Nhà yến hoạt động, thời gian 12 tháng đầu, thật ngắn so với cuộc đời trăm năm nhưng thật dài với người làm kỹ thuật và với chủ nhà yến. Tháng đầu có chim vào thăm rồi ở lại,3 tháng, rồi 6 tháng có vài chục chim yến về ở và bắt đầu quẹt tổ, số lượng chim yến cứ tăng theo thời gian. Sau 1 năm có cả trăm con, rồi thoáng vài năm cả ngàn con, rồi vài và chục ngàn con, thu hoạch trên chục kg mỗi tháng. Đây là một nhà yến phồn thịnh, chủ nhà yến hạnh phúc, thu hồi vốn nhanh và tận hưởng cái giàu do “chim yến mang lại”
Cũng có rất nhiều nhà yến mà tôi được gặp, được trao đổi lại không phải như vậy và rơi vào hoàn cảnh sau 2-3 năm có vài trăm con nhưng rồi không tăng đàn hoặc tăng rất chậm.
Câu nói của chị Sáu, chủ nhà yến ở An Tây Bình Dương mà tôi nhớ “ năm kia thu được 1 kg/tháng, năm ngoái cũng 1 kg, năm nay cũng chỉ hơn một chút”, mặc dù nhà yến ở vùng chim đến hoạt động rất tốt.
Được đi vào những nhà yến phồn thịnh, trao đổi kinh nghiệm với các chủ nhà yến, nay tôi xin bàn các yếu tố quyết định đến sức tăng dân số chim yến, trong đó có một yếu tố quan trọng mà tôi gọi là “ Khả năng thu hút chim yến của nhà yến”.
1/-Vùng chim yến hoạt động tốt, sức tải môi trường tự nhiên sản sinh nguồn cung cấp mồi ăn côn trùngphải phong phú và dồi dào.
Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định nhà yến có dân số chim yến tăng nhanh hay chậm và nhiều hay ít, cũng như quyết định đến 1 làng nuôi chim yến có phồn thịnh hay thất bại ? (i) Vùng chim yến hoạt động, được hiểu là
(1) ở khu vực có nhiều nhà nuôi chim yến như vùng Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ, Tp. HCM, thị xã Gò Công, khu lấn biển Rạch Gía; (2) ởkhu vực chim đến săn mồi côn trùng và
(3) ở khu vực nằm trên đường bay của chim yến.
Theo tôi yếu tố (1) và(2) là quyết định nhiều đến sự tăng dân số chim yến, yếu tố (1) không có tính quyết định tạo nhà yến phồn thịnh nhanh bằng yếu tố (2) là vì tính thích bày đàn đông vui của chim yến tơ và tính hấp dẩn đồng đều của nhiều nhà yến cạnh tranh trong một khu vực chia nhỏ lượng chim yến tơ vào nhà yến.
• Nhà yến mới xây dựng tại các vùng có nhiều nhà yến buộc phải chịu sự tranh giành lôi kéo chim yến từ những nhà yến cũ. Nhà yến mới dù thỏa mãn đủ các yếu tố kỹ thuật, trong 1,2 năm đầu chim vẩn về ở ít và tăng chậm. Nhà yến cũ có sức thu hút tốt hơn nhà yến mới và cộng thêm tính thích bày đàn, chim yến tơ khi tìm nơi cư trú mới thường chọn những nhà yến có nhiều chim đang sinh sống.
Nhà yến mới có sức thu hút nhiều chim yến đến, lúc nào cũng có chim đến thăm viếng, quần đảo, ra-vào nhưng khi sẫm tối thì tản ra nhà ai về nhà nấy. Chim yến tơ cần nơi trú ở thì vào những nhà yến cũ gần đó theo tính thích bày đàn đông vui, rất ít số chim mới này chịu vào nhà yến mới ở. Nhà yến mới, những tháng đầu chim vào ở ít, khi đã được vài chục chim ở thì chính nhờ tính bày đàn này sẽ thu hút giúp số lượng chim về ở tăng nhanh hơn.
• Nhà yến mới nằm trong khu vực chim yến nhiều nơi đến săn mồi côn trùng thì khả năng thu hút chim về ở nhanh ngay trong những tháng đầu. Nhiều đàn chim yến đến săn tìm côn trùng ăn no, chim yến tơ vào thăm dò và có nhiều khả năng ở lại, số nhà yến ít, số lượng chim tơ đến nhiều thì khả năng chim vào ở lại nhiều hơn.
Vùng chim đến hoạt động săn mồi là vùng rừng cây bụi, rừng trồng bạch đàn, keo tràm… và theo vùng khí hậu
(1) vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới nóng ẩm từ Đà Nẳng vào các tỉnh miền Nam, chim đến thường xuyên quanh năm, nhà yến ở đây dân số chim yến sẽ tăng rải trong năm và
(2) vùng từ Huế ra tới các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng,Ninh Bình, Nam Định ,
dân số chim yến tăng theo mùa bùng phát sinh sôi nẩy nở của côn trùng sau thời gian ngủ đông lạnh rét, chim yến bị cuốn hút đến rất nhiều và nhanh hơn vùng (1). Vùng hoạt động của chim yến cũng thay đổi theo mùa và từng khu vực. Khu vực có sông lớn, nhiều ao, hồ sẽ giúp tạo ẩm độ cao luôn trên 60%, cây bụi luôn luôn sinh trưởng, côn trùng ẩn nấp sinh sống, sản sinh nhiều. Ở vùng ít sông ao hồ vào mùa nắng khô hạn, cây bụi không sinh trưởng, không có lá non làm thức ăn, côn trùng sản sinh ít, các nhà yến ở đây có sức tăng đàn theo mùa mưa/nắng chậm, ít.
Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa làm thay đổi vùng hoạt động săn mồi. Các làng yến Việt Nam chưa xảy ra tình trạng này.
Con số 200.000 nhà yến ở Indonesia và60.000 nhà yến ở Malaysia, thực chất chỉ 60-65% là đang khai thác có hiệu quả, số nhà yến còn lại là những làng chim yến thất bại. Tôi đã thấy 5-6 làng yến xây từ những năm 1960-2000 ở đây bị thất bại.
Cách Jakarta khoảng 50-60 km về hướng nam, có làng chim yến Serpong, cạnh ngôi đền thờ Thần Cua, có khoảng trên 70 nhà yến, xây dựng từ năm 1996, sau năm 2006 được đánh giá là hoàn toàn thất bại, chỉ vài căn nhà có chim về ở nhưng chỉ có vài chục đến vài trăm con.
Ở Thị Xã Mentakab, Pahang cũng là một điển hình cho một làng chim yến của Malaysia bị thất bại Những căn nhà yến này nằm trong khu vực bị đô thị hóa quá nhanh, chủ đầu tư và những người làm kỹ thuật không tiên lượng được. Trong vòng bán kính 30 km, gần như đã đô thị hóa hết chỉ còn vài mãng cây bụi, cây nông nghiệp. Ở Việt Nam, có hơn 3.500 nhà yến, có 3 trung tâm nuôi chim yến tập trung lớn, vùng Tam Thôn Hiệp Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh, Khu lấn biển Rạch Gía và Thị Xã Gò Công… trong tương lai sau năm 2030 những nhà yến nằm trong các quận nội ô của TP. HCM. dễ bị vướng vào tình trạng này, các vùng chung quanh bị đô thị hóa, chim yến chuyển vùng săn mồi đi xa hơn.
2/- Khả năng thu hút chim yến của nhà yến .
Khả năng thu hút chim yến tìm đến vào nhà yến là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: âm thanh, mùi, vị trí hướng lổ ra-vào, môi trường sinh cảnh bên ngoài và môi trường sinh cảnh bên trong nhà yến. Khả năng này có thể có được từ tự nhiên hay do tác động của nhà kỹ thuật hay của chủ nhà yến, khi nhà yến đã có chim ở và làm tổ ổn định là đã xác nhận khả năng này.
(1) Khả năng thu hút chim yến tự nhiên của nhà yến.
Trước năm 2006, có nhiều nhà chim yến tự đến và dân số chim yến phát triển tăng nhanh. Ở Gò Công có nhà máy xay lúa Mười Thiết, ở Phan Rang có rạp hát Thanh Bình, ở Đà Nẳng có khách sạn đường 2/9 đang xây dựng chim yến về ở và giao luôn cho chim yến, ở Rạch Gía có khách sạn Ngọc Trân, ở Hà Tiên tại có 2 nhà yến ở đường Bạch Đằng và đường Đông Hồ , ở Bạc Liêu khu văn phòng Tỉnh Uỷ….
Khi phát hiện có chim yến đến ở, chủ các nhà này đã tạo thêm các điều kiện thu hút chim yến,lắp ván, gắn loa, tạo môi trường sinh cảnh bên trong, vì thế việc tìm hiểu các yếu tố cấu thành khả năng thu hút tự nhiên của các nhà yến này không thể rõ đúng hết được.
Và một điều đặc biệt mà tôi nghỉ không ra, nhà yến của A. Hùng , khu Văn Hải, Long Thành…, một nhà yến trệt, không chuồng cu, không lổ ra vào, tuềnh toàng phong phanh giữa trời, không âm thanh, rất ít sự chăm sóc của con người mà lại sản sinh ra những tổ yến huyết đẹp, thơm mùi đạm Acid Amin (không khô ráp, cứng tanh như những tổ yến huyết khác), sạch ít lông, hàm lượng khí Nitrite, Nitratedưới dạng Acid chỉ ở mức 100 ppm (theo phân tích chất lượng) làm tôi phải suy nghỉ lại “về yến huyết được hình thành do tác động của môi trường mà con người áp đặt hay còn một loại yến huyết hình thành một cách tự nhiên. (Tôi sẽ xin trình bày trong 1 dịp khác để không oan uổng cho những tổ yến huyết tự nhiên của VN)
(2) Khả năng thu hút chim yến của các nhà yến do tác động của chủ nhà yến.
Có rất nhiều nhà yến phồn thịnh bằng nhiều cách do tác động của chủ nhà yến, dân số tăng mỗi năm 20-30% và sau 3-4 năm họ đã thu được 3-5 kg/tháng, có nhà cũng trên 10-15 kg/tháng, và cũng có những nhà yến mà sự phồn thịnh của nhà yến đến bằng sự nổ lực đặc biệt của chủ nhà yến.
Về phần này, xin lược ghi lại những nhà yến Phồn thịnh mà tôi có dịp được vào.
(1) Nhà yến KS Bích Nga Đồng Xoài luôn được vệ sinh tốt và duy trì việc tạo mùi thường xuyên với cách suy nghỉ đáng nhớ của chủ nhà yến “chim yến đã cho tôi nhiều, tôi phải cho chúng lại, tạo điều kiện tốt cho chim sống và tạo ra mùi chúng ưa thích”. Nhà yến Bích Nga dân số chim yến tăng nhanh trong 3 năm qua từ 2-3 kg/tháng nay tăng lên 18-20 kg/tháng.
(2) Nhà yến Ô. Thành chợ Đồng Xoài (nhà ở đường Chu văn An Bình Thạnh) , ngay từ khi nhà yến có hơn 100 chim về ở, ông đã nghĩ đến việc tạo nguồn côn trùng cho chim yến. Dùng đèn Néon ánh sáng trắng nóng, côn trùng bay đến chết, thay đèn Led ánh sáng vàng, gắn trước miệng lổ ra-vào 50-60 cm và cao trên 50-60 cm, mở đèn từ 7g – 9g tối, côn trùng bay đến tập trung trước lổ ra vào, chim yến bay ra ăn, chim yến ở các nhà lân cận bay đến ăn, kết quả ông khẳng định với tôi vào năm 2013 là chỉ sau hơn 2 năm nhà yến của ông đã có trên 5.000 con.
(3) Nhà yến sau chợ Tô Châu Hà Tiên, quản lý chăm chút nhiệt độ, độ ẩm,âm thanh, không khí luân chuyển, vệ sinh môi trường tốt. Riêng đặc biệt âm thanh vừa đủ , đứng dưới đường sau chợ không biết đây là nhà yến, Chủ nhà yến không tạo mùi và nói mùi tổng hợp từ chợ cá, hải sản khô là quá đủ… nhà yến này thu hơn 20 kg/ tháng.
(4) Nhà yến A. Hào dường K’ nor Ban Mê Thuột, từ tháng 8 năm 2014, đến nay đã có gần 1.500 con và vừa rồi mới thu được 1,5 kg. Chủ nhà yến chăm chút tạo mùi thường xuyên liên tục trong nhà yến và dùng MICO-2 tạo côn trùng, sau đó phát hiện ở phía lổ ra-vào, nhờ những trái mãng cầu gai chin rụng tạo mùi ngọt-chua thu hút côn trùngbay lên tập trung quanh ánh sáng đèn trước lổ ra-vào, trong mùa lạnh rét chim vẩn tăng dân số và không chết nhờ những máy sưởi đặt trong nhà yến.
(5) Nhà ông Lý Tam Thôn Hiệp Cần Giờ, mặc dù đã hơn 30 kg/tháng, cuối năm 2013 , đoàn kiểm tra Vệ sinh Dịch tể vào nhà yến này thấy nhiều thùng mở nấp thoang thoáng mùi khí NH3.
(6) Nhà ông Phước Sỷ Hòa Xuân,Cẩm Lệ Đà Nẳng, sửa chữa hoạt động lại từ sau ngày ông táo năm Ngọ về trời, mới 8-9 tháng đã có gần 1000 con về ở, mùi thú hút chim được thường xuyên liên tục phun bằng máy TL 5500.
(7) Nhà ông Quang Trần Hưng Đạo Đồng Hới, nhà ông Tắt ở Thanh Hóa cùng do ông Phước Sỹ tư vấn hoạt động đầu tháng 2/2015, đến nay có nhà trên 500 con, có nhà hơn 1000 con, mùi thu hút chim cũng được thường xuyên liên tục mỗi ngày phun bằng máy TL 5500.
(8) Nhà yến Đăng Khoa ở Cần Giờ, một chai khí Amoniac 50 kg sử dụng hơn 3 năm chưa hết với giá mua chỉ 3-4 tr, thay vì phải mua những chai H3N1 của Malaysia 20 gr/chai giá trên 1 tr, gắn ở lổ ra-vào, hiện nay nhà yến đã có trên 3000 con.
Và còn cả trăm nhà yến phồn thịnh khác ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam mà tôi được biết và được may mắn ghé thăm, chim tìm đến và ở lại bằng sự chăm chút, săn sóc của chủ nhà yến lâu dài từ tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác.
Một Tiến sĩ ngành Điểu học ở Johor, Malaysia có nói “trên đường chim yến tìm đến một nhà yến, chim đã bay qua rất nhiều nhà yến, nghe được rất nhiều âm thanh nhưng nó chỉ đến một nhà yến là do yếu tố gì,đó là khả năng thu hút chim yến của nhà yến, đó là ÂM THANH với vài dấu +++ thêm, các yếu tố cộng thêm tuy nhỏ nhưng rất quan trọng quyết định sự phồn thịnh của nhà yến”.
Các yếu tố này là do mùi và nguồn côn trùng mồi ăn cho chim yến.
Mùi tạo thành yếu tố thu hút chim yến phải duy trì thường xuyên và lâu dài, tạo thành mùi quen thuộc, không gây sốc, chim yến có thể bỏ đi. Tùy chủ nhà yến,có thể sử dụng một trong những dòng sản phẫm đang có trên thị trường hoặc cho riêng mỗi nhà yến.
Nguồn côn trùng mồi ăn cho chim yến tạo ra bằng cách thu hút côn trùng tự nhiên có trong các khu bụi cây chung quanh hay dùng MICO-2 (VN) hay DHP, Walitein (Mã Lai) để gây nuôi. Nhược điểm của các sản phẫm này là dể bị khô cứng sau 2-3 tuần sử dụng, giết chết ấu trùng ruồi giấm, phải cho thêm nước hay dùng con Mẽ chua hoặc bột men Bia để hổn hợp gây nuôi côn trùng mềm ra và có nước .
3/- Khả năng thu hút và giử lại chim yến tơ, non ở lại nhà yến nơi sinh ra.
Trong bài viết trước, tôi có đề cặp đến “ Chim yến non, chim yến tơ có ở lại nơi sinh ra chúng không” Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước của TS Nguyễn Quang Phách, nhiều nhà KH-KT Điểu học trên thế giới cũng đồng ý với kết luận của TS Phách nhưng theo góp ý của anh chị trên diển đàn là có khả năng cao chim yến tơ, non ở lại nhà yến.
Như đã trình bày, có một số anh em kỹ thuật trẻ mà tôi có dịp tiếp xúc đã khẳng định có khả năng giử được một số chim yến tơ ở lại nhà yến, cũng bằng mùi và mồi ăn côn trùng và họ đang thực hiện với 1,2 nhà yến, cam kết tăng gấp đôi dân số chim yến và tổ yến của nhà yến trong 1 năm.
Điều này, tôi được biết có 1 nhà yến ở Bình Phước, diện tích chỉ hơn 60 m2 và trong 2 năm đã có hơn 3000 chim sinh sống. Chủ nhà yến khẳng định chỉ dùng 1 loại gia vị có trong hương phở và đã giử lại được một số chim yến tơ ở lại nhà yến. Điều này cũng có thể xảy ra khi mà những chim yến tơ này ngay từ khi mổ vỏ trứng đã ngữi được mùi đặc biệt này, giả sử khi vào một vài nhà yến khác thăm dò, thấy không có, chắc có thể nó sẽ trở lại nơi sinh ra nó, có mùi vị đặc biệt để sinh sống và lập gia đình mới.
4/- Các yếu tố môi trường trong nhà yến phải giử đạt yêu cầu kỹ thuật và ổn định.
Ngoài những vấn đề có thể thực hiện giúp cho nhà yến phôn thịnh cũng phãi nói thêm là các vấn liên quan đến môi trường của nhà yến cũng phải được duy trì trong tình trạng tốt nhất.
Một cách làm không mới là tổ yến giảnên được gở bỏ tùy theo số lượng chim về ở và số tổ yến chim làm tổ, có tháo bỏ tổ giả thì chim yến mới làm tổ yến mới đầy đủ. Những tổ giả đã tháo, sau khi lấy tổ yến nên đóng lại tại những vùng mới trong nhà yến mà chim chưa đến ở hoặc đến rất ít để tăng mùi trong các vùng khác của nhà yến, chim yến mới sẽ đến vùng này để trú ở.
Ngoài ra cũng phải nói là giử ván không bị nấm mốc xâm hại, ngăn chặn tốt các nguyên nhân làm ván bị thấm nước, bị hồi ẩm trên 25%,cấu trúc trong nhà yến không thay đổi và không có hoặc ngăn chặn một cách hửu hiệu các địch hại của chim yến..
Tác giả: Tư Chung – toyenvietnam.vn
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook