Chuông đá ở thung lũng cá lóc
Truyền thuyết về thung lũng cá lóc cho đến nay vẫn được những người lớn tuổi ở Troh Bư kể lại bằng một chất giọng đầy kiêu hãnh. Ngày xưa, ở Troh Bư có lần Giàng làm khô hạn, mấy năm liền không có một giọt mưa.
Đất đai nứt nẻ không thể trồng tỉa được, ngay cả nước ăn cũng khan hiếm. Người dân lũ lượt đi tìm nước ở những thung lũng rất xa, nằm sâu trong rừng thẳm. Lúa ngô dự trữ trong làng đều đã dùng hết, cánh trai tráng khỏe mạnh phải vào rừng đào củ, tìm rau.
Nhiều lữ khách khi tới Troh Bư đều thích thú với việc đánh thử chuông đá. |
"Miệng ăn núi lở", chẳng mấy chốc lương thực từ rừng xanh cũng cạn kiệt, chim muông không chịu nổi khô hạn khắc nghiệt cũng bỏ đi hết. Già làng lập đàn cúng tế trâu bò, gà lợn bao nhiêu lần mà Giàng vẫn không rủ lòng thương, mang mưa về cứu vớt con dân.
Con người khô khát, héo hon, rừng núi cũng xác xơ bạc phếch. Tình cảnh không thể cứu vãn, dân làng bỏ nhà cửa dắt nhau đi tìm sự sống. Sau một đêm ngủ dậy, họ thấy trước mặt là một cụm rừng xanh tốt, chim hót líu lo, gió thổi mát lành.
Mọi người bước thật nhanh đến, thảng thốt khi thấy một vùng đất đai màu mỡ, dòng suối nhỏ nước chảy không bao giờ cạn. Bên trong thung lũng, có rất nhiều cá lóc đang sinh sống, dân làng ôm nhau mừng rơi nước mắt. Họ hò nhau đắp bờ, tát cá cùng nấu một bữa ăn no say sau nhiều ngày thiếu đói.
Dù nước trong đầm lầy không nhiều, nhưng cá thì cứ nhung nhúc hàng bầy. Con người đã đánh bắt rất nhiều mà không có dấu hiệu cạn kiệt. Nước càng cạn, cá ở dưới đất chui lên càng nhiều.
Cứ thế, ngày qua tháng đến, lượng cá lóc sinh sôi không ngừng, thung lũng trở thành "kho báu" cá lóc. Nơi đây như thiên đường, dân làng mừng vui ôm nhau khóc cười hạnh phúc.
Lễ cúng cảm tạ Giàng được tổ chức linh đình nhiều ngày đêm. Tìm được vùng đất lý tưởng, dân làng quyết định ở lại định cư và đặt tên buôn là Troh Bư, có nghĩa là thung lũng cá lóc.
Những ngày đầu tháng sáu mưa dầm dề trên khắp Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến thung lũng cá lóc hiện nằm tại buôn Niêng 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Vùng đất đi vào truyền thuyết năm nào, giờ đã thay da đổi thịt.
Chuông đá từ một hòn đá duy nhất của ông Hoàng Thành. |
Đường vào Troh Bư được đổ cấp phối, bon bon xe chạy. Hai bên đường là những vườn ươm cây giống xanh mát mắt. Phía cuối con đường vào thung lũng là buôn làng tái định cư của người Ê Đê tân tiến, hiện đại.
Chạm chân vào núm đất Troh Bư, không gian mênh mông của khu rừng tái sinh ập vào mắt lữ khách, người dẫn đường chỉ xuống dưới một vùng thung sâu thoai thoải nói: "Cái lạch suối kia chính là vùng cá lóc. Khoảng 20 năm trước, nước từ các nhánh sông Sêrêpôk đổ về nên còn nhiều cá tôm lắm. Vài năm trở lai đây do ảnh hưởng của việc ngăn dòng thủy điện nên suối khô cạn, cá cũng tuyệt diệt luôn".
Xung quanh dòng suối "khát", có rất nhiều đá nhẵn, kích thước vừa phải. Không để chúng tôi tò mò, anh Tuấn Hưng, chủ nhân khu vườn tiết lộ: "Ở dưới kia là bộ chuông đá".
Bộ chuông đá gồm 39 hòn được sắp xếp theo trình tự to dần. Tất cả những hòn đá đều có khuôn hình thon tròn, nhẵn nhụn, dài tầm một mét. Theo chủ nhân, đá hình thành như thế hoàn toàn do tạo hóa mà không hề có bàn tay đẽo gọt hay uốn nắn của con người. Bộ chuông đá được phát hiện cách đây vài năm, trong lần người ta múc ao lấy nước tưới cà phê tại xã Ea Nuôl.
Điều kỳ lạ là sau nhiều giờ xúc rất nhiều đất, với độ sâu tương đối mà vẫn chưa thấy mạch nước ngầm. Ở giữa cái ao, có một ụ mối rất to. Khi chiếc máy múc vục những chiếc răng cưa xuống, mọi người nghe thấy tiếng leng keng rất lạ. Ai cũng đoán, có thể máy chạm vào khối sắt nào đó.
Nhưng khi lật ra thì phát hiện một ổ đá gồm 39 thanh đều tăm tắp. Tiếng đá chạm vào nhau trong quá trình múc tạo ra thứ âm thanh thánh thót, trong ngần. Càng múc sâu xuống dưới lòng ụ mối, mạch nước càng mạnh, phun chảy ầm ầm.
Chỉ vài tiếng đồng hồ, cái ao đã tràn trề nước. Cảm giác có gì đó thật kỳ lạ ở những hòn đá, người lái máy múc đã ngỏ ý mua lại toàn bộ số đá này. Và nghiễm nhiên, chủ đất vui vẻ đồng ý, vì những thanh đá nằm chắn giữa ao chẳng có tích sự gì với họ.
Vài tháng sau, khi đi tham quan thung lũng Troh Bư, thấy cảnh sắc nơi này quá hoàn hảo, anh chủ máy múc buộc miệng: "Giá như có bộ đá đặt ở đây thì tuyệt".
Nghe vậy, anh Hưng ồ lên: "Tôi đang đi tìm nó đây". Anh này vỗ tay: "Vậy thì qua nhà tôi mà chở về". Cứ như có sự sắp đặt, mớm lời từ một vị thần nào đó ở thung lũng này, ngay hôm sau, anh Hưng thuê xe đi rinh bộ chuông đá về khu rừng trong thung lũng cá lóc.
Đường vào thung lũng cá lóc. |
Mỗi viên đá phát ra một thứ âm thanh khác nhau. Nếu đánh đều cùng một lúc thì sẽ tạo ra bản nhạc rừng độc đáo, kỳ lạ mê hoặc người nghe. Ai đến thăm khu rừng đều được chiêm ngưỡng và tự tay đánh thử chuông đá. Đặc biệt, từ ngày có chuông đá, rất nhiều loài đá mới được mang về quần tụ, xếp lớp xung quanh.
Chủ nhân khu rừng kể: "Nghe già làng nói, bộ đá đó là một quần thể gia đình nhiều thế hệ nên mới có hòn to, hòn bé. Qua thời gian, các hòn đá cùng loại vì nhiều lý do mà được chuyển về đây. Bản thân tôi cũng thấy điều đó, vì khu rừng này vốn dĩ chỉ tồn tại loại đá ong, có đào sâu dưới lòng đất thì cũng chỉ có đá tảng mềm, dễ vỡ chứ không hề tồn tại đá chuông".
Cho đến thời điểm này, bộ chuông đá mà anh Đỗ Tuấn Hưng đang sở hữu là cổ vật tự nhiên độc nhất vô nhị đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập "dàn chuông đá cổ xưa, nguyên bản nhiều thanh nhất".
Báu vật rừng xanh
Đem chuyện chuông đá hỏi già Ama Kiểu ở Buôn Đôn, chúng tôi được nghe cách lý giải vô cùng huyền bí về tổ tiên của loài đá phát âm thanh. Già Kiểu cho biết, với đồng bào Ê Đê, bất cứ đồ vật gì xuất xứ từ thiên nhiên đều mang linh hồn và được dân làng tôn thờ, kính trọng.
Riêng những hòn đá phát ra âm thanh mà người hiện đại gọi là chuông đá, thì dân làng xem như một vị thần sinh ra để mang sứ mệnh. Thời người Tây Nguyên còn sống nguyên thủy, họ sử dụng công cụ săn bắt, hái lượm đều từ đá mà ra. Vì thế, đá như một phần cuộc sống.
Già Ama Kiểu bảo rằng, thời của già những đêm đi săn nằm giữa rừng hoang, áp mình vào lòng đá còn nghe được tiếng thì thầm. Những ngày mệt mỏi chờ thú rừng mắc bẫy, cánh thợ săn thường gõ vào mình đá nghe một bản nhạc bay vút, để tâm hồn thảnh thơi, vui sướng.
Thường thì chuông đá không có nốt nhạc hay giai điệu cố định, mà nó phụ thuộc vào bàn tay người gõ. Ai vui, ai buồn, gõ vào là nhận ra ngay. Người nào "có duyên" với hồn đá, thì đánh chuông sẽ rất hay, rất tuyệt vời. Nhưng chung quy lại, thì âm thanh của chuông đá như là "tiếng hát" của rừng xanh, tiếng reo vui của dòng suối, tiếng thỉnh cầu của muôn vạn vật trước tự nhiên...
Cách thung lũng cá lóc không xa, chúng tôi cũng được chiêm ngắm chuông đá của ông Hoàng Thành (ngụ TP Buôn Ma Thuột). Lịch sử hình thành hòn đá chuông của ông Thành cũng đặc biệt không kém.
Trong một lần đi tìm hóa thạch ở dãy núi Chư Yang Sin (Đắk Lắk), ông Thành phát hiện một hòn đá hình trụ rất lạ mắt. Trong đầu ông nảy ra ý định sẽ kéo hòn đá này về làm trụ cổng. Khi hai dây xích khổng lồ buộc vào thân đá để kéo lên, ông Thành sửng sốt nghe thấy âm thanh kỳ lạ phát ra từ thân đá.
Lấy một viên đá nhỏ, ông gõ thử vào thì có chỗ nghe như tiếng thác chảy, chỗ lại tí tách như suối reo, chỗ ầm ầm như lũ về. Tất cả những âm thanh trên mình đá dù khác nhau, nhưng đều có điểm chung là "tiếng nói của rừng".
Toàn bộ các thanh đá của bộ chuông đều thon dài... |
Về nhà, ông Thành kê hòn đá lên hai hòn đá khác rồi đánh thử. Không ngờ ở một vị trí mới, hòn đá phát ra âm thanh trong trẻo và thánh thót hơn nơi ở cũ. Nhiều người biết tin đã kéo đến xem "thần đá" và không ít đại gia ngỏ ý muốn mua lại báu vật rừng xanh của ông Thành.
Ông Thành tế nhị từ chối, ông giải thích: "Tôi cần tiền, nhưng tôi không thể bán hòn đá này đi được. Tại sao bao nhiêu năm, nó nằm im ở rừng mà không thuộc về ai? Tại sao lại là tôi được mang đá về? Tôi trân trọng những gì thuộc về tự nhiên và tôi có linh cảm hòn đá như là một người bạn của tôi".
Ngọc Thiệnhttp://cstc.cand.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/Ky-thu-chuong-da-444073/
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook