Lan trong vườn Troh Bư - Ảnh: Tuấn Hưng
|
Trả lan về rừng
Nằm giữa cung đường từ Buôn Ma Thuột đi về vùng đất huyền thoại Buôn Đôn (Đắk Lắk), vườn Troh Bư nép mình phía trong tấm biển chỉ đường khiêm nhường gần cầu Ea Nuôl. Giữa mùa khô, bước vào khu vườn, cái nóng rát rạt của cao nguyên dường như biến mất, ai nấy đều không khỏi ngỡ ngàng khi lạc giữa một không gian tươi mát, thẫm xanh sắc lá, rực rỡ sắc hoa. Một bộ sưu tập lan rừng giăng mắc trên hầu khắp các cây rừng tràn đầy sức sống trong vườn.
Anh Đỗ Tuấn Hưng, chủ nhân khu vườn Troh Bư, chia sẻ rằng chỉ thích trả lại cho lan không gian nguyên thủy của nó là rừng tự nhiên. Vì vậy, từ nhiều năm qua anh làm chuyện ngược đời là sưu tầm lan rừng của nhiều người chơi ở phố thị chở ngược về cho sinh tồn, phát triển trong khu rừng riêng biệt này.
Vườn Troh Bư hiện có khoảng 200 loại lan rừng đặc trưng của vùng Tây nguyên như giáng hương, thủy tiên, quế lan hương, nghinh xuân, long tu, giả hạc, phượng vĩ, sóc lào, hồng nhạn… Từ khu rẫy gần 5 ha ban đầu chỉ là cà phê cằn cỗi, anh Hưng mất khá nhiều thời gian để cây rừng tự mọc lên, phát triển thành “ốc đảo” lan tự nhiên. Khu vườn nằm trong một thung lũng nhỏ, có suối len lỏi băng qua đã trở thành không gian lý tưởng cho các loài lan sinh sôi, nảy nở. Không chỉ có cây rừng và lan, vườn Troh Bư còn điểm xuyết sinh động với những công trình mang dáng dấp văn hóa Tây nguyên. Rải rác trong vườn là những nhà sàn nhỏ, nổi bật là ngôi nhà dài truyền thống, trưng bày các bộ chiêng đồng, trống cổ, cùng nhiều vật dụng sinh hoạt, săn bắn, làm rẫy của người Êđê… Đặc biệt, ở đây có bộ chiêng đá 20 thanh, khi diễn tấu âm thanh được cho rất lạ, độc đáo. Cạnh đó là chiếc thuyền độc mộc lớn thuộc hàng kỷ lục ở Tây nguyên, dài 9 m, rộng hơn 1,7 m, do một nghệ nhân ở Buôn Đôn chế tác từ một cây sao cổ thụ nguyên khối, sau đó nhượng lại cho chủ nhân khu vườn. Anh Hưng cho biết một đại gia ở Sài Gòn từng đề nghị đổi chiếc xe hơi du lịch giá vài trăm triệu đồng để lấy chiếc thuyền độc mộc này nhưng anh lắc đầu…
Mơ “ngũ bách lan viên”
Vài năm nay, để bù lại một phần chi phí cho công việc bảo tồn lan rừng, anh Hưng “lấy vườn nuôi vườn” bằng việc lập trang trại du lịch sinh thái trong vườn, thu hút du khách, đa phần là người trẻ, đến chiêm ngưỡng lan rừng và tận hưởng các dịch vụ vui chơi hòa mình với thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực các món vùng cao… “Vườn treo Babylon thu nhỏ”, “vương quốc”, “hiệp chủng quốc” lan rừng… là những lời ca tụng của du khách khi đến thăm bảo tàng lan độc đáo này. Theo anh Hưng, khu vườn Troh Bư cũng đã giúp thêm cho du khách trải nghiệm cùng thiên nhiên, qua đó nâng niu, giữ gìn tài nguyên, môi trường rừng...
Gần 20 năm gắn bó, tôn tạo vườn Troh Bư nhưng anh Hưng cho biết vẫn chưa thỏa mãn. Những dịp rảnh rỗi, anh vẫn cùng bè bạn vào Vườn quốc gia Yók Đôn và các khu rừng già ở Đắk Lắk tiếp tục sưu tầm thêm các loài lan mới. “Mơ ước của tôi là khu vườn này mở rộng và có hơn 500 loài lan, chủ yếu là lan rừng, để tái tạo một “Ngũ bách lan viên” nổi tiếng thời nhà Trần từng được ghi trong sách sử”, anh Hưng bộc bạch.
Theo tiếng Êđê, “Troh Bư” nghĩa là thung lũng cá lóc. Tên gọi bắt nguồn từ một truyền thuyết kể về thời xa xưa, khi người dân ở một vùng đất nọ gặp hạn hán, mất mùa, trở nên đói khát, phải cùng di cư đến nơi này thì gặp thung lũng cây cối xanh tươi, đất đai màu mỡ, các khe suối đầy cá lóc giúp có nhiều thức ăn. Nhờ đó, buôn làng qua được cơn bĩ cực, sau đó quyết định định cư trên vùng đất Troh Bư.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook