Du lịch Tây Nguyên: Những điều trông thấy

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4058
  • Tổng lượt truy cập 11,300,793

Fanpage facebook

  • Du lịch Tây Nguyên: Những điều trông thấy

Ngày đăng: 26/03/2015, 03:22 pm
Lượt xem: 1734

Du lịch Tây Nguyên: “Ăn” vào thiên nhiên

(LĐ) - Số 231 Đặng Trung Kiên
Khu du lịch thác Trinh Nữ (Đắc Nông) đổ nát do bị bỏ hoang từ năm 2012 đến nay.

Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt được ấn định với 17 sự kiện, trong đó có đến 13 sự kiện tổ chức tại Đà Lạt, các địa phương còn lại chỉ tham gia được 1 sự kiện/tỉnh. Vậy trừ Đà Lạt là điểm đến tương đối có thương hiệu, có đầu tư, khai thác các danh thắng quốc gia, còn vùng đất nổi tiếng, giàu văn hóa truyền thống tại các tỉnh Tây Nguyên đang làm du lịch thế nào?

Bài 1: Đầu tư ít, khai thác nhiều

Các doanh nghiệp chỉ ra sức khai thác lợi thế tự nhiên, thương hiệu sẵn có để thu tiền mà không đầu tư được mấy dịch vụ ăn, nghỉ, chơi, giải trí... ra tấm ra món; không tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng... Do vậy hàng loạt khu du lịch xây dựng tại các danh thắng, vùng đất nổi tiếng như hồ Lắc, Bản Đôn (Đắc Lắc), Măng Đen (Kon Tum) đang ế ẩm, đìu hiu.

Ế ẩm, đìu hiu

Thác Trinh Nữ nằm trên dòng sông Sêrêpốk (thị trấn Ea T’ling, Cư Jút, Đắc Nông), vốn là một thắng cảnh nổi tiếng, do Công ty TNHH thương mại - du lịch Đắc Nông quản lý, bị bỏ hoang từ năm 2012 đến nay với tấm biển: “Khu du lịch không đón khách”. Mái nhà tiếp khách sụp một phần, còn khu nhà dài truyền thống dân tộc Ê Đê, nhà chòi khách nghỉ thì đổ nát hoàn toàn. Do làm ăn thua lỗ, Cty này làm thủ tục phá sản, khu du lịch đang chờ nhà đầu tư khác, nhưng không ai muốn vào. Ngoài thủ tục phá sản của Cty thương mại và du lịch Đắc Nông chưa dứt điểm thì thác hết nước, rừng đặc dụng tan hoang cũng làm nhà đầu tư e ngại. Ông Ngô Lãm - Trưởng phòng VHTT huyện Cư Jút - cho biết: “Việc đóng của thác Trinh Nữ làm cho các điểm du lịch khác của huyện bị ảnh hưởng, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Đến khu du lịch thác Thủy Tiên (xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đắc Lắc) càng thảm hại hơn. Toàn bộ khu du lịch được bao quanh bởi một hàng rào gỗ tạm bợ, bên trong chỉ có mỗi chiếc chòi tôn 20m2 cho nhân viên bán vé kiêm trông xe. Trước đây thác Thủy Tiên do một đơn vị khác quản lý, từ đầu năm 2014 được giao DNTN Tâm Lộc, nhưng đến nay cũng chỉ thêm mỗi cái chòi tôn nói trên.

Do không được đầu tư bài bản nên khách du lịch đến đây rất ít, mùa khô nhiều nhất chỉ được 15 người/ngày, mưa xuống không có khách. Cũng vì ế ẩm nên DN tranh thủ nhận giữ xe cho những người dân địa phương vào rừng... hái măng, làm rẫy. Ông Nguyễn Văn Lộc (DNTN Tâm Lộc) cho biết: “Cty cũng có kế hoạch đầu tư cầu treo, khu ẩm thực, nhà nghỉ, tắm thác, dã ngoại sinh thái... nhưng vẫn đang chờ huyện thông qua quy hoạch tổng thể”.

Dưới cái nắng 40 độ C của rừng khộp, Cty CP thương mại và du lịch Bản Đôn làm chòi tôn thấp tè cho du khách... nghỉ ngơi.

Chúng tôi đến Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) lại được chứng kiến nhân viên lũ lượt ra về. Cty còn đang nợ họ 3 tháng lương. Khu du lịch trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương. Các nhân viên cho biết, đây là lần thứ hai khu du lịch này đóng cửa để sửa sang, nhưng không biết... sửa đến bao giờ. Ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng VHTT huyện Buôn Đôn - cho biết: “Ban đầu khu du lịch này cũng được Cty TNHH MTV caosu Đắc Lắc đầu tư khá bài bản, sau khi cổ phần hóa thành Cty CP thương mại và du lịch Bản Đôn thì bắt đầu xuống dốc. Một số ông giám đốc thấy cái gì bán được là bán, bây giờ hoang tàn hết rồi nên rất khó khăn”.

Cam kết một đằng, làm một nẻo

Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na, H.Buôn Đôn, Đắc Lắc, thuộc Chi nhánh Du lịch và khách sạn Biệt Điện - Cty TNHH MTV XNK 2-9 Đắc Lắc) được đánh giá là khu du lịch hoạt động hiệu quả nhất ở các điểm du lịch Đắc Lắc. Nhưng thực tế chỉ nhờ “hưởng xái” thương hiệu Bản Đôn đã có từ hàng chục năm trước, chứ không phải do đầu tư bài bản.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn - thẳng thắn thừa nhận: “Các hình thức kinh doanh vẫn còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí, thư dãn của du khách nên nhiều năm nay trung tâm vẫn không giữ và níu chân được khách ở lại”. Ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn Đôn - đánh giá: “Các đơn vị khai thác du lịch đầu tư rất ít. họ chỉ lợi dụng danh tiếng Buôn Đôn trong quá khứ để thu lợi trước mắt chứ chưa có doanh nghiệp nào đầu tư chiến lược phát triển du lịch lâu dài”.

Đây cũng là thực trạng chung trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Phương Hiếu - Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở VHTTDL giải thích: “Thực ra, khi xây dựng phương án kinh doanh, các đơn vị làm du lịch họ có kế hoạch đầu tư dài hơi cả. Thế nhưng do thiếu tiềm lực kinh tế nên họ mới kinh doanh theo kiểu ăn xổi như vậy”.

http://laodong.com.vn/van-hoa/du-lich-tay-nguyen-an-vao-thien-nhien-252323.bld


* Bài 2:  “Căn bệnh trầm kha” tại các điểm du lịch

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm nay, các doanh nghiệp làm du lịch mãi mê kinh doanh mà “bỏ quên” công tác đảm bảo an toàn, khi kinh doanh du lịch sinh thái như để môi trường bị tàn phá nghiêm trọng; tình trạng buôn bán hàng giả tràn lan  làm du khách mất niềm tin, quay lưng.

Tàn phá môi trường

Hơn 1,3 nghìn ha rừng sinh thái giao cho Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn (xã Krông Na, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc) khai thác du lịch từ năm 2005 nhưng hiện không được quản lý, bảo vệ hợp lý, thường xuyên bị lâm tặc “xẻ thịt” theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”. Trước kia, rừng ở đây được bao phủ bởi hàng loạt cây gỗ quý, to bằng 2, 3 người ôm nay “đốt đuốc” tìm không ra. Vào rừng sinh thái, không khó để phát hiện ra các điểm lâm tặc khai thác gỗ. Cách trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn (hiện đã bỏ hoang) khoảng 1km, chúng tôi chứng kiến nhiều cây cà chít, căm xe, giáng hương còn non, đường kính gốc chỉ 15-30 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Những cây gỗ bị rỗng ruột, lâm tặc “lỡ” đốn nhưng không sử dụng được thì vứt tràn lan, chắn cả lối đi. Vào khu du lịch nhưng tiếng cưa lốc gầm rú vang vọng giữa núi rừng.

Rừng sinh thái của Khu du lịch sinh thái văn hóa Bản Đôn bị lâm tặc “xẻ thịt”.

Ông Y Thông Khăm Niê Kđăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na bức xúc: “Cty bị tê liệt cả rồi, nhân viên giờ còn mấy người thôi, không có ai quản lý bảo vệ rừng cả. Trong số hơn 1.3 nghìn ha rừng sinh thái được giao quản lý, khai thác thì bị lâm tặc phá gần hết. Những cây gỗ to,  đường kính 50cm trở lên bị “xẻ thịt”, chỉ còn những cây gỗ nhỏ, không có giá trị thì lâm tặc mới tha thôi. Việc phá rừng diễn ra từ nhiều năm nay nhưng Cty bất lực, không có biện pháp ngăn chặn. Cty liên tục cầu cứu xã phối hợp bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng năm 2013, CAX Krông Na phối hợp với kiểm lâm huyện bắt 4 vụ khai thác gỗ trái phép”. Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VH-TT H. Buôn Đôn “tiếc đứt ruột”: “Trước kia khu rừng này tái sinh rất tốt, rất đẹp, còn bây giờ thì... tan hoang, ảnh hưởng rất lớn đến du lịch”.

Trong khi đó, nhiều hộ dân ở buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn nhiều năm nay sử dụng nước sông Sêrêpốk chảy qua để sinh hoạt phải “kêu trời” vì rác thải từ Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na) đổ xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước, đe dọa đến sức khỏe. Trung tâm du lịch còn được giao quản lý hồ Ea Rông (xã Krông Na) để khai thác du lịch nhưng nhiều năm nay vẫn chưa sử dụng khiến cỏ, rác mọc um tùm, gây mất vệ sinh cảnh quan môi trường.

Du lịch mất an toàn

Thác Thủy Tiên (H. Krông Năng, Đắc Lắc) “hung dữ”, nước sâu, lại chảy cuồn cuộn qua nhiều ghềnh thác nhấp nhô nhưng đơn vị quản lý lại không treo biển cảnh báo, chỉ dẫn cho du khách. Điểm du lịch này cũng “bỏ quên” công tác cứu hộ, cứu nạn khi không bố trí một nhân viên cứu hộ nào túc trực để phòng trường hợp xấu xảy ra. Trên thực tế, từ năm 2014 đến nay, tại các điểm du lịch ở Đắc Lắc đã xảy ra ít nhất 4 vụ đuối nước khiến 6 người tử nạn. Tại Khu du lịch thác Krông K’mar (H. Krông Bông) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý xảy ra 2 vụ khiến 3 người tử nạn. Tại khu du lịch thác Dray Nur (xã Dray Sáp, H. Krông Ana), do Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê quản lý xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 3 du khách. Không lâu sau đó, khu du lịch đã phải đóng cửa để cải tạo. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an toàn tại các khu du lịch.

Nhiều cầu treo ở khu du lịch chưa đảm bảo an toàn cho du khách.

Tại các điểm du lịch ở H. Buôn Đôn như Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (buôn N’dếch, xã Ea Huar), Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na), một trong các hình thức kinh doanh du lịch hút khách là hệ thống cầu treo. Thế nhưng cầu treo xây dựng rất tạm bợ, được bắt qua những cây si. Theo quan sát của chúng tôi, những thanh tre, gỗ để làm cầu treo hiện đã cũ kĩ, dễ gãy, dây cáp treo thì gỉ sét..., chưa đảm bảo an toàn. Cầu treo đông khách tham quan, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ chẳng thua kém sự cố sập cầu treo Chu Va 6 (H. Tam Đường, Lai Châu).

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch- Sở VH-TT&DL Đắc Lắc, trước kia, các đơn vị quản lý du lịch ở H. Buôn Đôn chỉ xây dựng cầu treo dựa trên kinh nghiệm. Qua kiểm tra thực tế, thấy 2 cầu treo này chưa an toàn nên Sở đã đề nghị 2 đơn vị quản lý sửa chữa cho đúng quy trình, kỹ thuật xây dựng cầu treo hiện đại.

Hàng giả tràn lan

Trong vai khách du lịch, chúng tôi xâm nhập vào các quầy bán hàng lưu niệm cạnh Trung trâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na), tận mắt chứng kiến tình trạng buôn bán hàng giả diễn ra tràn lan. Khu du lịch này có hàng chục quầy nhưng chỗ nào cũng bán lông đuôi voi, thậm chí cả... đuôi voi. Mỗi sợi lông đuôi voi được bán với giá dao động từ 200 nghìn đồng, còn đuôi voi được bán với giá hơn 3 triệu đồng.

Các quầy hàng lưu niệm bày bán lông đuôi voi giả,
khiến du khách mất niềm tin.

Một chủ tiệm bán đồ lưu niệm chào mời: “Mua lông đuôi voi đi em, chỗ anh bán đồ thật thôi, mua bao nhiêu cũng có hết”. Nói rồi, chủ tiệm cầm một nắm gần 100 sợi lông đuôi voi đưa khách xem. Khi chúng tôi cầm sợi lông đuôi voi bỏ vào nước để kiểm tra tính thật giả thì chủ tiệm vội vàng ngăn cản, rồi tìm cách “đuổi khéo”... Ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn thừa nhận rất nhiều quầy bán lông đuôi voi giả nhưng Cty cũng bất lực.

Theo ông Đức, từ khi xây dựng khu du lịch ở đây, Cty chỉ kinh doanh các hoạt động như nhà hàng, cầu treo, cưỡi voi, còn những tiệm bán đồ lưu niệm bên cạnh là do người dân địa phương tự đầu tư nên Cty không thể kiểm soát được. “Việc buôn bán hàng giả du khách cũng có phản ánh với chúng tôi. Họ rất thất vọng, mất niềm tin khi mua hàng giả. Dù không bán nhưng đơn vị kinh doanh như chúng tôi phải chịu vạ lây, khách du lịch quay lưng. Biết thế nhưng chúng tôi chẳng làm gì hơn”, ông Đức nói.

Hữu Phúc

* Bài cuối: Hướng đi nào cho du lịch tây nguyên?

(Cadn.com.vn) - Từ nhiều năm nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo kiểu “ăn xổi”, các hình thức kinh doanh “na ná” nhau, không tạo bản sắc riêng, dẫn đến du lịch đơn điệu, thường bị khách quay lưng, hoặc đến một lần rồi “chạy mất dép”. Hướng khả dĩ nhất để “giải cứu” du lịch mà các doanh nghiệp đang áp dụng là tiến hành đầu tư sâu, khép kín, hoặc đầu tư dựa trên cái có sẵn để tạo nét riêng, không “đụng hàng”.

Đến một lần rồi... thôi

Đắc Lắc hiện có 11 khu, điểm du lịch. Thực tế cho thấy còn nhiều điểm hoạt động không hiệu quả, ế khách. 4/15 di tích thắng cảnh cấp quốc gia chưa có doanh nghiệp đầu tư. Phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Thực tế phũ phàng là khách du lịch đến Đắc Lắc để tham quan một lần rồi “chạy mất dép”. Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn) được đánh giá là điểm du lịch hiệu quả nhất Đắc Lắc nhưng ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn vẫn thừa nhận: “Khách đến chỗ chúng tôi nửa ngày rồi đi ngay.

Số lượng du khách đến tham quan lần 2  rất ít. Chúng tôi không giữ được khách”. Nguyên nhân thì nhiều. Các điểm kinh doanh du lịch cho rằng đường sá giao thông xuống cấp, không thuận lợi khiến việc đi lại khó khăn nên dù khách muốn đến tham quan cũng phải chùn chân. Rồi thủy điện xây dựng khiến nhiều sông, suối, thác nước bị khô cạn, mất cảnh quan du lịch. Một nguyên nhân khác được các ngành chức năng chỉ ra là du lịch có xu hướng bị Tây hóa. Nhiều điểm du lịch bán mũ cao bồi, áo Tàu và những sản phẩm mang tính công nghiệp, còn những sản phẩm của địa phương, thể hiện sự khéo léo, trình độ tinh hoa của đồng bào tại chỗ không có. Du lịch vì thế không có nét đặc trưng, thương hiệu và hơi thở  riêng.

Rồi các điểm du lịch kinh doanh các mặt hàng đơn điệu, lại “na ná” nhau nên du khách chỉ đi một nơi là có thể khám phá hết các điểm còn lại. Tại H. Buôn Đôn, có 4 điểm kinh doanh du lịch nhưng giải trí thì lui tới vẫn chỉ có cầu treo, cưỡi voi, ăn uống thì cơm lam, gà nướng..., nên du khách về H. Buôn Đôn thì bị hút về Trung tâm du lịch Buôn Đôn vì đơn vị này có tiếng hơn. Các điểm du lịch nhỏ lẻ, “sinh sau đẻ muộn” khác thì vắng khách nên nảy sinh vấn đề “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Một nguyên nhân khác không thúc đẩy du lịch phát triển xuất phát từ bản thân các doanh nghiệp. Ông Trương Bi, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đắc Lắc cho rằng, nhiều năm nay, các đơn vị làm du lịch nhưng không có chuyên môn du lịch, chưa biết khai thác ý nghĩa, bản sắc văn hóa của vùng đất mà họ kinh doanh nên không thu hút và giữ được khách. Ông Bi phân tích, mỗi vùng đất đều có ý nghĩa, văn hóa riêng. Bản thân anh phải giới thiệu cho người ta biết rõ không gian du lịch anh đang khai thác nằm trên vùng đất nào, có ý nghĩa, văn hóa gì. Ví dụ như về H. Buôn Đôn thì chỉ riêng việc kể cho khách biết về chuyện săn bắt voi rừng, biểu diễn văn hóa cồng chiêng thì khách đã mê tít rồi. Đằng này các điểm du lịch họ không biết, không làm được thì khách chán cũng phải.

Các điểm du lịch bày bán các sản phẩm công nghiệp, không có sản phẩm du lịch địa phương khiến du lịch mất bản sắc.

Cần thẩm định kỹ nhà đầu tư

Trước thực trạng khó khăn chung, các khu, điểm du lịch đã có những kế hoạch, hướng kinh doanh để vượt khó. Phương án được chọn là tiến hành đầu tư sâu, khép kín hoặc đầu tư dựa vào thế mạnh sẵn có nhằm tạo tính riêng, không “đụng hàng”. Tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc), đơn vị quản lý có kế hoạch xây dựng khu du lịch khép kín. Ngoài kinh doanh nhà hàng, cầu treo, cưỡi voi như hiện nay, khu du lịch này sẽ cải tạo hồ Ea Rông (xã Krông Na) để xây dựng nhà hàng thủy tạ, kết hợp với đạp vịt, câu cá thư giãn, khu vui chơi.

Để giữ khách buổi đêm thì xây dựng khu lưu trú, ngoài ra hợp đồng với đội cồng chiêng để biểu diễn phục vụ du khách. Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường-VQG Yok Đôn (H. Buôn Đôn) dù có thế mạnh là khu rừng đặc dụng rộng lớn nhưng du lịch sinh thái nơi đây vẫn èo uột khách. Đơn vị đang có kế hoạch xây dựng vườn thú bán hoang dã giữa rừng. Vườn thú sẽ tập hợp những con thú bị người dân săn bắn bị thương, nuôi dưỡng trái phép bị Vườn tịch thu, thả vào đây để chăm sóc, theo dõi trước khi thả về rừng.

Việc xây dựng vườn thú bán hoang dã có ý nghĩa ngoài việc sẽ hút được khách du lịch, còn phục vụ nghiên cứu khoa học, sau nữa là phục vụ công tác bảo tồn giống nòi. Những phương án kinh doanh này được đánh giá có tính hiệu quả cao, thế nhưng hiện vẫn nằm trên giấy vì chưa có vốn triển khai.

Đánh giá về tình hình du lịch trên địa bàn, ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VH-TT H. Buôn Đôn cho biết: “Các đơn vị khai thác du lịch đầu tư rất ít. Họ chỉ lợi dụng danh tiếng Buôn Đôn trong quá khứ để thu lợi trước mắt chứ chưa có doanh nghiệp nào đầu tư phát triển du lịch lâu dài”. Thực tế này là thực trạng chung diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT&DL giải thích: “Thực ra, khi xây dựng phương án kinh doanh, các đơn vị làm du lịch họ có kế hoạch đầu tư dài hơi cả. Thế nhưng do thiếu tiềm lực kinh tế nên họ mới kinh doanh theo kiểu ăn xổi như vậy”. Theo ông Trương Bi, ngành du lịch phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào nhà đầu tư. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ ý nghĩa của vùng đất mình đang làm du lịch. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác, giới thiệu, quảng bá những điểm mạnh, đặc trưng của vùng đất ấy cho du khách biết, nhằm tạo cho họ sự thích thú.

Các điểm du lịch cần tạo bản sắc riêng từ ẩm thực, quà lưu niệm; tạo không gian văn hóa cho khách và người dân bản địa giao lưu văn hóa. Cũng chính vì vai trò quan trọng đó nên khi đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư, chính quyền địa phương cần thẩm định khả năng thực sự của các nhà đầu tư, xem họ có tận dụng thế mạnh này để phát triển du lịch hay chỉ lợi dụng vùng đất ấy để làm giàu, tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ lợi dụng khai thác chứ không đầu tư như hiện nay.

Hữu Phúc

http://www.cadn.com.vn/news/113_121750_du-li-ch-tay-nguyen-nhu-ng-die-u-trong-tha-y-3-.aspx

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Tin tức khác