Tập tính của lợn rừng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3258
  • Tổng lượt truy cập 11,489,882

Fanpage facebook

Ngày đăng: 20/05/2013, 09:25 am

Tập tính của lợn rừng

Tại nhiều nước phương Tây, thậm chí ngay ở Malaysia, lợn rừng có vẻ hiền lành, người có thể đến gần nó. Tuy nhiên ở Việt Nam, có lẽ do bị săn bắn quá nhiều nên chúng trở nên hung dữ, chống cự quyết liệt các đối thủ, thậm chí gây trọng thương cho thợ săn khi không còn đường chạy trốn.

Lợn mới bắt từ rừng về

Lợn rừng Việt Nam mới được bắt từ rừng về rất nhạy cảm. Hễ có người lạ đến chúng “dán mắt” vào đối phương và luôn ở tư thế phòng thủ. Nếu cảm thấy không ổn, chúng bỏ chạy, sẵn sàng bay qua tường rào cao có khi đến 2m, lách cửa, chui chân tường hổng, lao cả đầu vào tường, rào đến mức xẩy ra tai nạn và nếu là lợn đực chúng có thể quay lại đánh trả người… Thậm chí có những con lợn đực mặc dù đã được nuôi lâu, nhưng khi thấy người lạ đến, đều xông tới tấn công. Trong thực tế đã xẩy ra một số tai nạn cho người nuôi loại lợn này.

Cho nên khi bắt, vận chuyển lợn rừng cần phải nhốt trong rọ, cũi thật chắc chắn. Chuồng phải có tường, rào, cửa ra vào bao quanh, ít nhất cũng là lưới thép B40, cao không dưới 2,5m, không để các kẽ hở lớn… Khi ra vào cần cài, khóa cửa kỹ lưỡng. Nền chuồng sân chơi không để quá rộng để con lợn có đà nhảy. Khi tiếp xúc với chúng ta cần ở vị trí, tư thế an toàn, như đứng sau hàng rào, bờ tường, đi ủng, găng tay… Người chăn nuôi nên cầm theo các loại thức ăn (rau, củ quả…) để dỗ dành nó. Luôn thể hiện sự thân mật, không thay đổi quá nhiều về quần áo, giọng nói, cách thức tiếp xúc… Môi trường xung quanh cũng phải tương đối ổn định, thí dụ chỉ cần để trâu bò đi ngang qua là cũng có thể gây hoảng loạn cho lợn.

Làm quen loại lợn này thường không dưới một tháng, đòi hỏi ta kiên nhẫn và khôn khéo.

Lợn rừng Thái Lan loại to: Việc tiếp xúc với giống lợn này dễ hơn nhiều. Một số nơi người chăn nuôi có thể dong lợn đực đi phối giống, sờ mó nó, tiêm mà không phải bắt, ép. Tuy nhiên một số nơi công nhân cũng bị lợn đực tấn công, khách lạ đến, lợn đực cũng xông tới để đánh.

Lợn rừng Việt, Thái Lan loại bé: Đối với lợn rừng Việt, kể cả nó được sinh ra trong chuồng thì chúng vẫn khó tiếp xúc. Còn đối với lợn rừng Thái Lan lợn đều đến mỗi khi cho chúng ăn, và không chạy trốn người lạ.

Lợn nái đẻ: Trừ một vài trường hợp, nhìn chung lợn mẹ đẻ có thể đánh lại người khi chúng ta bắt con nó. Khi buộc lòng phải bắt con để xử lý trước tiên ta cần tách mẹ ra.

Các hành vi liên quan đến nuôi nhốt

Lợn rừng rất thích và có khả năng đào bới. Một khu bãi cỏ rậm rạp có cả những loại cây có gai cũng sẽ bị cày xới lên, cỏ cây nhỏ bị ăn sạch sau một vài ngày lợn đến. Vì thế đất, nền trong khu chăn nuôi phải không nhiễm chất độc hóa học, vi khuẩn… Lợn thường gặm, cà mình vào cây để gãi ngứa, đái vào gốc… làm cây chết. Vì thế để bảo vệ cây ta phải vây lưới sắt xung quanh gốc cây cao ít nhất 1m và cách gốc ít nhất 50 cm. Lợn rừng bơi khá tốt qua sông suối. Vì vậy nuôi lợn giữa đảo nhỏ xung quanh là sông, suối để làm hàng rào tự nhiên là không thể được.

Tập tính cộng đồng của lợn rừng

Cũng giống như đa phần các loại lợn khác, và kể cả trong tự nhiên, trừ lợn đực phối giống hoặc lợn mới đẻ, lợn rừng thích sống chung. Mùa rét chúng có thể nằm sát và chồng lên nhau cho ấm. Nuôi chung làm lợn bớt sợ hãi, tranh nhau ăn. Tuy nhiên nuôi nhiều con, khác loại quá sẽ khó đảm bảo nhu cầu riêng cho từng loại lợn.

Lợn thường chạy theo nhau. Khi một con thoát chuồng, ta sẽ khó lùa quay trở lại chuồng. Ta có thể thả luôn cả nhóm lợn ra, con lợn thoát chuồng sẽ nhập đàn và ta dễ lùa cả về.

Trừ trường hợp lợn đực giống, những cá thể khác ổ/chuồng khi nhốt chung với nhau có thể đánh nhau nhưng không đáng kể.

Bảo vệ con: Cũng như các loại lợn bản địa, lợn con thường núp sau lưng mẹ khi có người lạ đến, hoặc muốn bắt chúng. Khi lợn con chạy trốn, chúng chạy theo nhau và lợn mẹ cũng chạy theo để bảo vệ. Vậy nên khi muốn bắt con ta phải tách mẹ chúng ra, tránh để lợn mẹ đánh người và dẫm chết con… Hiện tượng mẹ nằm đè lên con chưa được thấy ở lợn rừng, như từng xẩy ra với các loại lợn công nghiệp. Tuy nhiên đã xẩy ra trường hợp, vì rơm độn trong chuồng nhiều, nên con nhỏ chui vào đó và bị con mẹ nằm lên đè chết.

Giết con của con khác

Lợn to thường có thói quen ăn thịt lợn con của con khác. Tập tính này cũng có ngay ở các giống lợn đen vùng miền núi nước ta. Vì thế khi đẻ lợn mẹ thường tìm chỗ kín đáo, có cây cối um tùm để đẻ và dấu con. Nếu bị lộ thì lợn mẹ có thể cắp con đi nơi khác. Vì thế ta không nên nuôi chung lợn mới đẻ, hoặc khi con quá nhỏ với nhau hoặc cùng các loại lợn lớn khác, đặc biệt khi nơi nuôi chật hẹp.

Đực phối giống “đánh ghen”

Cũng giống như một số loại khác, lợn rừng đực giống cũng rất “hậm hực”, lồng lộn… khi đực bạn đi phối giống mà nó không được đi. Và đã xảy ra một vài vụ đực đánh nhau đến chết tại một vài cơ sở nuôi lợn rừng. Vì thế lợn đực phối giống cần ở xa nhau và không nhìn thấy nhau, đặc biệt lúc giao phối với lợn cái.

Tập tính ăn uống

Lợn rừng Việt Nam loại lớn được bắt từ rừng chỉ thích ăn những thứ thức ăn giống như nơi nó từng sống. Khi không tìm được loại đó ta nên cho lợn ăn sắn, chuối quả, mía cây… Phải thay đổi thức ăn từ từ, và tránh những thứ thức ăn lạ, nhiều đạm gây nên rối loạn tiêu hóa cho chúng. Đã xẩy ra trường hợp lợn cái sẵn sàng nhịn đói đến chết mà không ăn những thứ thức ăn mới.

Còn lợn rừng Thái Lan ăn được tất cả.

Tập tính liên quan đến sinh sản

Đối với giống lợn rừng Thái lan, kể cả miền Nam (hai mùa) và miền Bắc (bốn mùa) chúng đều đẻ quanh năm và không khác nhau đáng kể.

Khả năng huấn luyện đực giống để lấy tinh: Cho tới nay chúng tôi mới thành công trong việc huấn luyện đực nhảy thử trên giá gỗ/xi măng. Tuy nhiên lợn rừng chỉ xuất tinh khi giá nhảy là lợn thật. Kể cả khi lợn nhảy giá khi xuất hiện người lạ, chúng đều bỏ xuống.

Tập tính đẻ, nuôi con và lợn con mới sinh

Khi lợn được nuôi trong chuồng nền xi măng nhưng nếu có rơm rác thì lợn vẫn vơ vào chuồng để quây ổ nếu như chuồng được đặt nơi kín đáo. Tại những nơi nuôi thả rông hoặc sân chơi quá rộng, nhiều nái/ổ đẻ ở chung, thì trước lúc đẻ lợn mẹ thường tìm nơi ít người, vật qua lại, làm ổ bằng cây, cỏ mà nó tha về. Nếu nền chuồng độn cát, lợn bới cát lên tạo ổ đẻ. Ổ này nếu mưa, lợn con có thể chết. Ở những chuồng có nền xi măng, không rải rơm rạ, cây lá thì lợn vẫn đẻ. Để an toàn ta nên lót ổ cho lợn bằng rơm cỏ sạch. Nền chuồng nên là gạch men chống trơn, lợn không trượt, vệ sinh dễ để lợn con không liếm phải các chất bẩn. Nhìn chung lợn rừng nuôi con hệt như các giống lợn đen miền núi, hoặc lợn ỉ. Hơn thế lợn rừng có thể cắp con đi nơi khác khi có động, hoặc cắp con vào ổ nếu lợn con ở xa. Một điểm đặc biệt hơn lợn mẹ luôn biết tránh, hẩy lợn con ra khỏi vị trí nó định nằm, nhờ thế không đè lên con. Các loại lợn khác như lợn Vân Pa (Quảng trị) – một giống lợn đen vùng núi, vẫn đè chết con đặc biệt khi chúng quá lớn, nặng nề.

Hành vi của lợn rừng khi vận chuyển

*Lợn rừng Việt Nam loại lớn mới được bắt từ rừng dễ chết nếu chở trên xe mà không có rọ/cũi để cố định, đi qua quãng đường quá dài, ồn ào.

*Lợn rừng Thái: Lợn được nhốt trong những rọ vừa cơ thể, lợn có thể đứng, nhưng không quay ngược quay xuôi và vận chuyển bằng các phương tiện không quá lắc, tiếng động lớn như xe máy, xuồng, xe tải cỡ nặng, không gió lùa… đều an toàn. Nhưng ngược lại, có thể gây sốc cho con vật và gây chết. Có thể chở lợn con trong những cũi gỗ, trong một cũi có thể nhốt 2-3 con. Lồng được sắp sát và chồng lên nhau, khi đi cần để hướng đầu của lợn về phía trước, tránh say. Lợn to cần được chở trong các lồng sắt/gỗ được thiết kế chắc chắn. (ST)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác