Thăm Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2924
  • Tổng lượt truy cập 10,245,590

Fanpage facebook

Ngày đăng: 05/12/2018, 09:30 pm

Thăm Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư

Thứ Bảy, 17/11/2018, 06:55 [GMT+7]

http://baogialai.com.vn/channel/1624/201811/tham-khu-bao-ton-lan-rung-troh-bu-5608933/

Troh Bư, tiếng Ê Đê có nghĩa là “lũng cá lóc suối”. Cái tên này gắn với huyền thoại xa xưa về sự hiện diện khá nhiều của loài cá lóc ở con suối chảy trong khu vực này. Vùng này rộng chừng 5 ha, vốn là vườn thực vật của một kỹ sư nông nghiệp gây dựng từ năm 1995. Sau chừng vài chục phút đi xe máy khỏi thành phố, du khách sẽ đến Khu Bảo tồn lan rừng Troh Bư. Bước vào trong, bạn sẽ phải lựa chọn giữa 2 hướng. Đầu tiên là khu vui chơi ẩm thực phía tay trái, nơi có ngôi nhà rộng với các sản vật lưu niệm. Tại đây, ta có thể đặt tiệc liên hoan ở sau khu vườn có nhiều loại hoa đang nở rộ cùng thảm cỏ xanh mơn mởn, bất chấp khí hậu khô nóng. Hoặc nếu chọn đi theo hướng trung tâm, bạn sẽ vào sâu trong khu bảo tồn. Giữa sự đan xen của bao nhiêu loại cây và dây leo cũng như thảm thực vật, bạn sẽ gặp hơn 10.000 giò phong lan thuộc 200 loài đang mọc hay được nhân giống trên các thân cây, khúc gỗ; trong đó có nhiều loại lan quý ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên như: giả hạc, nghinh xuân, hoàng thảo thái bình, long tu, thủy tiên…

  Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư.   Ảnh: internet
Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư. Ảnh: internet


Bạn cũng có thể chọn khu đàn đá để thưởng lãm. Đàn đá (có người gọi là chiêng đá) gồm 23 thanh đá lớn nhỏ nằm thảnh thơi trên khu đất bằng phẳng giữa rừng. Những thanh đá xám mốc thời gian mà khi ta gõ lên mỗi thanh sẽ cho một thanh âm khác nhau. Giữa không gian ngập tràn nắng vàng như rót mật của Tây Nguyên, những tiếng đục-trong, cao-thấp ấy khiến ta thấy như cả một thuở hồng hoang đang hiện hữu quanh mình. Rồi những ao, bàu, vũng nhỏ giữa um tùm cây cối càng làm khung cảnh thêm bình yên, tưởng chừng sau tiếng sung rụng sẽ có chú cá quẫy đuôi đớp mồi nơi góc ao quê nhà.

Ở đây còn có rất nhiều hoa. Từ những loài hoa thông thường như: hồng, mẫu đơn, sim, mua… đến những loài hoa mà nhìn kiểu dáng, màu sắc đã biết là có sự biến đổi nhờ công nghệ và bàn tay chăm chút của con người. Đặc biệt, hoa hồng ở đây có hương rất thơm, chỉ bông hồng nhung nở chỗ góc đường đi qua còn thơm theo ta đến cả chặng dài. Một búp hoa chuối rừng đỏ chót ngạo nghễ vươn lên giữa lùm hoa dong riềng núi sẽ làm con đường nhỏ bạn đang đi trở nên vui hơn. Cũng không lạ nếu gặp một chú thỏ chạy băng ngay qua trước mắt bạn, mất hút sau lùm cỏ rậm rạp bên ven đường. Trên ngôi nhà lan (tôi gọi vậy vì những cành cây gác trên cái khung gỗ từa tựa căn nhà phủ đầy các giò lan, mà tôi đồ chừng chỉ vài tháng nữa sẽ bung nở hoa) có đôi bóng sóc nhỏ chuyền cành. Tiếng con chim gì na ná như “khó khăn khắc phục” xen với những tiếng chíu chít khiến ông bố trẻ gặp khó trước câu hỏi của cậu con trai chừng 6 tuổi đang vừa đi vừa ngoái nhìn xung quanh: “Con chim gì đang kêu hở ba?”. Sau một vòng dạo trong khu rừng thu nhỏ, ta có thể dừng chân ngồi nghỉ trên thảm cỏ xanh mượt hay ghé khu ẩm thực nếm món cơm lam, cà đắng hay cá lóc nướng, gà nướng chấm muối theo kiểu đồng bào Ê Đê vẫn làm.

Trong xu thế con người ngày càng muốn tìm về với thiên nhiên như hiện nay thì việc có những khu vườn vừa làm du lịch sinh thái, vừa bảo tồn các loài cây quý như Troh Bư là vô cùng cần thiết. Đó cũng là cách ta lưu giữ, bảo tồn sự phong phú đa dạng của Mẹ thiên nhiên, là cách ta “nạp” lại năng lượng sau những ngày làm việc bận rộn.

Bích Thiêm


 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác