Từ một vài cơ sở tự phát nuôi chồn hương có tính thử nghiệm ban đầu, đến nay nuôi chồn để sản xuất cà phê Chồn sắp trở thành phong trào tràn lan khắp Tây Nguyên. Và điều gì đến cũng đã bắt đầu đến. “Sản phẩm” cà phê Chồn làm ra không kiếm được nguồn tiêu thụ.
Con chồn trước sự lựa chọn bất đắt dĩ
Ghi nhận đầu tiên là tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất năm 2006, anh Nguyễn Quốc Khánh ở xã Krông Buk, huyện Krông Păk, Đak Lak đã trực tiếp đứng ra giới thiệu sản phẩm cà phê Chồn do mình nuôi. Có lẽ do giá bán còn quá cao so với túi tiền của người tiêu dùng nên chỉ mới có một số ít khách hàng mua cà phê Chồn đã rang xay và cà phê Chồn sấy khô của anh Khánh về thưởng thức, chế biến thử nghiệm. Thời điểm ấy, anh có hơn năm tạ cà phê chồn để bán. Theo anh ước tính, nếu bán được với giá 110 USD/kg thì sẽ lãi khoảng 200.000 đồng/kg mới xứng đáng với công người đầu tư chăm sóc.
Anh Hoàng Mạnh Cường ở phường Tân Tiến, Buôn Ma Thuột trong một bài báo được giới thiệu gần đây nhất trên “Sài Gòn Tiếp Thị” như là người đầu tiên sản xuất và kinh doanh cà phê Chồn từ năm 2004 (?). Năm vừa qua anh thu được khoảng 500kg cà phê từ đàn chồn nuôi của mình và chồn giao cho người thân nuôi. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch và những người có thu nhập cao với giá 1 ký từ 1 – 1,5 triệu đồng. Anh còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định cho công ty Sài Gòn Ban Mê để xuất khẩu sang Nhật và các nước châu Âu.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng giá cà phê Chồn thô là không rẻ chút nào. So với mặt bằng thu nhập bình quân của dân chúng hiện nay thì giá cả đó đã buộc gần như tất cả mọi người phải quay lưng lại với sản phẩm cà phê Chồn. Vậy thì cái giá nào mới có thể coi là giá cả hợp lý của sản phẩm cà phê Chồn?
Thế giới đã biết đến cà phê Chồn với sản phẩm có tên gọi Kopi Luwak của Indonesia. Đất nước này sản xuất được mỗi năm từ 224 – 450kg cà phê Chồn thành phẩm. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Châu Âu với giá 1.500USD/kg. Một vài quán cà phê ở đây bán cho khách 1 tách cà phê là 50USD.
“Tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai năm 2008, lần đầu tiên công ty cà phê Trung Nguyên cho ra mắt sản phẩm cà phê Chồn, mỗi hộp 250g giá 750 USD, một kg bốn hộp giá 3.000 USD, với lời giới thiệu mặt hàng này thích hợp để làm quà ngoại giao hoặc quà tặng cỡ nguyên thủ quốc gia. Hiện nay, Công ty vẫn tiếp tục sản xuất cà phê Chồn đóng hộp với số lượng hạn chế cho khách VIP, và từ chối nhiều đề nghị đặt hàng khối lượng dưới 1 kg do không đáp ứng được chi phí sản xuất. Công ty cũng không có hướng giảm giá mặt hàng cao cấp này nhằm thu hút nhiều khách hàng phổ thông hơn”…(theo Chi Mai, Tiền Phong). Như vậy có thể nói cà phê chồn Việt Nam còn đắt hơn nhiều so với sản phẩm Kopi Luwak của Indonesia, vốn được báo chí nước ngoài cho là đắt nhất thế giới.
Đại diện một công ty cà phê khác cho biết sau khi thu mua phân chồn lẫn cà phê từ người nuôi, họ chế biến và xuất khẩu với giá hơn 600 USD/kg. “Tuy nhiên chỉ khi nào có đợt đặt hàng chúng tôi mới sản xuất”, anh cho biết.
Cách đây mấy năm, công ty cà phê Thắng Lợi từng có một hợp đồng xuất khẩu 3,5 tấn cà phê Chồn sang Hàn Quốc(?). Công ty cà phê Sài Gòn-Ban Mê cũng có xuất bán sang Châu Âu và Nhật với số lượng còn hạn chế và theo những đơn đặt hàng nhỏ lẻ (?).
Cho đến hiện nay, hai anh em Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Giang Nam ở xã Krông Buk, huyện Krông Păk, Đak Lak cho biết hiện còn khoảng 7 tạ đóng bao hút chân không đang mòn mõi chờ khách hàng nên không còn hứng thú sản xuất cà phê Chồn nữa. Anh Hoàng Mạnh Cường ở phường Tân Tiến, Buôn Ma Thuột cũng còn khoảng 5 tạ chưa hợp đồng bán cho ai. Mối hàng trước đây hứa hẹn hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của anh thì nay đã bỏ anh để quay sang hợp đồng và cũng hứa hẹn bao tiêu với sản phẩm cà phê Chồn của anh nông dân trẻ Nguyễn Hữu Phương ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng với giá rẻ hơn. Còn anh Nguyễn Văn Thưởng ở thôn 1, thị trấn huyện K’Bang, Kon Tum thì ngay từ năm 2006 đã bán với giá 500.000đ một ký hạt cho những người tò mò thưởng thức. Nhưng mối hàng lớn nhất mà anh có được là chỉ bán một lần duy nhất 10 kg cho một đại gia trong ngành rang xay cà phê. Từ đó thỉnh thoảng anh mới bán được một vài ký cho những người hiếu kỳ, số còn lại gần như không tiêu thụ được. Giờ anh chỉ còn sản xuất cho “đỡ buồn” với số lượng không đáng kể.
Như vậy cà phê Chồn của Việt Nam vốn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới như Kopi Luwak của Indonesia hay Kape Alamid của Philippines mà đã sớm vẽ nên bức tranh ảm đạm. Tương lai của nghề nuôi chồn để lấy cà phê ở nước ta sẽ đi về đâu?
Sau nhiều lần thông báo trên truyền hình cần mua cà phê Chồn, Công ty cà phê Trung Nguyên nhận được nhiều phản hồi từ các chủ trang trại cà phê và người nuôi chồn. Công ty cử nhiều nhóm kỹ thuật viên đến tận nơi theo dõi cách thức nuôi để định giá mặt hàng. Từ đó không thấy Công ty mua của ai nữa, mà theo xu thế nuôi chồn hiện nay ở Tây Nguyên “các chuyên gia của Cty Cà phê Trung Nguyên đang nghiên cứu phương pháp nuôi dưỡng các loại chồn có thể cho ra loại cà phê chồn ngon, xây dựng trang trại nuôi chồn hiện đại, phù hợp các quy định liên quan của pháp luật và công ước quốc tế về nuôi và nhân giống động vật có nguồn gốc hoang dã.” (Chi Mai, Tiền Phong).Cách làm này của công ty Trung Nguyên vừa nhằm ổn định nguồn hàng vừa đảm bảo chất lượng cao nhất cho giòng sản phẩm cà phê Chồn của mình.
Từ một đơn vị sản xuất cà phê hàng đầu như Trung Nguyên mà cũng đã có chiến lược “từ A đến Z” thì miếng bánh thị phần cà phê Chồn khó mà chia sẻ cho bất kỳ ai ở bất cứ công đoạn nào.
Chưa hết, cho rằng sản xuất cà phê Chồn sẽ đem lại siêu lợi nhuận nên người ta đã nghĩ ngay đến chuyện độc quyền. Mùa hè 2009, Cục Sở hữu Trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp mấy vị khách phương xa đưa đến mấy cục “cà phê Chồn” để xin đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Rất may là chuyện nực cười, tưởng chừng như “vô tiền khoáng hậu” đó đã không xãy ra khi Cục từ chối đăng ký.
Người viết không muốn có bất kỳ một lời bình luận nào trước thực trạng sản xuất cà phê Chồn hiện nay ngoài việc hé lộ thông tin không mấy vui vẻ trên. Chỉ xin mượn lời một nhà báo để kết thúc bài viết kỳ này : “Hi vọng tới đây, nhà nước – doanh nghiệp cùng các chủ hộ nuôi chồn lấy cà phê sẽ có sự kết hợp với nhau một cách hài hòa, hiệu quả để sản xuất ra loại cà phê Chồn đặc biệt, không những để xuất khẩu ra thế giới mà ngay cả những người Việt Nam “ghiền” cà phê cũng được thưởng thức” với một giá cả hợp lý, phù hợp với mức sinh hoạt của công chúng hơn.
Nhưng không phải thưởng thức theo kiểu như:
-Hệ thống cửa hàng khắp ba miền của một công ty cà phê trong nước đã đồng loạt bán cà phê Chồn cho khách muốn thưởng thức.
-Một số quán cà phê ở trong nước cũng có treo bảng bán cà phê Chồn…với giá vài chục nghìn đồng cho 1 ly.
Vì thế, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn có người không biết cà phê Chồn là thế nào nhưng vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến cho rằng không có cà phê Chồn mà chỉ có “cái gọi là cà phê Chồn” mà thôi.
Nguyễn Vịnh