Du lịch văn hóa - sinh thái đang mất dần chỗ đứng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2375
  • Tổng lượt truy cập 11,497,245

Fanpage facebook

  • Du lịch văn hóa - sinh thái đang mất dần chỗ đứng

Ngày đăng: 23/09/2013, 09:39 am
Lượt xem: 1819

Vừa rồi mình thấy bài viết này đọc mà …xót cho du lịch Đắk Lắk quá, lúc nào cũng lay hoay. Lữ hành thì trách các điểm du lịch làm không tốt còn các điểm thì lại nản với các công ty Lữ hành.  Có miếng bánh ngon thì các công ty Lữ hành lủm hết còn các điểm thì vất vả tự xoay sở để sống sót. Thực tế cho thấy ở Ban mê  bây giờ các công ty Lữ hành mọc lên như nấm còn các điểm thì chết dần, chết mòn. Làm du lịch kiểu ăn xổi ở thì, xây nhà từ nóc như thế này thì không mất khách mới lạ.

Thực ra mình nghĩ là do mọi người tự mình làm khó mình thôi. Chẳng nói đâu xa ngay Tour Buôn Đôn thôi, muốn nó thật hấp dẫn nhưng lại không muốn phát sinh thêm dù chỉ là 10.000đ uống cà phê, hay 100.000đ để có một cốc cà phê chồn thật trong khung cảnh tự nhiên của Khu bảo tồn lan rừng duy nhất tại Việt Nam. Mình cũng đang tòan phải lay hoay tự tìm khách và …tự sứơng vì ai đến cũng bảo không ghé Troh bư đúng phí chuyến đi Buôn Đôn. Hihi!

 

Du lịch văn hóa - sinh thái đang mất dần chỗ đứng
Cập nhật lúc 09:59, Thứ Ba, 17/09/2013 (GMT+7)

Đầu tư không tương xứng, sản phẩm phục vụ du khách lại đơn điệu… và đặc biệt việc đánh giá, chia sẻ lợi ích từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giữa các ngành nghề thiếu hài hòa… là những nguyên nhân khiến ngành “công nghiệp không khói” ở tỉnh ta lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ đặt dấu chấm hết cho loại hình du lịch văn hóa-sinh thái được đánh giá là giàu tiềm năng nhất trên cao nguyên này.

Kỳ I: Du khách nản lòng

Những ngày nghỉ trong dịp Lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành trên cả nước đến Dak Lak ít hơn mọi năm. Tại các điểm du lịch văn hóa - sinh thái nổi tiếng như Buôn Đôn, Hồ Lak, cụm thác Gia Long - Dray Nur - Trinh Nữ, thác Krông Kmar - Krông Bông… chỉ thu hút được khách phần lớn là người dân địa phương đến vui chơi trong ngày, còn khách phương xa tìm đến thăm thú và lưu lại ở đây hầu như không đáng kể - đó là đánh giá và nhìn nhận chung của các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Cưỡi voi tham quan là sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái có sức hút nhất hiện nay ở Dak Lak.
Cưỡi voi tham quan là sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái có sức hút nhất hiện nay ở Dak Lak.

Vì sao có tình trạng này? Một hướng dẫn viên du lịch của công ty lữ hành có trụ sở ở Buôn Ma Thuột tiết lộ: du khách có xu hướng quay lưng với du lịch Dak Lak cũng dễ hiểu thôi, phần thì họ quá nhàm chán, phần thì họ có cảm giác như mình bị lừa khi tận mắt chứng kiến những sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái ở đây kém chất lượng, thậm chí quá hời hợt và qua loa của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn! Vị hướng dẫn viên của công ty lữ hành còn chua chát rằng: lắm lúc cũng thấy chạnh lòng, vì khi giới thiệu, quảng bá các tour, tuyến cho du khách thì ngon lành lắm, đến lúc đưa các đoàn tham quan xuống thực tế lại khác, khiến nhiều người thất vọng. Biết vậy, đành phải tìm mọi cách “chống chế” để có thể làm vừa lòng du khách, chứ không còn biện pháp nào hay hơn. Và cứ nhiều lần như thế lặp đi, lặp lại buộc người ta nghĩ mình là đối tác thiếu tin cậy. Vì thế đến nay, hầu hết 21 công ty kinh doanh lữ hành ở Dak Lak đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hút du khách đến đây vì những nguyên nhân vừa nêu.

Tuy nhiên, xem xét vấn đề này đến cùng thì không thể trách các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn trong “sứ mệnh” tìm kiếm, thu hút du khách đến với Dak Lak được, vì họ không thể bắt doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch (nhất là loại hình du lịch văn hóa- sinh thái) làm theo ý mình. Nói như ông Hoàng Nhật Nam - Giám đốc Công ty Du lịch Ngày Mới: việc đầu tư hạ tầng cơ sở, thiết kế và xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng nào là do các doanh nghiệp khai thác-kinh doanh du lịch tự chủ và quyết định, những đơn vị làm lữ hành ở đây chỉ có vai trò tham mưu, hướng dẫn mà thôi. Do vậy, tình trạng khập khểnh “quảng cáo một đường, chất lượng sản phẩm một nẻo” trong ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh là “lỗ hổng” khiến du lịch văn hóa - sinh thái ở đây đánh mất dần hình ảnh lẫn vị thế trong lòng du khách. Không ít đơn vị kinh doanh lữ hành than phiền: nhiều lần ký hợp đồng với một số đối tác ở các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam đưa khách lên Dak Lak tham quan theo thỏa thuận trước cho từng tour (với sản phẩm du lịch đặc thù được giới thiệu như cưỡi voi, bơi thuyền, vượt thác, trekking rừng, ngủ nhà dài và sinh hoạt với người đồng bào bản địa…) nhưng khi đến nơi, du khách yêu cầu được thỏa mãn, thụ hưởng các sản phẩm đó thì một số công ty kinh doanh du lịch không thể đáp ứng được, hoặc đáp ứng một cách qua loa, hời hợt. Ví như tại khu Du lịch thác Gia Long-Dray Nur-Trinh nữ của Công ty Du lịch Đặng Lê (Krông Ana), hay Công ty Du lịch Thanh Hà (Buôn Đôn), Bandon tourmex của Công ty Cao su Dak Lak… có một số hoạt động, dịch vụ như vượt thác, trekking rừng, bơi thuyền đã không còn tồn tại (vì nhiều lý do như sông suối khô kiệt, rừng bị tàn phá và không ngừng bị thu hẹp), nhưng trên nhiều phương tiện quảng bá, giới thiệu của họ vẫn ghi đầy đủ các sản phẩm du lịch trên để thu hút du khách.

Theo ông Đặng Xuân Vũ - Công ty Du lịch DakViet: chưa nói đến chuyện “bể hợp đồng” dẫn đến doanh nghiệp (kinh doanh lữ hành cũng như kinh doanh du lịch) thua thiệt trước mắt, mà sâu xa hơn - với cung cách phục vụ như vậy khiến du khách không thể không nản lòng, buộc người ta tìm đến với những vùng, miền có sản phẩm du lịch cùng hệ và cùng lợi thế, nhưng chất lượng phục vụ tốt hơn Dak Lak. Một số công ty lữ hành khác cũng có phản ánh tương tự và họ đã thận trọng hơn trong việc chào mời, ký kết việc đưa đón du khách khi đến đây. Cách tốt nhất, theo họ là trong lịch trình từng tour, tuyến không cam kết cụ thể sản phẩm du lịch nào chắc chắn (ngoài thời gian, địa điểm, ăn, ngủ), mà tùy vào thực tế mỗi nơi để hướng dẫn và phục vụ du khách theo kiểu “có món gì, ăn món đó” (!) Cách làm “cực chẳng đã” này cũng để đối phó với tình cảnh du lịch văn hóa-sinh thái trên địa bàn tỉnh đang được các doanh nghiệp khai thác thiếu bài bản và rất không chuyên nghiệp như hiện nay. Tất nhiên, theo nhiều người trong cuộc: làm lữ hành là làm cầu nối giữa “thượng đế” với doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa phương mà không chủ động được “kịch bản” thì việc thu hút du khách đến Dak Lak càng trở nên mờ mịt và nan giải. Chính điều đó là câu trả lời vì sao lượng khách đến với vùng đất này trong thời gian qua và sắp tới thông qua “kênh” lữ hành có thể sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo doanh thu, lợi nhuận của ngành kinh tế du lịch Dak Lak nói chung không đạt mục tiêu như mong đợi.

Ông Lê Hoàng Cơ - Hiệp hội Du lịch Dak Lak đánh giá: một ngành kinh tế như du lịch mà trong đó yếu tố mắt xích quan trọng như lữ hành còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hút khách hàng về địa phương mình thì đó là vấn đề rất đáng quan tâm. Theo ông Cơ, vấn đề đáng quan tâm ở đây không nằm ngoài điều “cốt tử” là các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch văn hóa-sinh thái trên địa bàn đã bỏ trống, hoặc thiếu quyết tâm trong việc xây dựng hình ảnh của mình thông qua những sản phẩm du lịch có chiều sâu và đồng bộ để đưa đến “thông điệp” hấp dẫn, chuẩn xác cho các đơn vị lữ hành giới thiệu, quảng bá… cùng góp sức biến Dak Lak thành điểm đến thật sự của du khách khi lên Tây Nguyên. Cũng từ nhận thức ấy, về phía Hiệp hội Du lịch cho biết: thời gian qua, nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành cùng nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Dak Lak đã ngồi lại với nhau và đã có nhiều đợt xúc tiến quảng bá, tìm kiếm, hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực phía Bắc và Nam bộ nhằm vực dậy ngành kinh tế quan trọng này. Song, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện, thậm chí gần 2 năm qua, lượng khách đến đây vẫn không tăng lên, du khách có xu hướng quay lưng lại với loại hình du lịch văn hóa-sinh thái là dấu hiệu bất bình thường, cần phải được xem xét trên các mặt: nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, chính sách quy hoạch, phát triển ngành du lịch của địa phương, trong đó đặc biệt lưu tâm đến vấn đề sử dụng và chia sẻ nguồn tài nguyên sao cho hợp lý, hài hòa…nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung.

Theo Sở VH-TT-DL, lượng khách đến Dak Lak tham quan nhân dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua (kể từ ngày 31-8 đến 3-9) quá thấp so với những năm trước. Trong số hơn 13.200 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa đến Dak Lak trong thời gian này chỉ có 1.527 khách đăng ký lưu trú với thời gian rất ngắn, 1 ngày-đêm. Còn lại phần lớn chỉ ghé qua rồi sang các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên. Được biết, đây là con số thấp nhất từ trước đến nay.

(Còn nữa)

Đình Đối
http://baodaklak.vn/

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Tin tức khác