Lạc vào rừng lan Troh Bư

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2973
  • Tổng lượt truy cập 11,521,211

Fanpage facebook

  • Lạc vào rừng lan Troh Bư

Ngày đăng: 28/07/2017, 04:02 pm
Lượt xem: 1316

Ảnh

Lạc vào rừng lan Troh Bư

 

Troh Bư trong tiếng của người Ê Đê nghĩa là “lũng cá lóc”. Cái tên “lũng cá lóc” trong tâm trí của người dân xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) gợi nhớ lên một thung lũng nhỏ trong rừng, là nơi sinh sôi nảy nở của đàn cá lóc huyền thoại, từng làm nguồn sống nuôi sống người dân bản địa lưu lạc khi tới định cư ở vùng đất Buôn Niêng trù phú ngày nay.

 

Thật khó hình dung những quả đồi nguệch ngoạc cỏ tranh sau khi những mảng rừng bị cạo trọc để làm nương rẫy rồi bị bỏ hoang nhiều năm theo tập quán “ăn rừng” của người ê đê, những vũng nước chảy yếu đuối khi không gian rừng bị mất đi nay đã trở thành khu rừng dày lan rừng bởi quyết tâm của  một chàng trai trẻ chỉ trong trong một lần tình cờ đến “vũng cá lóc” và vì quá yêu vùng đất nhuộm màu huyền thoại này mà đã quyết định dồn sức trả lại cho  vũng cá lóc hoang tàn ngày ấy nét rừng xưa.

“Rừng trong phố”

 

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chừng hơn 10 cây số. Khoảng 3-4 năm nay, Troh Bư đã trở thành một cái tên khá quen thuộc với nhiều du khách yêu thiên nhiên khi đến Đắk Lắk và giới chơi lan rừng. Vào những ngày cuối tuần, tấp nập nhiều đoàn xe chở cả đại gia đình và từng nhóm bạn bè rời trung tâm TP Buôn Ma Thuột hướng về một địa chỉ du lịch mới của huyện Buôn Đôn để được hoà mình vào không gian rừng và hoa.

 

Nhiều du khách và người dân khi lần đầu tiên đặt chân tới đây đều có chung một cảm giác: rời thành phố, khi bước qua cánh cổng ranh giới vào vườn Troh Bư, mọi thứ dường như dừng cả lại. Hai thế giới hoàn toàn tách biệt, khác xa nhau được ngăn cách chỉ bằng một cánh cổng. Những trảng hoa, tiếng chim hót véo von và âm nhạc êm dịu từ những chiếc loa được dấu kín đâu đó trong các khóm rừng đã khiến tiếng ồn ào của xe cộ, những âm thanh náo nhiệt và sự nóng nực hoàn toàn tan biến trong không gian của một rừng cây. Vườn Troh Bư là một điểm du lịch khá mới mẻ, lấy không gian rừng làm “đặc sản” chủ đạo. Những thân cây gỗ - mới chỉ 20 năm trước tái sinh chồi vươn lên mạnh mẽ từ trảng đất sản xuất của người dân để hi vọng tìm sự sống, gặp bàn tay của con người sống gần với rừng – nay cây được dưỡng thành những khóm rừng dày đặc.

 

Toàn thể không gian của vườn Troh Bư rộng trên 5 hecta, được quy hoạch thành nhiều tiểu cảnh, phân khu khác nhau và dấu một cách khéo léo dưới từng tán rừng. Khi đi từ con đường nhỏ được lát đá cuội từ cổng chính, các con đường nhỏ lát đá rong rêu, lá cây rơi rụng trên nền dẫn thành các lối nhỏ như những mạch máu li ti nuôi dưỡng các trảng rừng bao quanh. Đi sâu vào vườn đâu cũng thấy rừng và hoa, những hồ nước nhỏ vốn được chặt khúc và quây tạo từ con suối nhỏ bắt nguồn trong vườn nay nằm im lìm cung cấp nguồn nước cho rừng cây. Ở cuối các con đường nhỏ, du khách không khỏi đi đến từ bất ngờ này đến khác khi vô tình khám phá thấy đâu đó trong rừng cây xuất hiện một ngôi nhà xinh xắn, được lắp ghép khéo léo dấu vừa đủ trên các mô đất, nửa kín nửa hở ở các tán cây rừng.

 

Đó là những ngôi nhà gỗ làm chỗ lưu trú cho khách qua đêm. Ban ngày khi ở những ngôi nhà này, được ngửi thấy mùi lá non của cây, nghe tiếng chim hót và tiếng suối luồn miệt mài qua kẽ đã, giữa không gian không chút gợn đục nhiều người nói vui rằng “muốn sống hết cuộc đời ở rừng trong phố”.

 

Gặp “vua lan rừng”

 

Cách đây khoảng 5 năm, thỉnh thoảng ở trên internet và mạng xã hội lại xuất hiện những dòng “quảng bá” kèm theo tâm sự thiết tha mà đọc qua những dòng chữ ấy nhiều người lầm tưởng đây là một thanh niên trẻ tự lập vườn hoa để mời gọi người tới rong chơi. Khu vườn lúc ấy quá đơn sơ, gượng ghép. Thật bất ngờ khi đầu tháng 7 này lạc vào Troh Bư, chúng tôi biết chủ nhân ấy là một người đàn ông đang là công chức nhà nước – tuổi ngoài 40 đang làm việc ổn định ở một cơ quan nhà nước. Người đàn ông ấy đã gần như dành hết thời gian ngoài công việc của mình trong 21 năm để đi nhặt nhạnh từng cây hoa, vun xới từng nắm đất để nuôi dưỡng vườn Troh Bư đến hôm nay.

 

Ông Đỗ Tuấn Hưng là một trong hai chủ nhân hiện tại  của Troh Bư. Câu chuyện Hưng gầy dựng Khu bảo tồn lan rừng vườn Troh Bư bắt nguồn từ tình yêu đối với loài lan rừng – loài hoa thuộc về rừng núi, cánh lá xơ gầy và sớm nở sớm tàn. Năm 1995, trong một lần đi giúp bạn thu hoạch mía ở khu đất làm Troh Bư bây giờ, Hưng phát hiện ra “lũng cá lóc” là một “hòn non bộ, tiểu cảnh” ẩn dấu dưới những trảng cỏ tranh, nương mía, khoai mì của người dân. Rồi Hưng về gom góp toàn bộ tiền của, vay mượn thêm bạn bè, đạp xe tới từng hộ gia đình Ê Đê có đất ở Troh Bư để trình bày tâm nguyện muốn được biến khu đất “lũng cá lóc” hoang hoá đó trở lại nét rừng xưa. Người Ê Đê coi đất đai là sinh kế, là cuộc sống nhưng họ cũng yêu rừng. Khi nghe ý tưởng lập rừng ngay giữa buôn mọi người đều sẵn sàng để đất lại cho Hưng.

 

“Hồi đó toàn bộ khu đất này chỉ còn là đất trống, lơ thơ gốc cây rừng bụi đã bị chặt sát cội để trồng mía, khoai mì hoặc bị bỏ hoang. Mình mua về lúc đầu tính làm nông trang trồng cây ăn quả, kết hợp tái tạo rừng để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng sức mình không đã thắng nổi được tốc độ sinh sôi nảy nở của cây rừng và mình hiểu đó là sức mạnh của tự nhiên; khi thấy cây rừng lên nhanh quá lấn át cây ăn quả mình đã chấp nhận tuân theo tự nhiên, để đấy cho nó thành rừng  thật luôn”.

 

Con người có thể già đi, nhưng thiên nhiên thì khi bị quên lãng mọi thứ sẽ càng sinh sôi. Đó là lí do mà đến năm 2013 khi giật mình nhìn lại, khu vườn của Hưng đã trở thành.... một khu rừng thật sự. Cây cối ngày nào còn mới nảy chồi giành giật sự sống nay đã biến thành cây trưởng thành, to như bắp đùi. Trong vườn nay đã có nhiều cây bằng lăng, cây rừng các loại khác lớn như cây mẹ, toả bóng mạnh mẽ giữa đất trời.

 

Ông Hưng là người chơi lan rừng nổi tiếng ở Đắk Lắk, khác với lứa chơi lan đầu tiên ở Đắk Lắk ông chọn gu chơi thuần lan rừng. Những cây hoa lan mảnh khảnh, xương xẩu và dấu mình ở rừng sâu bỗng phun hoa mãnh liệt khi mùa lan về làm Hưng mê đắm. Rồi từ khi biết lan rừng càng xanh tươi khi được sống trong môi trường tự nhiên, ông lại dành hết thời gian nghỉ đi vào rừng nhặt từng cọng lan về gắn ghép vào từng gốc cây trong vườn. Rừng cành xanh tốt, chim muông càng về nhiều, lan rừng càng sinh sôi nảy nở. Hiện nay ông được mệnh danh là “vua lan rừng” ở Đắk Lắk với bộ sưu tập hơn 10.000 cá thể lan trong tổng số 200 loài lan khác nhau.

 

Để gìn giữ, phát triển khu vườn đậm chất rừng của mình, đầu năm 2016 ông Hưng quyết định bắt tay với một người bạn trẻ khác để khai thác du lịch sinh thái. Người này đã tích cực đầu tư mua thêm đất, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác du lịch. Vườn Troh Bư nhờ đó như được tiếp thêm nguồn sinh khí. Hiện rừng cây và vườn lan của ông Hưng đã  trở thành khu bảo tồn lan rừng đầy giá trị ngay sát trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, một Troh Bư xanh mướt cây rừng như ngày xưa và là một điểm tham quan du lịch được nhiều người ở Dak lak và các tỉnh thành khác yêu thích.

Cuối tháng 4/2017 vừa qua, Vườn Troh Bư đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) xác nhận kỷ lục đối với kỷ lục Bộ sưu tập bản tồn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam và cũng đồng xác nhận luôn 2 kỷ lục khác nữa là Thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất; Dàn chiêng đá cổ xưa, nguyên bản nhiều thanh nhất (30 thanh). Cả 3 kỷ lục này đều đang được lưu giữ tại Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk).

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Tin tức khác