Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư hiện đang bảo tồn 10.000 cá thể của 200 loài lan. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư, buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn không chỉ là nơi lưu giữ nguồn gene lan rừng quý giá mà còn là điểm tham quan dã ngoại thiên nhiên lý tưởng đối với nhiều du khách khi đến Đắk Lắk.

Với nhiều nét độc đáo, khu bảo tồn này vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) vinh danh có bộ sưu tập bảo tồn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam; giàn chiêng đá cổ xưa nguyên bản nhiều thanh nhất và thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam.

Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư (do ông Nguyễn Tuấn Hưng, sinh năm 1972, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk làm chủ) nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12km về phía Tây theo hướng tỉnh lộ 1 (hướng đi Trung tâm du lịch Buôn Đôn).

[Ngất ngây với những mùa hoa tạo nên thương hiệu "Sắc màu Tây Bắc"]

Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư có diện tích 5ha, tại buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Dàn chiêng đá cổ 23 thanh được trưng bày tại Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư, Buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Troh Bư là khu rừng bán thường xanh, gỗ tái sinh đặc trưng cho hệ sinh thái rừng khộp Tây Nguyên với diện tích 5ha. Theo tiếng Êđê, Troh Bư có nghĩa là “lũng cá lóc." Trước đây, Troh Bư là rừng tự nhiên bị người dân phá để trồng hoa màu nên trở thành các đồi trọc. Do có nhiều dòng suối chảy quanh tạo thành các hũng sâu nên cây cối ở Troh Bư phát triển nhanh, xanh tốt quanh năm, đồng bào Êđê ở buôn Niêng 3 thường đến đây đánh bắt cá, trồng khoai…

Vài lần đến Troh Bư, ông Nguyễn Tuấn Hưng đã yêu mến vùng đất này và mua lại Troh Bư để trồng càphê, cây ăn quả, phát triển du lịch vườn. Tuy nhiên, sau nhiều năm thấy cây gỗ rừng ở Troh Bư tái sinh nhanh nên ông Hưng đã quyết định để Troh Bư phát triển thành một khu rừng nhỏ mang đặc trưng rừng Tây Nguyên và sưu tầm các loại lan rừng đưa về Troh Bư bảo tồn.

Trong suốt hơn 20 năm (từ năm 1995 đến nay), ông Hưng đã sưu tầm và mua lại lan rừng từ người dân về gắn trên cây rừng ở Troh Bư để chăm sóc. Đến nay, Khu bảo tồn Troh Bư đã phát triển được 10.000 cá thể của 200 loài lan; trong đó, có nhiều lại lan quý ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên như giả hạc, nghinh xuân, hoàng thảo thái bình, long tu, thủy tiên…

Tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên được trưng bày tại Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Chiếc thuyền độc mộc bằng gỗ sao, dài 9 mét, rộng 1,75 mét, lớn nhất Việt Nam được trưng bày tại Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Nhà sàn cổ của người Ê đê trong Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Ngoài ra, Khu bảo tồn Troh Bư hiện còn lưu giữ chiếc thuyền độc mộc bằng gỗ sao nguyên khối lớn nhất Việt Nam, có chiều dài 9m, rộng 1,75m, cao 1,2m, do nghệ nhân Nai Nen Lào (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đục từ năm 1998; giàn chiêng đá có 23 thanh, ngắn nhất 0,6m, dài nhất 1,5m bằng đá mẹ bazan cổ xưa, được giữ nguyên bản không qua chế tác, khi gõ phát ra âm thanh như giàn cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số và hàng chục bức tượng gỗ dân gian dân tộc Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, ngoài việc tiếp tục bảo tồn, nhân rộng nguồn gene lan rừng, Troh Bư còn bảo tồn một số loài thú hoang dã như, chim công, trĩ, thỏ, rùa, sóc bay, heo rừng và giống gà đồng bào Êđê bản địa. Troh Bư đang hoàn thiện khu “vườn muôn hoa” với 1.000 loài hoa, các khu lưu trú, khu ẩm thực Êđê, khu vui chơi phục vụ du khách đến tham quan, dã ngoại.

Chị Kiều Thị Xuân (du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết chị đã đến Đắk Lắk nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên gia đình chị đến tham quan Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư. Các thành viên trong gia đình chị rất ngạc nhiên vì ở Troh Bư khí hậu mát mẻ, có nhiều cây xanh, đặc biệt được thỏa thích ngắm nhìn hàng trăm cây lan rừng.

Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư hiện được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch sinh thái tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm Troh Bư thu hút hơn 10.000 khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan./.