Lê Kim Chi và nhóm bạn đang nấu cơm trong bếp của người Mông ở Hà Giang (Ảnh do nhân vật cung cấp). |
Chính trong 10 ngày ngắn ngủi đó, Kim Chi đã cảm nhận được hết sự thú vị của du lịch theo hình thức homestay.
Tới Ma Lé, Chi vào gia đình nghèo nhất bản, nghèo tới mức không thể dựng được nhà tranh vách đất mà phải dùng tấm lá, tấm liếp che chắn. Nhiệt độ xuống tới 0 độ C nhưng cả nhà chỉ có 1 chiếc giường con ọp ẹp dành cho người ông già yếu nằm và 1 cái chăn khâu vá chằng chịt, rách bươm. Nhưng ông cụ vẫn nhất quyết nhường chăn, giường cho cô khách dưới xuôi.
Tại đây, Chi đã được "ăn miếng thịt ngon nhất trong đời".“Dù gia đình rất nghèo nhưng họ sẵn sàng xắn miếng thịt treo gác bếp dành cho ngày Tết để đãi mình ” – cô tâm sự.
Những tình cảm yêu thương của gia đình Mông nghèo khổ này là trải nghiệm quý giá nhất của Chi trong suốt chuyến đi cùng ở với người dân khắp bản làng Hà Giang.
Cũng giống như Chi, ngay trong chuyến đầu tiên “ngủ bản” của mình, Lê Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã rất cảm động vì một gia đình ở bản Mường Luông (Điện Biên Đông) quá nhiệt tình niềm nở.
Lần đầu tiên đón nhiều khách lạ, gia đình sẵn sàng nhường chăn màn cho các thành viên nữ, mượn thêm bát đũa nhà hàng xóm và đưa sang hàng xóm… tắm nhờ.
Vũ Thanh Minh, hướng dẫn viên du lịch tự do chuyên tổ chức các tour kiểu homestay chia sẻ: “Một lần đi Lai Châu, ở trong bản Thái 1 tuần và vẫn đi nương, rừng như một người trong gia đình. Tình cảm cứ dần sâu sắc và gắn bó. Thời khắc xin phép về thật cảm động bởi nhận được những lời dặn dò của mọi người như chính gia đình mình".
Thậm chí, vì quá yêu mến, gắn bó với một gia đình người Thái ở Nghệ An đã cho ở nhờ, các thành viên thuộc nhóm du lịch Tây Bắc đã mời hai bố con nhà đó ra Hà Nội chơi và luân phiên ở homestay tại nhà của các thành viên.
Vũ Thanh Minh (hướng dẫn viên du lịch chuyên tổ chức tour kiểu homestay): Homestay là hình thức du lịch bền vững, quảng bá văn hoá, con người và cảnh đẹp một cách chân thật, rút ngắn khoảng cách giữa khách với cư dân bản địa. Du lịch homestay đặc biệt phù hợp với quốc gia đa văn hóa như Việt Nam. |
Chi phí cho 4 ngày homestay/một người trung bình khoảng từ 100 - 200 ngàn đồng. Nhưng lý do sâu xa, hấp dẫn SV hơn chính là tính chất văn hóa địa phương của homestay.
Tabalo, biệt danh một thành viên của "nhóm Tây Bắc", nhân vật kỳ cựu trong giới du lịch “bụi” cho rằng điểm thú vị của du lịch homestay chính là cơ hội được trực tiếp quan sát cuộc sống của người dân qua cách họ bài trí nhà cửa, mức sống, cách kiếm sống và ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Còn Lê Nhung cũng rất thích thú với chuyến đi ngủ ở bản Mường Luông đúng vào dịp 2/9. Lần đầu tiên Nhung biết rằng người dân tộc quan niệm đây là ngày lễ độc lập nên tổ chức ăn uống linh đình, nhà nào cũng mổ trâu, mổ bò.
Trong đêm ngủ ở nhà người Mông ở Ma Lé, không chịu nổi cái rét cắt thịt ở miền núi, Kim Chi lôi len ra đan khăn.
Thấy lạ, bà chủ nhà mon men tới xem, Chi liền dạy bà cách vót que đan và đan khăn. Người phụ nữ Mông lóng ngóng đan những mũi kim đầu tiên một cách thích thú. Rồi chị lại "trao đổi văn hóa" bằng việc dạy Chi cách dệt thổ cẩm.
Tới Phó Bảng, Chi học được cách sưởi ấm bằng lửa đỡ hanh, da đỡ bị nứt nẻ bằng việc đặt một lon nước lên bếp lửa để hơi nước bay lên. Tới một bản khác, lại được tham dự đám giỗ của người dân tộc với nhiều phong tục kỳ lạ.
“Khi cùng sống cùng sinh hoạt với người dân bản địa, tham gia các hoạt động của chính gia đình đó, được dạy cách nấu ăn, bắt cá, làm bánh..., mỗi người sẽ phải vận động như những thành viên trong cùng một gia đình. Cách tiếp cận gần gũi nhất với văn hóa địa phương này giúp các thành viên có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc; trải nghiệm, sâu sắc hơn về cuộc sống" - Cẩm Tú, trưởng nhóm du lịch SV Vietstyle (TP.HCM), chia sẻ.
Thiếu bát đũa, người dân mượn hàng xóm cho những vị khách phương xa (Ảnh: Nhóm LC304). |
Để tham gia một chuyến du lịch homestay thì phải có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Nhà dân thường chỉ có vừa đủ đồ dùng cho gia đình nên muốn tới ở nhờ, cần “trang bị tới tận răng”, từ túi ngủ, tấm trải, kem chống muỗi, bát đũa…
Quan trọng hơn, phải tinh tế quan sát và để ý các phong tục, nếp sống của từng địa phương, từng dân tộc, thậm chí là từng gia đình để tránh làm phiền lòngchủ nhà.
Tabalo chia sẻ một kinh nghiệm thú vị: “Nhóm chúng tôi thường đi bằng xe máy nên ăn mặc bụi bặm, gồ ghề, qua cả chặng đường dài nên mặt mũi đen sạm.
Có lần ở Nghệ An, chúng tôi chọn 1 nhà rất đẹp bên đường để xin ở nhờ nhưng chủ nhà nhất định không mở cửa. Lúc đó đã 8h tối, nhà chỉ có 2 mẹ con.
Sau đó, 2 người gõ cửa (bụi bặm như "thổ phỉ") phải cởi bộ quần áo đi xe máy ra, đưa ngay thẻ vận động viên đi xe 250 phân khối giới thiệu đàng hoàng thì người dân lại rất thoải mái, nhiệt tình đón tiếp.”
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook