TP - Nằm trong thung lũng cá lóc ở Đắk Lắk, Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư hiện có hơn 200 loài lan rừng, trong đó có nhiều loài đặc hữu. Nơi đây còn có 2 cổ vật độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên: bộ chiêng đá khoảng 10 triệu năm tuổi và chiếc thuyền độc mộc đục từ thân cây khổng lồ.
Lan rừng khoe sắc.Lan rừng khoe sắc.

Troh Bư (nghĩa là “thung lũng cá lóc” trong tiếng Êđê) nằm lọt giữa 4 buôn đồng bào Êđê, gồm Niêng 1, Niêng 2, Niêng 3 và Kó Đung thuộc xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Thung lũng cá lóc xưa kia là khu rừng hoang đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt, nhưng rồi bị con người tàn phá trơ trọi. Rồi có một người cặm cụi vun xới suốt hai thập kỷ để tái tạo lâm cảnh, biến vùng đất khô nẻ, trơ trụi thành khu vườn tươi thắm.

Giữa mùa khô nắng rát, chúng tôi vào thung lũng cá lóc để được ngắm vườn lan rừng đang mùa hoa. Khu vườn xanh mướt, những giò lan bám chặt thân cây, hoa tỏa hương thơm dịu, ong rừng rộn ràng hút mật. Những cây gỗ quý đường kính 20-40cm mọc san sát. Trên thân cây, những khóm lan rừng như Thủy tiên, Bạch câu, Nghinh xuân… đua nhau mọc. Từ những giò hoa ban đầu mang từ nơi khác về, lan rừng ở đây đã tự sinh sôi.

Bên trong vườn lan, rẫy cà phê rộng 3 sào đang độ ngậm quả, ngôi nhà dài truyền thống Êđê thấp thoáng lộ ra, bên cạnh là hồ cá, chòi nuôi heo, gà rừng… Men theo con đường mòn tới cuối khu vườn, chúng tôi thấy một ngôi nhà kiến trúc Pháp cổ. Tầng dưới la liệt sách vở liên quan Tây Nguyên, gác trên trưng bày các hiện vật văn hóa như ghế K’pan, cối giã gạo, mõ trâu, gùi, chiêng… Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bộ chiêng đá 24 món và chiếc thuyền độc mộc kích thước “khủng”. Bộ chiêng đá được chuyên gia đoán định có niên đại khoảng chục triệu năm, còn chiếc thuyền độc mộc dài 9m, rộng 1,75m, do cố nghệ nhân Nay Nen Lào, đệ nhất đẽo thuyền độc mộc ở Buôn Đôn, làm từ một thân cây gỗ sao khổng lồ trong vòng 6 tháng. “Tôi thấy mình có duyên với 2 món cổ vật văn hóa vô giá là bộ chiêng đá bazan và chiếc thuyền độc mộc cực kỳ hiếm này. Đã có nhiều người đến hỏi mua chiếc thuyền giá ngót nửa tỷ đồng nhưng tôi không bán”, chủ vườn lan, anh Đỗ Tuấn Hưng, nói.

Lan Thanh đạm xanh có mùi thơm dịu.
Hồi sinh vùng đất huyền thoại

Tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp, nhưng anh Đỗ Tuấn Hưng lại nối nghiệp cha làm lâm nghiệp. Công việc thường xuyên đi rừng càng làm anh thêm yêu rừng, mong muốn có một mảnh đất để trồng nhiều loại cây. Năm 1995, một người bạn thân rủ anh đến khu rẫy của gia đình ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl chơi. Cả vùng Troh Bư lúc đó chỉ còn lại những quả đồi hoang, nơi thì vài ba cây rừng mọc, nơi lác đác mía trồng.

Bằng con mắt nghề nghiệp của người đi rừng, anh thấy vùng đất có địa thế đẹp, suối nước trong xanh, xung quanh là đồi thấp, ao hồ đầy nước thuận lợi để trồng nhiều loại cây. Anh tìm gặp già làng để hỏi gốc tích và càng yêu thích hơn khi được nghe kể về huyền thoại Troh Bư (ngày xưa có vùng đất bị Giàng phạt, khô hạn kéo dài, cư dân bỏ đi, cuối cùng tìm được thung lũng có suối đầy cá lóc).

Ấn tượng với huyền thoại bao nhiêu, anh Hưng lại càng thấy buồn bấy nhiêu khi thấy thung lũng cá lóc hoang tàn, xơ xác. Sau nhiều đêm trăn trở, anh nảy ra ý định hồi sinh vùng đất huyền thoại này thành nơi lưu giữ văn hóa Tây Nguyên. Anh đạp xe đến từng nhà dân vùng Troh Bư xin mua đất, rồi về rao bán 1 ha rẫy cà phê xanh tốt ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, vay mượn thêm để mua 5 ha đất ở Troh Bư.

Anh dành một phần đất để trồng cà phê, cây ăn trái, riêng phần đất còn một số cây rừng thì để nguyên, mua thêm những giống cây quý về trồng dặm. Anh xây dựng khu bảo tồn lan, sưu tầm hiện vật văn hóa dân gian về trưng bày…, với mong muốn tạo ra hình ảnh đa chiều về một Tây Nguyên thu nhỏ.


Bộ chiêng đá hàng triệu năm tuổi. Ảnh: L.H.

Khu rừng ngày càng xanh tốt, phong lan phát triển thành quần thể đa dạng. Anh quyết định chặt bỏ bớt cây cà phê và cây ăn trái để khu rừng phát triển tự nhiên, tạo môi trường cho lan rừng sinh sản. Cuối tuần, anh lại tìm đến cánh rừng nguyên sinh ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn tìm kiếm lan rừng mang về cấy lên cây. Thỉnh thoảng, anh ra chợ lan rừng ở đường Phan Đình Giót xem có loài lan nào đẹp, lạ thì mua về trồng. Thời gian đầu anh chưa có kinh nghiệm, nên những giò lan anh vất vả kiếm được lần lượt chết rũ.

“Lúc lan chết liên tục, tôi buồn nản lắm, nhưng rồi tình cờ tôi gặp một số người chơi lan rừng. Họ mách bảo kinh nghiệm, còn tôi đối chiếu với thực tế. Thế là tôi biết cách chăm sóc để lan rừng ngày càng sinh sôi. Nay vườn đã trở thành một khu bảo tồn lan rừng hẳn hoi nhé”, anh Hưng tự hào nói.

Anh Hưng quyết tâm làm sống lại vùng đất huyền thoại, xây dựng thành nơi lưu giữ văn hóa Tây Nguyên, nhưng túi tiền eo hẹp. Anh đành bán bớt 3 ha đất để có vốn xoay vòng, chỉ giữ thung lũng thấp nhất có 2 ha rừng tự nhiên với hơn 500 loài cây, trong đó có nhiều loài cây gỗ quý mà lâm tặc ngày đêm rình rập như giáng hương, cà chít, căm xe...

Đầu năm 2013, anh chính thức khai trương Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư, đón du khách vào tham quan, ngắm lan rừng miễn phí. Riêng dịp Tết Ất Mùi vừa qua, Khu bảo tồn lan đón hơn 2.000 lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó có cả chuyên gia nước ngoài.


Anh Đỗ Tuấn Hưng giới thiệu thuyền độc mộc “khủng”.
Nguồn gốc Troh Bư

Dạo quanh những con đường uốn lượn theo triền dốc, anh Đỗ Tuấn Hưng kể cho chúng tôi nghe huyền thoại Troh Bư.  Ngày xưa, có vùng đất bị Giàng phạt, nhiều năm khô hạn không một giọt mưa, đất đai nứt nẻ, nguồn nước uống dần cạn kiệt. Không thể sản xuất, lương thực làm ra trước đó dùng lâu cũng hết, dân làng chia nhau vào rừng tìm rau, đào củ để mưu sinh qua ngày. Nhưng rồi, rau củ trong rừng cũng nhanh chóng bị khai thác hết, cây rừng chết dần, chim chóc, muông thú kéo nhau bỏ đi, dân làng không còn gì để ăn.

Già làng huy động đồng bào dâng lễ vật cúng tế thần linh nhiều lần, nhưng Giàng cũng chẳng ban mưa; cuối cùng, cả làng phải dắt nhau đi tìm vùng đất mới. Ngày đêm vượt núi, băng rừng, dù đã đi cách nơi ở cũ rất xa nhưng vẫn chỉ thấy rừng núi tiêu điều, cây cối xơ xác, đất đai khô khốc. Đoàn người ngày càng mệt mỏi, chán nản. Tuyệt vọng dừng chân nghỉ nơi đỉnh đồi, sáng dậy, dân làng thấy một thung lũng dưới chân núi, cây cối tươi xanh.

Dìu nhau xuống tận nơi, ai nấy đều vui mừng vì thấy khu rừng đất đai màu mỡ, hai dòng suối nhỏ nước chảy róc rách. Dừng chân bên suối, đưa tay vốc nước lên mặt cho tỉnh rồi chia nhau đi kiếm thức ăn, dân làng phát hiện thung lũng có rất nhiều cá lóc. Cả làng cùng nhau đắp bờ tát nước, bắt cá, nước càng cạn thì cá lóc hiện ra càng nhiều; cá lóc như từ dưới lòng đất chui lên, bắt mãi không hết. Trưa hôm đó, mọi người được ăn uống một bữa no nê. Điều kỳ diệu, ngày nào dân làng cũng bắt cá ăn nhưng cá vẫn nhiều nhung nhúc, trở thành nguồn sống của cả làng.

Quanh khu rừng còn có nhiều nguồn nước mạch chảy tự nhiên, đổ về con suối lớn thuận tiện cho cuộc sống sinh hoạt, trồng trọt. Nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, nước uống mát lành. Cho rằng Giàng đã giúp mình, cả làng quyết định dừng chân, tổ chức cúng tạ Giàng và quyết định lập buôn trên vùng đất mới, đặt tên là buôn Niêng, dòng suối chảy qua buôn là suối Ea Nuôl, thung lũng đầy cá lóc là Troh Bư.

Ông Nguyễn Phú Hồng, cán bộ Văn phòng UBND xã Ea Nuôl, xác nhận, Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư hiện có hàng trăm loài lan và nhiều hiện vật, sản phẩm văn hóa Tây Nguyên độc đáo. Mấy năm nay, vườn lan mở cổng miễn phí nên càng nhiều du khách xa gần đến tham quan.

Lê Hương
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/khu-bao-ton-lan-rung-doc-nhat-tay-nguyen-844542.tpo