Thú thuần gà rừng trên núi Cấm

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 7341
  • Tổng lượt truy cập 11,493,972

Fanpage facebook

Ngày đăng: 18/05/2013, 10:33 pm

Thú thuần gà rừng trên núi Cấm


Gà rừng là động vật hoang dã, nhút nhát rất khó nuôi, vậy mà một số cư dân trên núi Cấm (An GIang) có cách thuần dưỡng độc đáo để trở thành gà nhà có mã đẹp lộng lẫy và tinh khôn.

Nghe người dân trên núi Cấm biết cách thuần dưỡng gà rừng đã lâu, chúng tôi quyết đến để tận mắt nhìn thấy những chú gà rừng ở chốn non cao này. Được sự chỉ dẫn tận tình của những người gánh măng, chúng tôi đánh một vòng men theo đường núi quanh co, uốn lượn.
Qua khỏi Cao Đài Tự chừng 1km, gặp chị Bích đang rải lúa cho đàn gà ăn, tôi ghé lại bắt chuyện về cách nuôi và thuần gà rừng. Chỉ tay về cái chuồng đã cũ đang nhốt con gà trống rừng có hình dáng rất đẹp và khỏe, chị Bích cho biết: “Con gà rừng này chồng tôi bẫy được cách nay hơn 2 tháng nên còn nhát. Nó đang trổ mã gần “bo” được rồi. Tức là đến giai đoạn trưởng thành, gà chịu mái. Trong thời gian này, mình thả gà nhà vào là gà rừng bắt đầu đạp mái. Khi gà mái đẻ trứng ấp nở cho ra đàn gà con lai gà rừng…”.
Ngồi một hồi lâu, chị mới giới thiệu cho chúng tôi biết sang bên vồ Chư Thần có ông Năm Râu biết cách nuôi gà rừng nổi tiếng ở núi Cấm này.
Ông Năm Râu với con gà rừng lai tuyệt đẹp của mình
Chúng tôi leo hàng nghìn bậc thang lên núi mới đến được nhà ông năm Râu. Ông tên là Nguyễn Văn Ô, 67 tuổi, do có bộ râu dài nên được mọi người gọi bằng cái tên thân mật- ông Năm Râu.
Quê gốc ở Chợ Mới, năm 1976 ông Năm Râu lên núi Cấm lập nghiệp. Đến năm 1999, ông chọn vồ Chư Thần làm nơi định canh, định cư. Hiện nay, ông mua được hơn 50 công vườn, trồng đủ thứ loại cây ăn trái. Gia đình của ông cũng thuộc vào hàng khá giả trên núi. Trong căn nhà tựa vách núi, ông Năm Râu nuôi nhiều loại chim quý như: Bồ câu xanh, bồ câu núi, trĩ,… Nhưng đặc biệt hơn cả là nuôi gà rừng.
Không như những người dân khác trên núi đi bẫy gà rừng trưởng thành đem về thuần dưỡng, ông Năm Râu có cách làm hay hơn, đó là nhọc công đi tìm ổ trứng của gà rừng đem về cho gà nhà ấp. Ông giải thích: “Làm như vậy khi nở ra, gà rừng con quen dần với môi trường nuôi nhốt gần nhà. Vậy mà khi lớn lên, gà rừng vẫn còn mang “chất rừng” rất nhút nhát và khó bắt. Lúc này, mình chọn ra những con gà trống có mã đẹp, dáng tốt đem lai với giống gà tre Tân Châu, Bến Tre, Cao Lãnh, Bà Điểm…”. Với cách lai độc đáo như vầy, mỗi năm đàn gà của ông Năm Râu nở ra bao nhiêu, khi lớn lên khách du lịch mua hết bấy nhiêu.
Tiếng lành đồn xa, những tay sành chơi gà từ TP. Hồ Chí Minh biết ông Năm Râu có giống gà tốt đã bao xe đến tận nơi mua. Ông Năm Râu tự hào: “Nếu đem gà rừng lai chơi kiểng thì khó có gà nào địch nổi. Còn đem đi đá thì gà rừng lai đá nhanh lắm, bởi có sẵn “chất rừng” nên gà nhanh như cắt,…
Ông Năm Râu còn cho biết, mỗi lứa đổ mái thành công đạt khoảng 70% nên gà rừng lai cũng hiếm. Gà cỡ bằng cườm tay, có giá 300.000 đồng/cặp. Còn gà lớn khoảng 1kg từ 1-3 triệu đồng, có khi đổ trúng gà trống lai giống hệt gà rừng dáng thon, mắt sáng hoắc, mỏ quắm, có giá lên đến 5 triệu đồng/con.
Cái khó ở đây là đi tìm nguồn trứng gà rừng, có khi cả ngày trời mà về tay không. Giống như vạch lá tìm sâu vậy. Ngoài ra, khi ấp trứng, gà lớn lên còn mang đặc tính hoang dã, nếu giữ không kỹ gà chỉ sống một thời gian chúng bay đi mất”.
Ông Năm Râu thông tin thêm, nếu muốn gà rừng được thuần dưỡng thành thục giống như gà nhà phải lai ít nhất 2 dòng đời. Tức là, khi đem trứng gà rừng về ấp, gà lớn lên phải lai tiếp với gà nhà. Tiếp tục cho lai giữa con lai F1 với gà nhà ra con lai F2 thì mới nuôi như gà nhà được.
Ban đầu chưa biết hết tính hoang dã của gà rừng, đi tìm trứng về cho gà rừng ấp, khi nở ra gà nhà chăn dắt, độ khoảng bằng cườm tay thì gà rừng bay sạch. Hiện nay, ông Năm Râu còn giữ lại 2 cặp gà rừng lai có màu sắc và vóc dáng rất đẹp. Đặc điểm dễ nhận biết, phân biệt với gà nhà là nhìn vào 2 cái tích gần vành tai có màu trắng bạc…
Cách lai tạo và thuần dưỡng gà rừng của cư dân trên núi Cấm, hy vọng sẽ được phổ biến rộng, qua đó hạn chế được tình trạng ráo riết săn bắt gà rừng dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Theo THÀNH CHINH (An Giang Online)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác