Người mê sưu tầm hiện vật văn hóa Tây Nguyên (Tân an viên).

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 899
  • Tổng lượt truy cập 11,495,769

Fanpage facebook

  • Người mê sưu tầm hiện vật văn hóa Tây Nguyên (Tân an viên).

Ngày đăng: 17/09/2020, 11:42 am
Lượt xem: 1422
Người mê sưu tầm hiện vật văn hóa Tây Nguyên (Tân an viên).
Cập nhật lúc 08:26, Thứ Sáu, 07/07/2017 (GMT+7)
http://baodaklak.vn/channel/3484/201707/nguoi-me-suu-tam-hien-vat-van-hoa-tay-nguyen-5540286/

Hơn 20 năm qua, chị Lê Thị Lý (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã dành nhiều thời gian, tâm sức, tiền của đi khắp buôn làng Tây Nguyên để sưu tầm hiện vật văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc thiểu số với mục đích góp phần lưu giữ, bảo tồn chúng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên.

Chia sẻ cơ duyên đến với “nghiệp” sưu tầm này, chị Lý cho biết, bản thân là nhà kinh doanh dầu, nhớt nên có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều dân tộc thiểu số khác nhau. Chứng kiến các đồ vật như cồng chiêng, chóe, trống… một thời được xem là “báu vật” của buôn làng nay dần bị bỏ quên hoặc lần lượt rơi vào tay thương lái tuồn đi nơi khác, chị không đành lòng. Năm 1997, chị Lý bắt tay vào sưu tầm với ý định ban đầu chỉ để làm vật trang trí trong nhà. Càng về sau, chính các giá trị văn hóa ẩn chứa trong từng món đồ như một “ma lực” cuốn chị vào vòng xoáy sưu tầm để lưu giữ, bảo tồn.

Nhiều hiện vật quý được trưng bày trong ngôi nhà dài Êđê truyền thống.
Nhiều hiện vật quý được trưng bày trong ngôi nhà dài Êđê truyền thống.

Món đồ đầu tiên chị mua được là chiếc chóe Bát Bửu của một gia đình người Êđê ở huyện Ea Súp. Chóe có niên đại từ 400 – 500 năm, cao 90 cm, đường kính khoảng 35-40 cm, được chạm khắc hoa văn rất đẹp mắt. Từ đó trở đi, hễ có dịp vào buôn, chị đều lân la tìm hiểu, thu thập thêm nhiều đồ vật khác để làm phong phú thêm cho bộ sưu tập. Đến nay chị đã sở hữu được khoảng 500 hiện vật gồm: trống, cồng chiêng, dụng cụ lao động (gùi, xà gạc, rìu), đồ dùng sinh hoạt (tô, chén, nồi đồng, nồi đất, cối giã gạo), trang phục (váy, áo, khố), đồ trang sức (chiếc vòng công tua, chuỗi hạt bằng nhựa thông)… Trong đó, nhiều nhất là bộ sưu tập chóe trên 300 chiếc to nhỏ đủ loại, có nhiều chóe quý như chóe mẹ bồng con, chóe cóc, chóe rùa, chóe mặt khỉ…

Để có được “kho báu” này không phải chuyến đi nào chị cũng thành công, mua được món đồ mình thích. Nhiều lần gia chủ đã đồng ý bán, nhận tiền đặt cọc nhưng sau đó họ lại đổi ý, hoặc có khi bị thương lái “hớt tay trên”, không ít lần chị phải ngậm ngùi ra về tay trắng. Chưa kể nhiều hôm gặp trời mưa, xe chở hiện vật mua được bị lầy, chị phải tìm mọi cách bảo quản hàng mặc cho người bị ướt lạnh. Chị Lý tâm sự: “Tôi luôn xem những món đồ đến tay mình là một cái “duyên”, nhiều tiền chưa chắc có được nên luôn coi chúng như báu vật. Với từng món đồ sưu tầm được, tôi đều ghi chép cụ thể nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa… để hiểu hơn về giá trị của chúng”. Một trong những món vật mà chị trân quý nhất là bộ nồi đồng 10 cái mua của Amí Wen ở buôn đồng bào Êđê thuộc huyện Krông Pắc. Amí Wen có 3 người con gái nên khi lập gia đình, bà đã cho mỗi cô 3 cái, chỉ giữ 1 cái duy nhất. Để thuyết phục cả 3 cô chịu bán lại cho đủ bộ, chị Lý phải mất 4 năm ròng tới lui và hứa sẽ gìn giữ cẩn thận họ mới đồng ý. Lúc chở nồi đồng đi, Amí Wen cứ cầm tay chị dặn dò phải giữ lại không được bán cho ai khiến chị rất xúc động.

Sau khi có được khá nhiều hiện vật, chị Lý dựng một ngôi nhà dài Ê đê trong khu du lịch sinh thái Tâm An Viên ở cuối đường Trần Nhật Duật (thuộc buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột) làm không gian trưng bày cho khách tham quan miễn phí từ ngày 8-3-2017, với mong muốn cho thế hệ sau biết về nguồn cội nơi mình đang sinh sống và khách phương xa hiểu biết nhiều hơn đến văn hóa Tây Nguyên.

Huỳnh Thủy


 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Tin tức khác