba bảo: “Ráng kiếm mấy trái bần ra sớm về nói mẹ nấu canh chua bần cho ăn, mày ăn là mày ghiền luôn đó nhỏ…”. Ở đây, đến mùa bần, các bà nội trợ dùng bần nấu canh chua thay me vì bần có vị chua thanh và dịu. Canh chua bần được nấu với nhiều loại cá như cá tra, cá ba sa, cá ngát, điêu hồng… Rau ăn kèm với canh chua bần hay lẩu bần là bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng… Đặc biệt, mùa nước nổi còn có bông điên điển ăn kèm rất hợp vị.

Anh Ba kể ngày xưa ai đâu để ý tới trái bần, nó cứ chín, cứ rụng đầy sông không ai thèm ngó ngàng tới. Trái bần xưa chỉ để lũ trẻ tắm sông lượm lên chọi nhau rồi cười nắc nẻ. Tôi góp vài lời khi nghĩ tới trái bần: “Sao lại gọi là bần hả anh Ba? Nghe cái tên thôi cũng đã thấy sự buồn của cơ cực, túng quẫn, khổ đau”.
Anh Ba cười hiền lành:

“Bần giờ đã có người mua
Bên bờ vẫn đợi gió lùa tiếng rao…”.

Quả là trái bần nay đã có “địa vị” trong hàng ngũ trái cây của miền miệt thứ, được ưu tiên chăm sóc và trồng thành rừng để chống xói lở. Trái bần nay đã trở thành món đặc sản “ăn là ghiền” của miền sông nước.




Người ta còn phơi khô trái bần rồi đóng gói thiệt gọn, dán nhãn mác hẳn hoi đưa vô siêu thị bán, tên món ăn đó là “lẩu canh chua bần”. Được biết, tác giả của món đặc sản này là một người phụ nữ-nông dân rặt tên là Võ Thị Cúc (thường gọi Tư Cúc) ở ấp Long Trị, xã Long Đức, TP. Trà Vinh.

Trái bần còn có thể đem dầm với nước mắm ngon làm nước chấm. Món bánh tráng cuốn cá nướng, bún và rau sống mà thiếu nước mắm bần là thiếu đi nhiều hương vị. Anh Ba bảo ngày xưa sống được cũng nhờ trái bần. Mỗi lần bị cảm sốt, uống thuốc hoài không khỏi, ngoại lại ra bờ sông hái trái bần chín về nấu canh chua với rau muống. Ăn vô, mồ hôi vã ra ướt cả áo là hạ sốt liền. Đám con nít bị “Tào Thào rượt” cũng chỉ cần dùng trái bần non dầm nhuyễn, chế nước sôi, chắt lấy nước uống là cầm ngay.

Xuồng của tôi và anh Ba trôi theo những câu chuyện về trái bần cuối cùng cũng tới được cây bần cổ thụ mọc ở bờ sông cuối xóm. Bên cạnh những sum suê của hoa, của nụ và những trái bần non cũng có vài trái bần lớn mà theo anh Ba là “ăn được”. Tôi với tay hái một trái bần tròn lẳn hiếm hoi ngắm ngía. Nhớ nhỏ bạn nói trái bần già ăn với muối hột dầm ớt cũng tuyệt cú mèo. Bữa nhậu thiếu mồi, ra mé sông hái trái bần chấm mắm sặc hoặc muối ớt, vậy là đủ tới bến… Tôi đưa trái bần lên miệng cắn ngang, một vị chát đắng chạy xẹt nơi đầu lưỡi, rồi từ từ chuyển qua vị chát nhẹ và chua thanh dìu dịu, rất thú vị!

Những bông bần trôi theo dòng phù sa về miệt dưới trắng ngần cả bến sông. Bên này xóm bồi vang lên lời ru:


"Ví dầu bắt cá nấu canh
Dầm bần thêm ớt cho thanh cho nồng
Mai sau thành vợ thành chồng
Đừng làm bần ớt hết nồng hết chua…"

Bên kia xóm lở, nhà ai đang chuẩn bị cho một đám cưới, nhạc vui rộn ràng!



Lúc nào mình cũng giữ một khúc sông trong lòng để nhớ, dù nó trong veo hay ngầu đỏ theo thủy triều, mưa nắng... Lúc nào mình cũng giữ một khúc sông trong lòng, dù đêm về... mơ thấy mình bị “ăn đạn” sình và thường sặc nước...

Những lúc gần tết, chiều chiều từ lối rằm tháng Chạp, mình với anh Bình- con bác Tư cạnh nhà- ngày nào cũng xuống sông rạch Cống tắm. Nước mùa này trong xanh và sạch nên rất thích. Thú vị hơn, ngang bến sông nhà mình, bến bên kia có mấy thằng nhóc cùng lứa cũng tắm. Trò chơi chiếm thành dưới nước, chia phe chọi sình... cũng chảy mải miết như sông.Vậy nên lúc nào mình cũng giữ một khúc sông trong lòng để nhớ, dù nó trong veo hay ngầu đỏ theo thủy triều, mưa nắng...


Nguyễn Giang ( Báo Gia Lai)

Nguồn: http://nguoimientay.info/diendan/showthread.php?t=21438#ixzz2UkCUiLft

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác