Nuôi heo rừng lai: Đơn giản mà hiệu quả

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 6295
  • Tổng lượt truy cập 11,295,110

Fanpage facebook

Ngày đăng: 20/05/2013, 09:51 am

Nuôi heo rừng lai: Đơn giản mà hiệu quả

20/10/2008, 08:48 [GMT+7]

Ngày 17-10, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật (LHCHKHKT) và Hội Làm vườn tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm nuôi heo rừng lai với sự tham gia của một số hộ dân đang thành công từ mô hình này. Kỹ thuật nuôi đơn giản, sức đề kháng cao, hiệu quả kinh tế, chất lượng thực phẩm cao, an toàn là những ưu thế của loại vật nuôi còn mới mẻ này. Tuy nhiên, băn khoăn của các đại biểu tham dự là bài toán kinh tế và đầu ra lâu dài khi heo rừng lai được nuôi thương phẩm đại trà.

° Kỹ thuật nuôi đơn giản

Nghề nuôi heo rừng lai đã xuất hiện ở Khánh Hòa vài năm gần đây. Đến nay, toàn tỉnh có trên 20 hộ dân thử nghiệm vật nuôi đang được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Trong số đó có mô hình nuôi thử nghiệm của Hội Làm vườn (thành viên của LHCHKHKT tỉnh) ở Vạn Ninh và Nha Trang được triển khai dưới tán rừng, dưới tán vườn cây ăn quả. Theo các hộ dân, kỹ thuật nuôi heo rừng lai khá đơn giản, chỉ cần quây lưới B40 cao khoảng 1,5m xung quanh khu vực nuôi dưới tán cây rừng hoặc tán cây vườn nhà, làm nhà tránh mưa, một số ô chuồng nhỏ (tùy theo quy mô nuôi) là được. Thức ăn cho heo chủ yếu là phế phẩm nông nghiệp, chuối cây, cỏ, bắp (chiếm khoảng 60 - 70% thành phần thức ăn) và một phần cám gạo. Ông Lê Dương (Suối Tân, Cam Lâm) và ông Phạm Minh Thông (Ninh Sơn, Ninh Hòa) cho biết: “Mô hình nuôi heo của chúng tôi rất đơn giản, chỉ có 1 nhà lán để heo tránh mưa, còn chủ yếu là bóng cây và sân, bao quanh bằng lưới B40. Mỗi ngày 2 bữa, chúng tôi trộn cám gạo, bắp với rau lang, rau muống cho heo ăn. Thức ăn nuôi heo rừng lai không cần phải nấu chín. Ngoài ra, bổ sung cỏ voi và chuối cây cho heo “lai rai” cả ngày”.

Ông Hoàng Tám, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, bắt đầu nuôi heo rừng lai từ tháng 7-2007 với 2 loại giống có nguồn gốc Thái Lan là nâu bạc má và đen tuyền (Moocpa) đã được thuần hóa. Từ 23 con giống ban đầu, đến nay, sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, đàn heo của gia đình ông phát triển tốt. Trong số 16 con nái, chỉ có 1 con chưa đẻ. Phần lớn, số nái đẻ 2 lứa, thậm chí có con đã đẻ được 3 lứa. Đến lứa thứ 2, bình quân 7 con/nái. Số con nhiều nhất 1 lứa đạt được là 11. Cả 2 giống nuôi đều phát triển tốt nên có thời điểm, tổng đàn heo rừng lai của gia đình ông lên đến 100 con. Lứa heo thứ nhất và thứ 2 đã cung cấp kịp thời cho những nhà vườn, trang trại có nhu cầu nuôi mở rộng.

Từ kinh nghiệm của bản thân và những mô hình nuôi heo rừng lai ở Khánh Hòa, theo ông Hoàng Tám, tùy điều kiện đất đai, vốn liếng, quy mô và mục đích nuôi heo sinh sản hoặc cung cấp thịt, có thể bố trí và xây dựng chuồng trại khác nhau nhưng nhìn chung phải đảm bảo yếu tố rộng, thoáng. Qua thực tế, 2 giống heo rừng lai có nguồn gốc Thái Lan phát triển tốt trong điều kiện nuôi đơn giản. Đàn heo sinh trưởng ổn định, chưa phát hiện dịch bệnh gì. Heo rừng lai vẫn giữ lối sống bầy đàn, thích vận động ở không gian rộng, thích ủi đất, đầm nước khi mùa nắng nóng. Tuy vẫn giữ những đặc tính hoang dã của heo rừng nhưng do đã được thuần hóa nên heo rừng lai khá hiền lành, có thể tiếp cận để chăm sóc. Heo nái khi sinh sản tự tìm ổ đẻ, không cần sự giúp đỡ của con người. Heo con sau khi ra đời nhanh chóng khỏe mạnh, chạy nhảy, được tách mẹ sau 1 tháng rưỡi đến 2 tháng.

° Hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, nuôi heo rừng lai đang được đánh giá là một hướng đi nhiều triển vọng. Vì đây là một nghề nuôi mới, lại đang còn ở thời kỳ đầu nên sinh lợi cao. Theo ông Phan Văn Dậu (Vạn Phú, Vạn Ninh), gia đình ông đầu tư tổng cộng 50 triệu đồng, trong đó 26 triệu đồng cho 7 con heo giống, 24 triệu đồng cho chi phí chuồng trại ban đầu. Sau 2 năm, lúc cao điểm, đàn heo của gia đình ông phát triển đến 135 con, trong đó có 35 con là heo nái. Gia đình ông đã xuất bán 40 con giống, thu về 195 triệu đồng. Sau 2 năm, trừ mọi chi phí, gia đình ông còn lãi đàn heo rừng lai 95 con, trị giá khoảng 700 triệu đồng. Hiện nay, giá heo rừng lai giống bán phổ biến 300 ngàn đồng/kg. Heo giống 15 - 17kg có giá khoảng 5 triệu đồng, con giống 5 - 7kg có giá khoảng 3 triệu đồng. Đang ở thời kỳ mở rộng chăn nuôi nên các hộ nuôi heo rừng lai mới chỉ dừng lại ở khâu bán giống, chưa bán thịt thương phẩm ra thị trường. Mặt khác, hiện cung chưa đủ cầu nên giá heo giống cao là tất nhiên. Vì vậy, việc nuôi heo rừng lai hiện nay thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

° Cần định hướng phát triển

Tại hội thảo, ông Hoàng Tám cũng như những hộ dân tham dự chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển rộng rãi mô hình nuôi heo rừng lai là vấn đề con giống. Giá khoảng 300 ngàn đồng/kg con giống là trở ngại lớn nhất của người nuôi. Ông Lê Dương cho biết: “Hiện giá heo giống khá cao nên chúng tôi khó mua được số lượng nhiều”. Chính vì thế, tháng 4-2008, khi gia đình ông bắt đầu nuôi heo rừng lai cũng chỉ có thể đầu tư 1 cặp giống. Với giá heo giống cao như vậy, những nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi heo rừng lai rất khó tiếp cận được đối tượng nuôi này.

Bên cạnh đó, vấn đề kỹ thuật cũng được ông Nguyễn Lâm Thao, chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu tâm. Theo ông Thao, hiện người dân chủ yếu nuôi heo rừng lai có nguồn gốc nước ngoài đã được thuần hóa. Tuy việc nuôi heo rừng lai khá dễ dàng nhưng đến nay, Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về heo rừng lai. Những thông tin về viêc lai tạo giống, chỉ số thức ăn/kg trọng lượng, hệ số sinh sản… chỉ có trên những tài liệu sao chép. Mặt khác, tuy việc nuôi heo rừng lai có nhiều ưu thế như: mang đặc tính động vật hoang dã nên tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nhiều hơn, sức cải tạo đối với vật nuôi tốt, phẩm cấp thịt cao, không cần công nghệ cao… nhưng hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất giống chứ chưa ra thịt thương phẩm nên chưa tính toán chính xác, khoa học hiệu quả kinh tế đối tượng nuôi này. Bên cạnh đó, vấn đề thị trường tiêu thụ không chỉ là băn khoăn của các ông Lê Dương, Phạm Minh Thông. Theo ông Hoàng Tám, để phát triển nuôi heo rừng lai thành một nghề chăn nuôi hàng hóa ổn định, lâu dài, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần quy hoạch theo từng vùng phù hợp. Bên cạnh đó, cần có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật sản xuất giống và nuôi heo rừng lai thương phẩm; đồng thời, hình thành được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để chủ động nguồn giống, LHCHKHKT và Hội Làm tỉnh vườn đã định hướng lai tạo heo rừng lai với heo đen của đồng bào dân tộc thiểu số để tạo ra đối tượng nuôi cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao. “Sắp tới, LHCHKHKT và Hội Làm vườn tỉnh sẽ chọn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ nuôi thí điểm mô hình này nhằm phát triển nghề nuôi heo rừng lai, góp phần cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân miền núi”- ông Bùi Mau, Chủ tịch LHCHKHKT tỉnh cho biết. (ST)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác