Gà rừng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 6248
  • Tổng lượt truy cập 11,295,063

Fanpage facebook

Ngày đăng: 18/05/2013, 10:36 pm

Gà rừng

BA PHÂN LOÀI GÀ RỪNG Ở VIỆT NAM

Gà rừng có tên khoa học là: Gallus gallus jabouillei. Người Kinh gọi là gà rừng hoặc gà cỏ, người Tày gọi là cáy đông, cáy pá, người Thái gọi là cáy thướn, người Dao gọi là nọ chay, người Mường gọi là cà cỏ.
Mô tả
Gà rừng là loài gà hoang dại có cỡ nhỏ hơn gà nhà một chút, trọng lượng con đực khoảng 900-1200g, con mái 750-800g.
Con đực trưởng thành: đầu, cổ, phần lưng trên đỏ da cam phớt vàng óng ánh, lưng đen có ánh xanh và vàng lục, phần lưng dưới đỏ mận, chuyển dần thành đỏ tươi ở hông, cánh đen lông dưới có điểm hung nhạt, lông bao cánh nhỡ đỏ đồng, mặt bụng đen. Đuôi đen có ánh lục, hai lông giữa dài ra cong xuống hình liềm. Trong mùa sinh sản, các lông ở cổ dài, màu đỏ lẫn vàng da cam rõ hơn, sau mùa sinh sản, các lông này rụng đi và thay bằng lông ngắn hơn có màu hơi sẫm đen. Mắt màu nâu đỏ, mào, mặt, da trân dưới má đỏ, chân xám, mỏ màu sừng.
Con mái: đầu và gáy vàng cam có ánh đỏ, lông cổ dài màu nâu sẫm chuyển sang màu nâu tối, lông còn lại màu nâu xỉn, mắt vàng cam, mỏ và chân giống chim đực.
Gà con mới nở: có một dãi rộng từ đỉnh đầu tới gáy, hai dải từ mắt kéo sang hai bên cổ và hai dải bên lưng màu hạt dẻ có viền trắng. Phía trán bên cạnh đỉnh đầu, mắt và hai dải trên lưng màu hung vàng, họng và lông phủ tai màu hung vàng, giống như phần dưới của cơ thể. Hai đường nâu nhạt chạy ngang qua phần trên của ngực. cánh màu nâu hung vàng.
Phân bố
Ở Việt Nam có ba phân loài: G.gallus gallus (1), G. gallus jabouibi (2), G gallus spadiceus (3).
Phân loài 1: phân bố từ phía nam tinht Hà Tĩnh vào đến Nam Bộ.
Phân loài 2: phân bố ở vùng Đông Bắc nước ta.
Phân loài 3: phân bố ở vùng Tây Bắc nước ta.
Trên thế giới:
Phân loài 1: phân bố ở Nam Lào, Capuchia, Nam Việt Nam
Phân loài 2: phân bố ở Nam Trung Quốc, miền Đông Bắc Việt Nam.
Phân loài 3: phân bố ở Vân Nam (Trung Quốc), Bắc Mianma, Bắc Lào và vùng Tây Bắc Việt Nam.
Nơi ở và sinh thái
Gà rừng là chim định cư phổ biến ở nước ta, quanh năm không đi xa vùng làm tổ của mình. Gà rừng sống ở hầu khắp các vùng trung du, vùng núi thấp từ khoảng độ cao 1200 m so với mực nước biển. Nơi thích hợp của gà rừng ven rừng, gần các nương rẫy, sông, suối, chỗ có nhiều cây bụi. Ngoài ra còn hay gặp gà rừng trong các rừng tre, nứa, giang hay rừng chuối có cây cối mọc xen kẽ.
Sinh học
Thức ăn
Gà rừng là loài chim ăn tạp, cả thực và động vật. Trong dạ dày của gà rừng có lúa, ngô, các loại đậu xanh, lạc, đậu tương, nhiều loại quả cây trong rừng, đa số là các loại quả thuộc giống Ficus và hạt cỏ dại cùng côn trùng, giun đất,...
Sinh sản
Gà rừng là loài chim đa thê, một con trống thường đi cùng với 2-3 con mái. Sang tháng 1 gà rừng trống đã có tiếng gáy, đến cuối tháng 1 thì tiếng gáy nhiều hơn, con trống hay khoe mẽ với con mái và luôn đi sát với con mái. Mùa sinh sản của gà rừng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 7. Sang tháng 2 tiếng gáy dồn dập hơn nhất là lúc 4-5 giờ sáng và lúc sẫm tối, buổi trưa tiếng gáy thưa hẳn.
Sau thời gian ghép đôi 1-1,5 tháng, gà mái đi tìm nơi thích hợp để đẻ trứng. Tổ làm đơn giản chỉ là một hố đất nông 2cm, đường kính 18-20 cm được lót bừng ít lá không, cỏ khô. Mối lứa gà rừng đẻ 5-10 trứng, phổ biến là 5-8 trứng. Trứng hình bầu dục một đầu to, một đầu nhỏ. Vỏ trứng màu hung nhạt hay màu trắng ngà. Kích thước 43,5x34,2mm, trọng lượng trung bình 29,9g. Thời gian ấp là 17 ngày. Gà rừng con mới nở từ trứng phải sau 2-3 tiếng đồng hồ mới có thể rời khỏi tổ đi theo bố, mẹ và nhờ bố mẹ chăm sóc từ 2-3 tháng mới có thể tự lập đi kiếm ăn.
Tình trạng
Gà rừng là loài chim phổ biến, phong phú ở nước ta nhưng mức độ phong phú còn tùy thuộc vào mức độ bảo vệ rừng và săn bắt của từng địa phương mà chúng đang sống.
Do việc khai phá rừng vô kế hoạch làm mất đi nơi ở và nguồn thức ăn cũng như nạn săn bắt quá bừa bãi nên số lượng gà rừng có những nơi trử thành khan hiếm như một số vùng thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn.
Giá trị
Gà rừng là đối tượng săn bắt phổ biến để lấy thịt của các đồng bào dân tộc miến núi. Gà rừng còn là đối tượng săn bắt thể thao du lịch và cũng là đối tượng tham quan, du lịch hấp dẫn.
Biện pháp bảo vệ
Gà rừng tuy chưa thật hiếm, song cũng phải có kế hoạch bảo vệ chúng thích hợp để có thể khai thác lâu dài và nên nuôi để tổ chức săn bắt thể thao phục vụ nhu cầu thể thao du lịch trong và ngoài nước.
Quá trình nuôi
Gà rừng dễ nuôi thuần hoá, thức ăn cũng đơn giản gần giống với gà nhà. Do vậy, quá trình nuôi chúng có nhiều thuận lợi hơn một số laòi chim khác và có thể tổ chức nuôi đại trà, nhất là việc nuôi bán tự nhiên.
( Theo BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN LÂU BỀN NGUỒN TÀI NGUYÊN ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM của ĐẶNG HUY HUỲNH, NXB GIÁO DỤC- 1997)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác