Lữ hành không mặn mà
Du lịch cộng đồng (còn được gọi là homestay) là loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Du khách sẽ cùng ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân để tự mình khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo. Hiện nay mô hình du lịch này ngày càng thịnh hành, nhất là tại các điểm du lịch vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên…., hoặc một số điểm du lịch nổi tiếng của miền Trung như Huế, Hội An hay một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long của miền Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị lữ hành lại không mặn mà với loại hình du lịch này và không coi đây là một sản phẩm chính thống để khai thác. Khảo sát qua một số hãng lữ hành lớn trên địa bàn Hà Nội như Vietravel, Vietrantour, Hanoitourist, HanoiRedtours…, tất cả các đơn vị này đều khẳng định không có tour homestay cố định và có sẵn để phục vụ du khách. Hầu hết chỉ tổ chức những tour du lịch homestay khi khách có nhu cầu, song thực tế số khách này cũng không nhiều và không thường xuyên.
Đại diện của HanoiRedtours cho biết: “Trên thực tế, số lượng khách đặt dịch vụ homestay ở HanoiRedtours chưa nhiều. Trung bình một tháng, Hanoi Redtours chỉ cung cấp dịch vụ homestay cho khách nước ngoài từ 1- 2 đoàn. Du khách yêu thích loại hình du lịch homestay chủ yếu là người trẻ, ưa khám phá, yêu văn hóa Việt Nam hoặc đến Việt Nam nhiều lần và họ thường tự túc đi, ít khi đặt dịch vụ qua các công ty du lịch”.
Không có nguồn khách ổn định do lữ hành đưa tới, đa số khách đến với các điểm du lịch homestay hiện nay đều do tự phát và không thường xuyên, vậy nên mới có chuyện “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Nhiều điểm du lịch homestay khách đến nườm nượp, song cũng không ít điểm lâm vào tình trạng ế ẩm, thậm chí người dân phải ôm nợ vì không thu hút được khách. Trường hợp điển hình làmô hình homestay tại vùng sâu Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai), một số gia đình tham gia thí điểm đón khách tìm hiểu cách làm vườn, trồng dâu nuôi tằm, đạp xe tham quan... từ năm 2011, nhưng nay lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì mô hình hoạt động không có hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc nhiều địa phương đưa vào khai thác tràn lan các tour du lịch cộng đồng song không có chiến lược đầu tư và quản lý hiệu quả nên không tạo được dấu ấn riêng, chất lượng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều nơi còn chưa xây dựng được nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách.
“Nhiều điểm du lịch cộng đồng còn không có sản phẩm lưu niệm đặc trưng của địa phương. Du khách đến thăm không biết mua gì làm vật kỷ niệm ngoài những bức ảnh tự chụp. Có thể nói hiện tại việc giải quyết nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ theo nhu cầu của khách ở nhiều điểm homestay còn khá khó khăn. Nhiều đoàn muốn sống và trải nghiệm cuộc sống với bà con dân tộc, nhưng không gian và chất lượng chỗ ở vẫn chưa thể đáp ứng được. Hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường là chính, còn việc tìm hiểu lối sống, văn hóa của người bản địa để cảm nhận cái hay, cái đẹp thì vẫn chưa đạt được mục đích ” –bà Phạm Thanh Tâm – Trưởng phòng Du lịch nội địa của Vietrantourphản ánh.
Phải lấy văn hóa bản địa làm nền tảng
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Lào Cai cho biết, mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mới lạ và có sức cuốn hút với nhiều du khách nước ngoài. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất của loại hình này chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa, nên không thể xây dựng đại trà. “Nhiều tỉnh cứ tưởng xây dựng nhiều là tốt, nhưng thực chất nhiều điểm du lịch cộng đồng nhưng lại na ná giống nhau thì sẽ không thu hút được khách. Mô hình du lịch homestay phải có nét văn hóa độc đáo, mang đặc trưng riêng của từng vùng thì mới hấp dẫn được du khách” – ông Sơn cho hay.
Lào Cai là một trong số ít địa phương phát triển khá tốt và ổn định loại hình du lịch cộng đồng. Một số mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát huy hiệu quả cao như ở Tả Van, Tả Phìn, Cát Cát, Lao Chải… Theo đó, mỗi bản làng, dân tộc đều khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch.Cùng với sự gia tăng của khách du lịch, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cũng được chú trọng tại các điểm du lịch này. Bên cạnh dịch vụ homestay, khách du lịch có thể mua đồ thủ công truyền thống, thuốc, dược liệu, hay nhạc cụ dân tộc. Theo ông Nguyễn Hữu Sơn,trong 9 tháng đầu năm nay, các điểm du lịch cộng đồng ở Tả Phìn, Cát Cát, Tả Van ở Lào Cai đều thu hút từ 1 đến 1,1 vạn khách quốc tế. Lượng khách đến với những điểm này khá đều đặn và thường xuyên.
Ông Sơn chia sẻ, để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả thì các địa phương phải xác định “lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch”.
Điều bất cập đối với loại hình du lịch cộng đồng hiện nay là đa số người dân làm du lịch homestay đều nghèo nên không có nhiều vốn để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho du khách, chưa nói đến việc đầu tư những dịch vụ phụ trợ kèm theo để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, thực tế việc phân chia lợi nhuận và quyền lợi giữa người dân làm du lịch với các đơn vị lữ hành hiện nay chưa thực sự công bằng. Người dân phải đầu tư và đóng vai trò chính trong các tour du lịch homestay, song lợi nhuận phần lớn lại rơi vào túi của các đơn vị lữ hành.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, ông Sơn cho rằng mỗi địa phương cần có Chính sách dành riêng cho du lịch cộng đồng, trong đócó tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình làm du lịch homestay, xây dựng nhà du lịch cộng đồng, giúp người dân quảng bá và đào tạo nhân lực… “Trong kỳ họp HĐND tới, chúng tôi sẽ trình một Chính sách dành riêng cho du lịch cộng đồng. Chính sách này cũng sẽ đề xuất thành lập một Ban quản lý du lịch cộng đồng, đơn vị chịu trách nhiệm đại diện cho các hộ gia đình làm homestay để làm việc với các hãng lữ hành để quản lý việc kinh doanh”, ông Sơn cho biết.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thanh Tâm – Trưởng phòng Du lịch nội địa của Vietrantour cho rằng, muốn có được mô hình du lịch cộng đồng hoàn chỉnh và hấp dẫn du khách, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thì việc cần thiết nhất là đào tạo kỹ năng giao tiếp và quản lý cho người dân địa phương, để họ tham gia có hiệu quả vào các hoạt động du lịch và cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng. Đồng thời phát triển thêm các sản phẩm du lịch ẩm thực, các vật phẩm đặc trưng của từng vùng để vừa có thể quảng bá văn hóa dân tộc, lại đem lại thu nhập cho người dân./.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook