Có nên đầu tư xây nhà nuôi yến – là một trong những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Trong bài viết này, Tôi đã xin được từ một tác giả giấu tên. Bài viết này chỉ nêu lên quan điểm cá nhân, chứ không khẳng định là đúng hoàn toàn. Bài viết mang tính tham khảo, mọi quyết định vẫn là của anh chị!.
1. Yến nói là nuôi, nhưng thực ra chúng tự kiếm mồi sinh sống. Việc của con người là dẫn dụ yến về nhà để nó sinh sôi và làm tổ. Thức ăn của yến chủ yếu là côn trùng bay. Chúng vừa bay vừa săn mồi. Vùng đất nào có nhiều thức ăn thì bầy đàn nơi đó sẽ tăng. Nếu thiếu thức ăn thì lượng chim sinh ra sẽ chết hoặc phải đi tìm nơi khác có nhiều thức ăn để sinh sống. Đó là quy luật tự nhiên.
2. Khi ta đầu tư xây dựng nhà yến thì vấn đề trên phải được tìm hiểu kỹ càng trước tiên, sau đó mới là vấn đề kỹ thuật xây nhà yến. Không phải xây nhiều nhà yến thì sẽ có nhiều yến.
Ví dụ: một vùng đất có nguồn thức ăn chỉ đủ nuôi 100 ngàn con, mà trước đây nơi đó có 50 căn nhà yến, thì nay có xây thêm hàng ngàn căn nhà yến nữa thì cũng chỉ có 100 ngàn con yến sinh sống ở vùng đó mà thôi. Đặc tính của yến là sống bầy đàn; chúng ở nhà nào rồi hiếm khi bỏ đi nơi khác, ngoại trừ bầy đàn quá đông không đủ ván làm tổ; thiếu chăm sóc; bị phá hoại hay bị các con thiên địch khác như: rắn, chuột, tắc kè, cú mèo …. đe dọa ăn thịt, chúng mới bỏ đi. Thậm chí cùng một căn nhà, yếnđã ở nhiều; làm thêm phòng mới, trổ cửa dụ chúng qua cũng không phải dễ; có khi mất cả năm mới dụ được vài cặp. Vì thế, những căn nhà càng xây về sau càng khó dẫn dụ yến đến ở.
3. Hiện nay nước ta chưa có một nghiên cứu khoa học về số lượng bầy đàn và nguồn thức ăn của yến ở từng vùng cụ thể, để người dân đầu tư tham khảo trước khi xây nhà yến, mà chủ yếu là xây tự phát, nhưng ít khi quan tâm đến nguồn thức ăn cho yến.
4. Ba năm gần đây, đặc biệt năm 2017, người ta đua nhau xây dựng nhà yến, đi đâu cũng thấy xây và chưa thấy tín hiệu dừng. Nếu không nghiên cứu kỹ về nguồn thức ăn của yến nơi vùng xây dựng, sẽ dẫn đến thất bại là không tránh khỏi, mà tiền của xây dựng nhà yến không hề nhỏ, phải kể đến nhiều tỷ/căn nhà.
5. Vậy có nên xây nhà yến nữa hay không?
– Người viết bài này chỉ nêu ra vài thiển ý của mình để bà con có quan tâm thì cùng trao đổi học tập lẫn nhau:
+ Tiền xây nhà yến nên là tiền nhàn rỗi, không phải vay mượn và với tinh thần tiêu khiển, thử thời vận. Tránh trường hợp dồn hết vốn liếng, vay nợ để xây nhà, rồi mòn mỏi, lo lắng trông trời, xem camera suốt ngày chỉ thấy vài con rồi dễ bị stress, sau đó còn kéo theo bao hệ lụy không hay nữa xảy ra với bản thân, gia đình mình;
+ Khi xây nhà phải thiết kế theo công năng nhà cho người ở, nếu nuôi yến nếu không thành công thì chuyển lại làm nhà ở; căn nhà vẫn còn giá trị sử dụng, đỡ tốn kém nhiều;
+ Chăm sóc và quản lý nhà yến là khâu rất quan trọng. Người trông coi nhà yến phải trẻ, khỏe, không dành cho người lớn tuổi. Tránh trường hợp xây nhà yến ở xa, không người trông coi, thỉnh thoảng đến thăm, chủ quan là có camera quan sát. Thực tế không đơn giản như vậy, sẽ nhiều việc bất thường xảy ra trong quá trình vận hành nhà yến, phải có mặt kịp thời để xử lý;
+ Nơi xây dựng nhà yến không nên tiếp tục xây ở khu đô thị, nên dời ra vùng ven nông thôn, phòng nhỡ sau này nhà nước có những qui định mới về việc nuôi yến;
+ Đừng tham khảo những căn nhà yến đã nuôi cách đây trên 5 năm, mỗi tháng cho 5, 10 ký yến mà thấy thích quá rồi đi đầu tư; bởi lúc đó số nhà yến còn ít nên dễ tạo dựng bầy đàn; còn hiện nay quá nhiều nhà nên việc dẫn dụ là rất khó. Nên tham khảo những nhà mới xây sau này khoảng 2 năm để có quyết định sáng suốt;
+ Hiện nay xuất hiện rất nhiều ” thánh” tự phong là chuyên gia kỹ thuật nhà yến. Bà con có xây dựng phải tìm hiểu thật kỹ về đối tác nhé. Cách tốt nhất hỏi thăm những người quen đã xây và đã thành công;
+ Làm việc gì cũng vậy, muốn thành công phải hội đủ ba yếu tố: Thiên thời- Địa lợi – Nhân hòa. Nuôi yến cũng vậy. Ngoài những hiểu biết khoa học, trải nghiệm về yến, thì nên tin có yếu tố tâm linh, đó là lộc Trời. Ông bà xưa đã dạy, lộc của Trời thường chỉ dành cho những người biết sống vui vẻ, thân thiện và tử tế với người, với đời.
Bài viết của tác giả giấu tên
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook