Làm “homestay” khó hay dễ?

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 7397
  • Tổng lượt truy cập 11,494,028

Fanpage facebook

Ngày đăng: 25/04/2013, 03:15 pm

Làm “homestay” khó hay dễ?

Dịch vụ “homestay” đang nở rộ tại hầu khắp các tuyến điểm du lịch trọng điểm trên cả nước. Nhưng theo các chuyên gia, đa số dịch vụ này hiện nay chỉ có thể gọi là “housestay”.
Làm “homestay” khó hay dễ?

Làm “homestay” khó hay dễ?

“Homestay” không phải là dịch vụ lưu trú

“Homestay” là loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hoá của mảnh đất mà du khách đặt chân đến. Bởi thế, theo ông Vi Thành Nam – giám đốc công ty du lịch Amazing, “homestay” là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không chỉ là dịch vụ lưu trú.

Chỉ khi nào du khách thực sự hoà vào cuộc sống bản địa từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới thực sự được trải nghiệm loại hình du lịch homestay (Ảnh: du khách nước ngoài tại bản Tà Van (Sapa)-bản chuyên làm du lịch homestay- Ngọc Thành)

“Trong tiếng Anh, “home” nghĩa là mái ấm, là nơi có gia đình, có sự gắn kết giữa các thành viên. Còn “house” là ngôi nhà theo nghĩa vật chất. Hầu hết các địa phương hiện nay triển khai loại hình lưu trú tại nhà dân và gọi đó là “homestay”, nhưng thực chất đó chỉ là “housestay” mà thôi” – ông Nam khẳng định.

Theo ông Nam, việc lưu trú tại nhà dân, hoặc ăn uống tại nhà dân cũng chỉ là giống như tìm chỗ nghỉ trọ nhưng bình dân và gần gũi với dân cư bản địa hơn. Song hoạt động này không giúp cho du khách có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán, nền nếp sinh hoạt, các giá trị cốt lõi của vùng đất mà họ đang khám phá. “Chỉ khi nào du khách thực sự hoà vào cuộc sống bản địa từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới có được những hiểu biết và trải nghiệm một cách tự nhiên và sâu sắc. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi thì ngoài Huế và Hội An (Quảng Nam), các điểm “homestay” khác mới chỉ làm tốt dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ. Khách vẫn chỉ là khách, ngày ngày đi tham quan, chụp ảnh, nhìn cuộc sống địa phương từ bên ngoài. Thậm chí bữa ăn của họ cũng tách biệt, được phục vụ riêng chứ không ăn chung cùng chủ nhà”.

Ông Nam dẫn chứng: “Nếu ai đã từng xem chương trình Hẹn nhau nơi đất lạ trên đài truyền hình Pháp thì sẽ biết thế nào là “homestay” thực sự. Ở tập phim về người Lô Lô đen ở Việt Nam, vị khách Pháp đã có một tour “homestay” mà ai cũng ao ước: ở nhà sàn, nằm sàn gỗ chứ không có chiếu, nệm, ăn cơm với cá khô, đi cày ruộng, cấy lúa, bắt lợn, nấu cám, xuống chợ bán ngô… Chính trong những hoạt động thường nhật ấy mà vị khách và chủ nhà mới nảy sinh tình cảm gắn bó thân thiết cũng như thu nạp được nhiều giá trị quý giá khi trải nghiệm một cuộc sống mới”.

Tuy nhiên ông Nam cho rằng để làm được “homestay” giống như vậy thì không hề dễ dàng. Trong khi làm “housestay” lại đơn giản hơn, chỉ cần đầu tư chút ít cho cơ sở vật chất. Đó là lý do mà “housestay” phát triển mạnh còn “homestay” chỉ lác đác vài điểm điển hình.

Chủ nhà “homestay” phải là một chuyên gia du lịch

Là người chủ trì quy hoạch du lịch của huyện đảo Cô Tô đồng thời cũng là người tâm huyết với sự phát triển du lịch địa phương, ông Nguyễn Đức Thành – Bí thư huyện uỷ Cô Tô – cho biết: “Dịch vụ lưu trú tại nhà dân ở Cô Tô đã có từ lâu, song dịch vụ “homestay” đúng nghĩa thì chưa có. Chúng tôi đã chuẩn bị 3 năm nay để cho ra đời sản phẩm này và dự tính cần ít nhất một năm nữa”.

Chủ nhà homestay phải là một chuyên gia du lịch, đồng thời nhận thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội (Ảnh: Ngọc Thành)

Ông Thành cho hay cá nhân ông đã đi tham khảo tại nhiều điểm làm “homestay” trong và ngoài nước nên hiểu rất rõ các vấn đề của loại hình du lịch đặc thù này. Theo ông Thành, cơ sở vật chất không phải vấn đề quá lớn bởi du khách chọn “homestay” tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu. Quan trọng nhất chính là chủ nhà. Làm thế nào để người chủ nhà nhận thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội.

“Để thuyết phục người dân làm “homestay” không phải dễ vì ai cũng muốn riêng tư cả. Tự nhiên có không chỉ một người khách xa lạ vào nhà họ ở, ăn ngủ đi lại sinh hoạt cùng gia đình có thể làm xáo trộn cuộc sống cũng như tâm lý của họ. Rồi lại phải học ngoại ngữ để có thể giao tiếp với khách nước ngoài, học văn hoá các nước để hiểu được vị khách đến nhà mình cần gì, phải cư xử ra sao cho phù hợp… Nếu ngay lập tức đặt ra một loạt vấn đề như thế thì hầu hết các gia đình sẽ từ chối”.

Theo ông Thành, việc lựa chọn hộ gia đình làm “homestay” dựa trên nhu cầu tự nguyện nhưng cũng phải chọn lọc. Bởi sản phẩm “homestay” có sự tác động rất mạnh đến hình ảnh tổng thể của một điểm đến nên người làm “homestay” không chỉ có hiểu biết về du lịch, biết làm kinh tế mà còn phải có phẩm chất tốt, tầm nhìn xa và nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Nói cách khác, chủ nhà homestay cũng phải là một chuyên gia du lịch. Họ phải biết cách nói chuyện với khách, có khả năng tạo sự thoải mái cho khách, hiểu tâm lý khách, có hiểu biết về mọi vấn đề của địa phương để giới thiệu cho khách… Do đó, các khoá đào tạo cho người làm “homestay” không thể ngắn hạn mà chỉ là tập trung ngắn hạn nhưng phải liên tục đào tạo, tuyên truyền trong nhiều năm, kể cả khi dịch vụ đã đi vào hoạt động.

“Lực lượng quản lý ở bất kỳ địa phương nào cũng mỏng. Nếu để người dân hoạt động tự phát rồi mới đi chấn chỉnh thì chỉ mang tính chất vá víu chứ không giải quyết tận gốc được vấn đề. Khi có dịch vụ lưu trú tại nhà dân, có những hộ gia đình thu giá lưu trú cao, không theo giá niêm yết hoặc không đảm bảo an ninh cho du khách. Điều này có ở rất nhiều điểm du lịch. Nhưng nếu ngay từ đầu người dân đã được giáo dục về ý thức, hiểu rõ trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng cũng như cách để thu hút khách lâu dài, giữ lợi ích kinh tế lâu dài thì tình trạng hét giá, nâng giá với du khách sẽ hạn chế tối đa.

Do vậy, nói làm “homestay” khó cũng đúng mà dễ cũng đúng. Quan trọng là công tác chuẩn bị cho sự ra đời của loại hình du lịch đặc thù này được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, nhất là về mặt con người” – ông Thành khẳng định.

Nguồn tin: Sưu tầm

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác