Đệ nhất mai vàng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4101
  • Tổng lượt truy cập 11,292,916

Fanpage facebook

Ngày đăng: 21/05/2013, 09:35 am
Đệ nhất mai vàng
Nhà báo Huỳnh Thanh Quang.

Những cây mai…ngủ quên trong vườn nhưng được những người săn mai mua bạc triệu đồng/cây quả là số tiền không nhỏ đối với những hộ nhà nghèo ở nông thôn. Ngược lại, bỏ ra một, nhưng rồi có khi người mua mai vườn lại hái ra khối tiền gấp chục, gấp trăm lần. Phải chăng đó là nguyên do khiến mai vàng từ miền quê lam lũ lần lượt lên đường tìm đến chốn phồn hoa đô hội?

Nhận diện mai vàng

Mỗi độ xuân về, Tết đến, người ta thường bắt gặp trong thơ ca, các sáng tác nói đến vẽ đẹp của mai nhưng đó có phải để chỉ đích thực mai vàng mà ta thường thấy ở miền Nam? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Tịch (Hội Hoa lan cây cảnh thành phố Hồ Chí Minh), có 2 nhóm thuộc họ mai khác nhau: Mai vàng thuộc họ Ochnaceae, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Ở nước ta chỉ gặp mai vàng từ miền Trung trở vào miền Nam, không có ở miền Bắc. Hoa mai vàng có nhiều nhụy đực và nhiều nhụy cái mà đặc sắc nhất là các nhụy cái rời hẳn nhau ở bầu nhụy nhưng vòi và nướm lại dính nhau thành một vòi duy nhất ở giữa hoa. Từ màu vàng 5 cánh, hoa mai đột biến tạo ra nhiều cánh: 8 cánh, 12 cánh, 24 cánh, 120 cánh…với nhiều màu khác nhau như vàng thau, vàng cam, vàng chanh, trắng…

Nhóm mai thứ hai, thuộc họ hồng Rosaceae, đó là mai đào. Hoa mai này cũng có 5 cánh (hoa đơn) hoặc nhiều cánh (hoa kép), cũng có nhiều nhụy đực nhưng nhụy cái thường chỉ có 1 nằm giữa hoa, về sau chỉ cho ra 1 trái như trái mơ, trái đào. Đây là nhóm mai thuộc vùng hàn đới hay cao lạnh. Trong băng giá, rét buốt của mùa đông chúng vẫn chịu đựng để rồi ra hoa và bừng lên rực rỡ vào chớm xuân, nên chúng cùng Trúc, Tùng được gọi là tuế hàn tam hữu (3 người bạn mùa đông) hoặc là tứ thời xuân – hạ – thu – đông với mai – lan – cúc – trúc…Vì vậy, “đạp tuyết tìm mai” thì chỉ là loại mai đào, không thể là mai vàng được! Ví như: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần / Mai là bạn cũ, hạc là người quen” (Nguyễn Du); “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Mãn Giác Thiền Sư)…mai đó thuộc họ hồng, không phải mai vàng. Còn ngược lại mai của Cao Bá Quát: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm / Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, mai của Đào Tấn: “Mai sơn tha nhật tàn mai cốt / Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn”…đó chính là mai vàng trên đất phương Nam chúng ta.

Những người săn mai

Ở miền Nam hầu như nhà vườn nào cũng có mai vàng, mai mọc dại trong vườn hay mai được trồng trước sân nhà chủ yếu để hoa mai nở đẹp vào mùa xuân, cắt cành chưng trên bàn thờ những ngày Tết, cầu cho sự may mắn. Dù mai vàng hiện hữu ở đâu cũng là mai vàng, song với mai mà đặt chúng ở trước những ngôi nhà hình hộp, bên trong cổng kín cao tường thì mai có vẻ như đã bị con người trói buột, ép uổn. Ngược lại, hình ảnh của mai vàng sẽ trở nên tha thướt yểu điệu, vương vấn nếu mai vàng được trồng nơi không gian hài hòa của vùng sông nước đồng bằng; như mai được xòe cành, khoe sắc trước một ngôi nhà mái ngói đỏ, mai ẩn hiện dưới những hàng cau xanh, hàng hoa dâm bụt trước sân nhà hay bên con mương nước âm ấp lớn giữa nắng gió của ngày xuân, có đám trẻ tíu tít vui đùa nhặt những cánh hoa mai rụng. Và cả âm thanh vọng lại của tiếng chài quết bánh phồng Tết trong những ngày lảy lá mai. Hình ảnh đó gợi nhớ muôn đời về cái Tết nơi miền đất phương Nam… Song, những lắng đọng trên gần như bị chìm khuất khi tôi nghe anh Mỹ Ảnh, một người chuyên “săn mai” ở thị trấn Châu Thành (Bến Tre) nói chuyện nóng hổi về cơn sốt mai vàng hiện nay. Anh Mỹ Ảnh hào hứng mà kín kẽ: “Mọi việc “sanh chuyện” là vào khoảng 10 năm gần đây, khi vàng được vô chậu, bán cho người thích chơi mai ở các thành phố lớn. Ngay cả miền Bắc, những năm gần đây, nhiều người cũng rất mê mai vàng. Để có mai vào chậu, trước tiên phải có mai nguyên liệu. Mà muốn có mai nguyên liệu thì người ta phải săn tìm mai ở mọi ngõ ngách, tận vùng sâu, vùng xa thế thôi – anh Ảnh bật mí – Hiện nay, hầu như tại xã nào ở Bến Tre cũng có “ăn teng” của người săn mai. Đó là chưa nói đến đội quân di dộng rão khắp nông thôn bằng xe gắn máy. Với điện thoại di động,  các “ăn teng” chỉ cần a-lô tiếng là các đại gia chuyên o bế mai vàng sẽ có mặt ngay”.

Theo chân những người săn mai, coi họ bứng một cây mai, điều tôi nhận ra là sự công phu lẫn kinh nghiệm và tay nghề thâm hậu ở họ. Khi mua một cây mai ở khu vườn nào đó vừa được ngã giá xong, thoạt tiên, người săn mai phải xác định được tình trạng sức khỏe của mai bằng cách xem bộ lá, xem cây mai ấy đang được trồng ở vùng đất nào, loại đất nào, thời gian mai hưởng nắng trong ngày, mai có nhánh to nào đang bị chết, mai có bị nhiễm bệnh động, thực vật hay không…, xong xuôi hết rồi mới đi đến quyết định… bứng mai. Khi bứng mai, phải bứng vào mùa thích hợp từ cuối tháng 10 âm lịch cho đến đầu tháng 3 âm lịch năm sau thì tỷ lệ sống sau đó của mai mới cao. Trong khâu bứng, việc cắt rễ và đưa gốc mai lên khỏi mặt đất cũng rất quan trọng. Nghĩa là phải cắt rễ ở chừng mức nào để không tác động đến …sức khỏe của mai và đặc biệt là không làm bể bầu đất quanh gốc mai để mai…không bị sốc khi thay đổi môi trường sống. Anh Phan Trung Hòa, người có vườn mai kiểng khá sung ở phường 5, thành phố Bến Tre, thổ lộ: “Bài bản là như vậy nhưng khi bứng về trồng, vô chậu, đâu phải cây nào cũng sống hết! Tỷ lệ sống nhiều hay sống ít còn tùy thuộc vào kinh nghiệm chăm sóc ở từng người”.

Tôi hỏi anh Hòa: “Trước cơn sốt truy tìm mai nguyên liệu, theo anh, lượng mai vàng hiện còn ở nông thôn Bến Tre chừng bao nhiêu? Liệu rồi đây mai có còn đủ thời gian để lớn mà cung cấp cho người săn mai?” Theo đánh giá ở anh, mai trồng hay mai mọc dại trong vườn ở nông thôn còn không hơn 30% so với 10 năm trước đây, mà trong 30% đó, cũng chưa ngoài 5% có dáng đẹp để có thể lọt vào mắt các tay săn mai. Còn với “mai rài”,  mai để làm “kiểng thời trang”, mai trồng cắt cành chưng hoa, không thiếu gì. Hiện nay, thính nhạy với thị trường, nhiều người gieo hạt trồng mai nguyên liệu cả mẫu đất…”.

 

Cây mai dáng đầu voi đuôi chuột với “cành đùi ếch” của ông Nguyễn Minh Chiếm –ảnh: P.L.H.H.

 

Tạo hồn cho mai

Anh Hòa còn là kỹ thuật viên hướng dẫn trồng mai vàng của Hội Sinh Vật Cảnh Nguyễn Văn Trung – Bến Tre, anh cho biết về cách xử lý cây mai nguyên liệu và vô chậu mai qua kinh nghiệm tích lũy của mình: Khi bứng mai về, để cây mai ở chỗ râm mát, giữ bầu đất khô ráo, không tưới từ 3 – 5 ngày. Kế đến cắt bỏ bớt thân cây, đưa mai về dáng thế mà ta muốn chơi sau này, chậm nhất là 5 ngày sau khi bứng. Đưa về dáng thế xong, phải che đậy bầu đất lại và chùi rửa thân cây thật sạch để loại bỏ nấm bệnh, kích thích mầm ngủ. Bấy giờ, mở bầu ra để xử lý rễ. Loại bỏ 50 – 60% đất bầu. Chú ý khi cắt bớt đầu rễ ta không thoa gì cả. Tiếp tục giữ  bầu khô ráo. Ở công đoạn vô chậu, chọn chậu thích hợp vơí đường kính miệng chậu phải lớn hơn đường kính bầu rễ ít nhất 20 cm; chậu có lồng sâu, tạo điều kiện thoát nước tốt. Đưa phân hỗn hợp vào chậu (mụn dừa mới: 40%, trấu mới: 35%, đất thịt phơi khô, bâm nhỏ: 10%, phân bò hoai: !0%, cát xây dựng: 5% = 100%). Với phần thân cây, thân sau khi được chà rửa sạch, bôi thuốc hoặc keo lên vết cắt xong, xịt nước ươt đều thân cây rồi lấy bao ny lông trùm kín toàn thân, không cho thoát hơi ra ngoài. Cứ 4-5 ngày mở bao ny lông ra, xịt nước ướt toàn thân rồi cột lại. Chu kỳ trên duy trì cho đến khi cây ra tược đều, mỗi tược có chừng 3 lá thì mở bao ny lông trên thân ra, không cần che đậy gốc nữa…Và tiếp theo là tạo dáng cho mai, yếu tố quyết định giá trị nghệ thuật cao thấp cho một tác phẩm mai vàng.

Cây mai vàng rất mẫn cảm với thời tiết, như vào những năm nhuần, không khéo mai sẽ trổ hoa trớt quớt trước ngày Tết…Còn thông thường, để mai trổ hoa đúng ngày Tết, mai vàng trồng ở miền Nam được người ta lảy lá mai trước ngày mùng 1 Tết từ 13 –15 ngày, nhưng từ Phú Yên trở ra đến Nam đèo Hải Vân (Đà Nẳng) là 30 ngày, từ Bắc đèo Hải Vân ra đến Quảng Trị là 35 ngày…Về kinh nghiệm lảy lá mai để mai trổ hoa đúng ngày Tết, anh Hòa cho biết: “Mai trồng ở miền Nam ta cần vận dụng 4 qui luật sau: Khí hậu nóng trổ nhanh, lạnh trổ chậm; lượng nước tưới đầy đủ trổ nhanh, thiếu nước trổ chậm; giống hoa ít cánh trổ nhanh, nhiều cánh trổ chậm; đọt bung lá non làm cho mai trổ chậm và trổ không tập trung”.

Khi lảy lá mai, cần quan sát độ to của nụ hoa để quyết định lảy lá vào ngày 15 hay 13 tháng chạp (âl), hay sớm hơn nữa. Trên cùng một cây mai, nhánh nào có nụ hoa nhỏ thì lảy lá trước, nụ hoa to lảy lá sau. Ví như đã chọn lảy vào ngày 15 âl, thì từ thời điểm đó đến Tết cần chia ra 2 giai đoạn để theo dõi, điều chỉnh cho mai trổ đúng lúc: áp dụng 4 qui luật trên để đến ngày 23 âl nụ hoa phải bung vỏ lụa. Khi nụ cái bung vỏ lụa, bên trong có từ vài nụ đến 10 nụ hoa con lớn nhỏ khác nhau, mỗi nụ hoa con này sẽ nở thành 1 hoa mai. Từ sáng 24 đến chiều 30 Tết, tiếp tục điều chỉnh nước tưới, nắng, gió để đến sáng mùng 1 Tết mai sẽ trổ 50-60% tổng số nụ trên cành…

 

Mai vàng “cành đùi ếch” –ảnh: P.L.H.H.

 

“Cành đùi ếch” – đệ nhất mai vàng

Trong tạo dáng, tạo cành cho mai có dáng đầu voi đuôi chuột với “cành đùi ếch” là rất khó nhưng được giới chơi mai tâm đắc, đánh giá rất cao. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trạng (Đồng Tháp) nói về cảm  thích của mình: “Từ cây mai nguyên liệu, sau khi cắt bỏ cành, lá  mà ta có được một cội mai mang thế kiểng ở thân là đầu voi đuôi chuột cùng bộ rễ tỏa đều xuống mặt đất là điều hết sức khoái chí, đã con mắt. Với tầm dáng đó thì thiên nhiên đã ưu đãi 50% giá trị nghệ thuật, phần còn lại là do thủ thuật của người nuôi dưỡng, chăm sóc mai. Càng kỳ công cho nó thì sau đó sẽ có những “tác phẩm” mai vàng càng giá trị…”

Quan sát cây mai có dáng đầu voi đuôi chuột với “cành đùi ếch” của ông Nguyễn Minh Chiếm, ngụ phường 4, thành phố Bến Tre, tôi thấy cây mai này thuộc dáng một cốt, gốc có hoành hơn 80 cm, cây cao 3 mét và điểm đặc sắc là thân của nó tự bóp nhỏ dần từ gốc lên ngọn (không cắt ngọn), đó là một cây mai đầu voi đuôi chuột thật sự. Ở các cành cũng thế, cốt cành (người xưa gọi là cậy) nào cũng như cái đùi ếch gắn vào thân mai, tủa đều ra gần sát gốc cho tới ngọn mai. Ông Chiếm cho biết, cây mai này có trước năm 1968, sau đó ông mua về nuôi dưỡng, cho mai vào bồn đất đặt trước sân nhà ông chừng 7 năm qua. Mới đây, các đại gia săn mai ở miền Tây đã đến tận nhà ông, gợi giá cây mai này là 100 triệu đồng(?) Ông Chiếm phấn khích, cười vui nhưng nói rằng ông trồng mai là để chiêm ngưỡng nét đẹp của mai, giữ hồn cho mai chớ chẳng nghĩ  đến chuyện mua bán…Còn với cây mai vàng của ông Mười Cử (xã Tân Thạch, Châu Thành, Bến Tre), cây có tuổi thọ trên 140 năm, cao 3,5 mét, từ gốc lên 0,5 mét cây chia ra nhiều nhánh, tạo thành hình chóp nón, xuân về nở bông rực rỡ. Thế nhưng để  xây nhà, ông đã bán cây mai trên cho một người ở Tiền Giang với giá 200 triệu đồng vào Tết 2005. Giá kỷ lục hơn nữa phải kể đến cây mai vàng của ông Trịnh Văn Thành (phường 4, thành phố Vĩnh Long). Cây mai này được chưng trước cổng Bảo Tàng Vĩnh Long dịp Tết Bính Tuất 2006, cây cao 3 mét, điểm đặc sắc là “giàn chi” của nó với rất nhiều cành, nhánh tua tủa ra như chân rồng. Tuy toàn thân cây mai này không lớn bằng cây mai của ông Chiếm nhưng người ta vẫn trả giá 400 triệu đồng, còn ông Thành đưa mức là 650 triệu đồng ông mới bán.

Bên cạnh còn có mai vàng bonsai, “mai kiểng thời trang”. Người chơi mai bonsai lắm công phu, phải bỏ ra rất nhiều thời gian để thu mình thân mai nhỏ lại theo những dáng thế độc đáo, lạ lẫm, nhiều chậu mai bonsai bán chục triệu đồng. Tuy nhiên trong giới chơi cây kiểng, mai bonsai không được đánh giá cao vì coi bộ nó “ăn gian” ở phần hoa nở rực rỡ nhưng tỷ lệ thân và lá (thu nhỏ) không đạt so với một cây kiểng bonsai đúng bổn. “Mai kiểng thời trang”? Nghệ nhân Võ Thanh Sơn, người chuyên làm kiểng thú ở Vĩnh Thành (Chợ Lách) giải thích: “Đó là những cây mai vàng mới 1-2 năm tuổi, được những nghệ nhân cây kiểng Chợ Lách cắt cành, ép dáng, vô chậu nhưng qua tay nghề chăm sóc độc đáo ở mình, mai cho hoa rực rỡ đón ba ngày Tết với giá khá mềm: 100.000-200.000 đồng/chậu. Đây là nghề đang được bà con nhà vườn Vĩnh Thành làm đại trà. Có điều, những chậu mai ấy mua về rồi thì… rất khó dưỡng…”

Thực vậy, người chơi mai rất chú trọng đến bộ rễ, thân và cành, nhánh của cây mai vì ngày xuân nó được lảy lá chỉ trơ thân, cành, hoa. Cho nên một tác phẩm mai vàng sẽ không đẹp, đặc sắc nếu thiếu các yếu tố nghệ thuật về thế dáng, điều này người thưởng lãm sẽ  dễ dàng nhận ra. (ST)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác