Mơ homestay…

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3993
  • Tổng lượt truy cập 11,490,618

Fanpage facebook

Ngày đăng: 06/06/2015, 10:31 pm

Mơ homestay…

Thứ Sáu, 24/04/2015, 08:34 [GMT+7]

(GLO)- Trong một cuộc gặp mặt giữa những nhà kinh doanh lữ hành-những người trực tiếp nắm bắt thị hiếu của du khách cũng như thị trường du lịch, có người đã khẳng định, Gia Lai có thế mạnh để khai thác du lịch cộng đồng (homestay)-loại hình du lịch hiện đang rất hút khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhưng tiếc là cho đến giờ, chưa có sản phẩm nào được định hình.

 

 

Một số ngôi làng Jrai, Bahnar như: Plei Ơi (huyện Phú Thiện), Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang), làng Tờ Nùng 1 (huyện Kông Chro), làng Phung, làng Kép 1 (huyện Chư Pah) đã trở thành “đích ngắm” của ngành du lịch. Nhiều chuyến khảo sát đánh giá hiện trạng về kiến trúc nhà ở, bảo tồn các giá trị văn hóa, nghề truyền thống, ẩm thực… được tiến hành bài bản ở các làng này. Chưa kể một số làng đã được đưa vào khai thác du lịch như Plei Ốp (TP. Peiku), cụm bốn làng Đê Ktu (huyện Mang Yang), làng Bloom (huyện Ia Pa). Thế nhưng, dù sở hữu những làng Jrai, Bahnar truyền thống dày đặc-yếu tố thuận lợi để khai thác du lịch homestay-nhưng hiện vẫn chưa có một sản phẩm du lịch nào được định hình. Do đó rất khó để những du khách muốn ăn một bữa cơm măng rừng gạo rẫy, ngủ một đêm bên bếp lửa nhà sàn, đêm nghe hát dân ca, sáng thức giấc trong tiếng chim kêu của bầy sẻ rừng… có thể thỏa mãn giấc mơ một lần homestay ở Gia Lai.

Trong khi một số tỉnh miền núi nhanh chóng khai thác loại hình du lịch vốn đang rất hút khách này thành công, trở thành sản phẩm thế mạnh thì Gia Lai lại có vẻ rất khó nhọc bước theo. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Chúng tôi đã đi học tập các mô hình khai thác du lịch từ làng khá thành công của một số tỉnh miền núi như: Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu hay ở đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Thế nhưng với hiện trạng của các làng dân tộc thiểu số ở Gia Lai hiện nay, khai thác loại hình du lịch này rất khó, nhất là nhận thức của người dân về làm du lịch lại rất hạn chế. Mặt khác, một số làng Jrai, Bahnar mà ngành du lịch tiến hành khảo sát vẫn còn giữ được tương đối nét văn hóa đặc trưng, tuy nhiên cơ sở hạ tầng không đảm bảo để khách có thể ăn, ngủ lại”. Ông Hoàng cũng cho biết thêm, ngành du lịch luôn khuyến khích các công ty lữ hành khai thác loại hình du lịch từ làng để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp du lịch có vẻ không mấy mặn mà. Thậm chí, đối với các làng du lịch hiện có, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp du lịch còn hết sức lỏng lẻo, chưa có sự hợp tác.

Một góc làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Pah). Ảnh: K.N.B
Một góc làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Pah)

Phía các doanh nghiệp lữ hành lại cho rằng, dù rất mong muốn có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt khai thác lợi thế hiện có để phát triển du lịch homestay nhưng bị vướng “cơ chế”. “Chúng tôi nắm bắt rõ thị hiếu của khách hàng, đa số khách đến Gia Lai chỉ thích loại hình du lịch kiểu homestay, khám phá, trải nghiệm thực tế. Nhưng đưa một đoàn khách, nhất là khách nước ngoài về làng, ngủ tại làng, chúng tôi phải làm quá nhiều thủ tục”-đại diện một doanh nghiệp lữ hành chia sẻ.

Homestay là loại hình du lịch khá lý tưởng với những người thích khám phá văn hóa bản địa. Đi du lịch dạng này, thay vì ở khách sạn hay nhà nghỉ, du khách sẽ ở ngay tại nhà dân để có sự trải nghiệm thực tế, gần gũi với đời sống và văn hóa của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, để phát triển loại hình du lịch cộng đồng cần đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa bản địa, có khả năng nói tiếng Anh, giới thiệu với khách phong tục tập quán, bản sắc văn hóa lại gần như không có. Chị H’Lê-một hướng dẫn viên du lịch người bản địa khá lâu năm tại Gia Lai kể: “Khi dẫn khách về làng, họ tò mò rất nhiều thứ, từ cái gùi trên gác bếp, khung dệt, cái rìu cái rựa, bầu nước… Chúng tôi giải thích càng kỹ càng khiến họ thích thú. Ngoài ra, khi được giới thiệu ý nghĩa sự hiện diện những mái nhà rông trong mỗi cộng đồng làng, vai trò của già làng, giá trị của cồng chiêng… một cách hệ thống, du khách có sự hình dung nhất định về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhiều khách nói rằng, chính không gian văn hóa ấy là yếu tố khiến họ tò mò khi đến với Gia Lai, với Tây Nguyên”. Tuy nhiên, số lượng hướng dẫn viên vừa có vốn văn hóa nhất định, vừa có khả năng nói tiếng Anh tại Gia Lai như H’Lê chỉ là số hiếm.

Trong khi đó, khách đến Gia Lai muốn du lịch kiểu homestay sẽ phải thất vọng vì khó mua tour. Anh Nguyễn Vinh Hiển-một người có khá nhiều kinh nghiệm du lịch kiểu homestay kể câu chuyện cách đây chưa lâu: “Cuối năm 2013, tôi đưa một nhóm bạn trẻ Việt kiều về Gia Lai. Đó là những người đi nhiều, có sự tinh tế trong cảm nhận về mỗi vùng đất, mỗi nền văn hóa. Họ muốn được ăn, ngủ tại làng, trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa. Nhưng khi tôi gọi điện cho một vài công ty du lịch đều không có nơi nào nhận dẫn đi kiểu này, vậy là tôi làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho cả nhóm. Chúng tôi qua rất nhiều ngôi làng ở Đak Pơ, Kbang, xin ngủ ở nhà dân, thậm chí còn đi gặt lúa giúp cho một gia đình người Bahnar ở Kbang. Họ cho ăn gì chúng tôi ăn cái đó nhưng đưa tiền nhất định không lấy, chúng tôi mua mì tôm, dầu ăn để tặng lại. Đó là chuyến đi tuyệt vời và có nhiều kỷ niệm”.

Kể chuyện tự đi du lịch kiểu homestay, anh Hiển kết luận: “Mọi người phải hiểu đúng du lịch kiểu homestay chú trọng đến yếu tố trải nghiệm. Không đòi hỏi nhiều về cơ sở vật chất, phương tiện, con người. Tôi đã đi kiểu homestay ở rất nhiều nơi, tôi thấy Gia Lai có rất nhiều làng phù hợp với loại hình này, cảnh đẹp tự nhiên, người dân quá thân thiện, tuyệt vời”.

Nguyên Bình

http://www.baogialai.com.vn/channel/8210/201504/mo-homestay-2382905/

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác