Những chiếc ché Tây Nguyên nói gì?

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 854
  • Tổng lượt truy cập 11,495,724

Fanpage facebook

  • Những chiếc ché Tây Nguyên nói gì?

Ngày đăng: 17/09/2020, 11:30 am
Lượt xem: 1525

Những chiếc ché Tây Nguyên nói gì?

Thứ Sáu, 11/01/2019, 05:54 [GMT+7]
.
(GLO)- Hãy lắng nghe xem những chiếc ché (ghè) kể câu chuyện gì thuở văn hóa rừng độc trị. Thực hay hư ảo? Huyền thoại hay tâm linh? Không lý giải được. Nhưng yêu biết mấy không gian của miền quê hương cao nguyên đất đỏ tràn nắng, ngập gió; những ngày lễ hội chung chiêng vòng xoang trong nhịp chiêng ngân, ngất ngư say bên những ghè rượu cần men lá đắng dành cho đàn ông và ngòn ngọt dành cho phụ nữ.
Tây Nguyên hiện có khoảng 47 dân tộc anh em đang cùng cộng cư, gồm cả người tại chỗ và người các vùng miền trong cả nước chuyển đến, tất cả cùng tạo nên một vùng văn hóa độc đáo và nhiều khác biệt. Trong quá trình thực hành các lễ thức, ngoài nghệ thuật diễn xướng, văn học truyền miệng, có một hiện vật không thể thiếu trong nghệ thuật ẩm thực Tây Nguyên, đó là những chiếc vò làm bằng các loại gốm, được gọi là eh-ché, dành để ủ rượu từ men lá, củ, quả của rừng, uống bằng cần, gọi là “rượu cần”. Ché là một trong những hiện vật-sản vật-lễ vật không thể thiếu để dâng lên các vị Yàng linh thiêng trong tôn giáo thực hành tâm thức đa thần, không chỉ nhằm giao tiếp với anh em bạn bè, mà còn bày tỏ sự cầu xin, một mong ước, tạ ơn một công việc tốt đẹp, tạ lỗi một sự vi phạm…
  Ché là hiện vật không thể thiếu trong ẩm thực Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thi
Ché là hiện vật không thể thiếu trong ẩm thực Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thi
Trong một năm, người Tây Nguyên có nhiều lễ, hội, nên cứ sau khi thu hoạch xong mùa màng, cũng là lúc năm cũ đã qua, năm mới đến, rượu cần thường được ủ sẵn hàng chục ché, cất kỹ, thậm chí là chôn xuống đất, khi có lễ, có việc hay có khách sẽ mang ra dùng. Theo quan niệm vạn vật hữu linh của người Tây Nguyên, bên cạnh các vị Yàng trú ngụ ở khắp mọi nơi, trong mỗi chiếc ché đều có một linh hồn. Do đó, ché không đơn thuần chỉ là hiện vật, mà còn mang tính thiêng khi gắn với các lễ nghi.
Người Việt có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, thì rượu ủ trong ghè, uống bằng cần của người Tây Nguyên cũng có chức năng giao tiếp với con người tương tự thế. Khách đến nhà, dù là khách gần hay xa, thân cận hay xa lạ, chủ nhà cũng phải cột một ghè rượu để giao lưu trước khi câu chuyện được bắt đầu. Tùy theo vai vế hay số lượng khách mà ghè rượu to hay nhỏ và đổ nước từ nồi đồng vào. Rượu nếu muốn uống ngay có thể làm bằng củ mì. Lâu hơn một chút thì bằng bắp hay kê. Lâu nữa (vài ba tháng) thì làm bằng gạo. Người Jrai còn rang gạo lên rồi mới ủ, khiến rượu có màu nâu sậm và thơm đặc biệt… Tất cả được ủ bằng men lá, củ rừng. Muốn để lâu và ngon, rượu gạo phải đem chôn xuống đất (hạ thổ), thậm chí có khi hàng năm trời.
Có những câu chuyện hay, những quy tắc bất di bất dịch đằng sau những chiếc ché, hiện diện ở dưới những nóc nhà sàn, nhà dài khắp Tây Nguyên. Này là ché có hình con rùa chìm, rùa nổi; này là ché tang điêt có hình 2 con rồng quấn quanh; kia là ché có 2-3 hàng hột nổi với 8 chiếc “tai” và hoa văn hình tròn niên đại từ thế kỷ XIX… Kia nữa là ché Tuk lớn, phải đổi bằng mấy chục con bò mới có nổi; hay loại ché Tang mới có từ cuối thế kỷ XX… Số “tai” trên một chiếc ché cũng rất quan trọng, tai càng nhiều, giá trị của ché càng cao, vì đây là chỗ móc những chiếc vòng đồng để trao cho ai đó sau lễ cúng sức khỏe, chào đón hay lễ thành niên… Bởi chiếc vòng đó đã được các Yàng linh thiêng ban phúc, nên nếu muốn, sau một tuần trăng mới được tháo ra. Ai lỡ làm gãy “tai” ché sẽ bị phạt vạ rất nặng.
Ché Tây Nguyên có nhiều nguồn gốc, xuất xứ. Ché từ Đồng Nai sang, ché đến từ gốm Cây Gòn, Cây Mai Sài Gòn mang phong cách Trung Hoa, ché Nam Ổ từ Quảng Nam lên, ché Chăm từ Ninh Thuận… được bước chân những bầy voi dập dình xuyên rừng, lội suối chuyên chở, hay đoàn nô lệ của các thương nhân còng lưng trên những lối mòn để gùi, cõng đến với các buôn, bon, kon, plei Tây Nguyên. Mỗi lần như thế chỉ vận chuyển được vài chiếc, muốn ché cỡ lớn phải đặt hàng tháng, có khi hàng năm mới có được. Nên không lạ nếu bạn nghe nói chiếc ché nào đó từng phải đổi bằng cả 10-15 con trâu, bò.
Ché có đủ loại to-nhỏ, bầu-dài, đáy lõm-đáy bằng… với nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Ché thì gốm thô, ché men vàng da lươn, ché nâu màu đất, ché biếc màu lá rừng, ché xanh muôn muốt như mắt mèo… Ché nào thì cũng dùng để ủ và uống rượu. Nhưng có những chiếc ché chỉ được mang ra sử dụng trong các lễ thức có ăn trâu, cúng gà. Có ché được cột bất cứ thời gian nào khách đặt chân lên nhà sàn. Có ché chỉ dùng đối ẩm với một vị khách đặc biệt.
Mùa gió lại về nghĩa là mùa xuân tới. Một mùa no đủ đã đến. Còn bao nhiêu người phụ nữ trong những căn nhà sàn đâu đó trong các buôn, bon, kon, plei tất bật xoay quanh những chiếc ché đang hớn hở mở miệng tươi cười đón những hạt cơm thơm mùi gạo mới, đậm mùi men lá, ủ cho hương lên ngạt ngào, rồi múc nước từ những chiếc nồi đồng, đổ cho đầy mặt ché, sóng sánh, long lanh như ánh mắt cô gái Tây Nguyên lúng liếng chào mời về đón năm mới cùng với buôn em. Rằng “Lên cao nguyên đi anh, chiều như mơ như thực, nối vòng xoang xoay mãi, hương rượu cần ngất ngây…” (thơ Yên Ninh).
Linh Nga Niê KDam

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Tin tức khác