Trước nhà phải trồng cây mai vàng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 378
  • Tổng lượt truy cập 10,116,415

Fanpage facebook

Ngày đăng: 10/02/2013, 11:05 am

Trước nhà phải trồng cây mai vàng

Xem tin gốc

Lao Động - 26 tháng trước 1863 lượt xem

Truoc nha phai trong cay mai vang

(LĐ) - Khi tôi mới sửa soạn làm nhà, nhạc phụ đã dặn đi dặn lại trước nhà phải nhớ trồng một cây hoàng mai nghe con. Anh bạn nhà văn kiêm nghiên cứu phong thủy nói nhà ở của người Huế dứt khoát phải có mai vàng trước sân. Nhà vừa xây xong, anh bạn ở chân núi Ngự Bình tới bảo chuẩn bị chỗ trồng mai, ngày mai tôi cho người đánh gốc mang đến.

Hôm sau, một chiếc xe cẩu loại chuyên dùng để chở cây đến trước sân nhà, đặt xuống một gốc hoàng mai tán lá xum xuê xây đều cả năm hướng đông-tây-nam-bắc-và trung tâm. Đây là cái thế cây hoàng mai mà người Huế rất thích, nó thể hiện sự vững chãi và đàng hoàng. Tôi thuê người đào hố bón phân, đặt cây xuống và cẩn thận với từng cái rễ cây, chôn cọc giữ cây, tưới tắm cho từng ngọn lá, hết một ngày.

An vị cho mai xong, tôi ngồi ngắm cây mà trong lòng lâng lâng như vừa làm được một việc lớn trong đời. Các bác hàng xóm qua thăm tấm tắc trước nhà phải trồng một cây mai là đúng rồi. Người đi đường ngang qua cũng dừng lại trầm trồ anh tậu được cây mai đẹp quá, thế này thì ăn nên làm ra thôi. Càng về sau này, tôi tuồng như không còn lưu tâm đến các lời khen, nhưng thiệt tình với lời khen cây hoàng mai, tôi thấy lâng lâng như ở trên mây.

Nói vậy cũng chỉ để bạn thấy người Huế quí hoa mai đến dường nào. Quí đến mức tôn thờ như một linh vật. Có thể nói với người Huế, hoàng mai là linh hoa. Nhà nào cũng có một cây mai vàng trước sân. Cung điện của vua trước sân trồng mai vàng. Nhà dân bần hàn cũng mai vàng trước ngõ. Từ đường của dòng họ thì chắc chắn không thể thiếu hoàng mai. Vườn chùa Huế mà thiếu mai vàng thì khác gì chùa vắng bóng Phật. Nhà thờ Chúa với kiến trúc rặt Âu châu cũng không thể thiếu cây mai vàng. Khắp phố cùng quê, đi đâu cũng thấy hoàng mai. Mai trồng khắp vườn và dứt khoát trước sân phải có một cây, như là điểm nhãn cho khuôn mặt. Trước sân xuất hiện cây hoàng mai, tự dưng cả khu vườn lung linh hẳn lên. Ngày xuân mai nở vàng rực trước sân, trong nhà dẫu không thịt không bánh như những năm còn đói kém vẫn thấy ấm lòng.

Nhớ những ngày còn chiến tranh, trước sân nhà tôi ở quê cũng có một cây hoàng mai tán rợp cả sân, thân sần sùi những vết đạn. Ngày tết, ba tôi thành kính xin cắt vài nhánh để cắm lên bàn thờ ông bà. Tôi vô ý kéo lê cành mai dưới đất khiến ba tôi phát hoảng: "Đừng làm như rứa, ông nên lắm con ơi !". Người Huế dùng từ "ông nên" để nói đến sự kỵ húy. Cũng từ những ngày thơ ấu, hình ảnh các cụ già tóc bạc cúi đầu thành kính trước các lão mai, ăn nhập vào tâm khảm khiến tôi cứ nghĩ về mai như một loài cây linh thiêng. Và hình ảnh trước sân trồng một cây mai trở thành như "khuôn vàng thước ngọc" của kiến trúc cảnh quan của xứ Huế.

Yêu và tôn thờ hoàng mai như thế, vậy nên người Huế đã mắc phải một nhầm lẫn rất quan trọng. Họ cứ khẳng định như chân lý rằng cây hoa mai bất hủ của Mãn Giác thiền sư trong bài kệ nổi tiếng "Cáo tật thị chúng" chính là hoàng mai. Thậm chí các nhà thơ, các nhà giáo và kể cả các nhà sư xứ Huế vẫn bình luận rất vô tư, rằng "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" ấy là mai vàng. Họ đã mặc định "mai cốt cách, tuyết tinh thần" trong Kiều của Tố Như chính là hoàng mai. Họ đã khẳng định cái loài hoa mà Chu Thần Cao Bá Quát suốt cả đời chỉ cúi đầu bái lạy duy nhất, "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa", ấy là mai vàng. Cho đến một ngày đầu xuân 2009, nhà nghiên cứu Hải Trung đã lên tiếng đính chính cho hoa mai, thì người Huế mới biết rằng từ lâu nay mình đã "lầm to".

Theo tác giả Hải Trung, loài hoa mai mà Mãn Giác thiền sư, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, và rất nhiều tác phẩm trong văn học trung đại Việt Nam và cả trong Đường thi vẫn nhắc đến, chính là loài mai trắng, người bắc thường gọi là hoa mơ, người Huế gọi là bạch mai, tuyết mai hay hàn mai. Loài hoa thuộc họ mơ, tên khoa học là Prunus mume S.et Z, hoa nhỏ màu trắng như tuyết, quả mai chính là quả mơ mà người ta vẫn thường dùng để chế biến ô mai. Khác hẳn với hoa mai vàng, có tên khoa học là Ochna harmandii Lee thuộc họ hoàng mai, có gốc tích ở phương nam.Theo nhà dược học Đỗ Tất Lợi -trong bài viết "Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học" in trên báo Nhân Dân ngày 22.2.1983- thì người Việt mới biết đến cây mai vàng khoảng 300 năm trở lại.

Vào thế kỷ thứ 11, dưới thời nhà Lý, thì Mãn Giác thiền sư đã biết đến hoa hoàng mai đâu mà bảo "nhất chi mai" ấy là một cành mai nở vàng trước sân? Cho đến nay, hoa mai vàng vẫn không thể sống và ra hoa được trong khí hậu lạnh của miền Bắc, vậy thì loài hoa kiên cường nở trong giá buốt khiến cho người quân tử phải "đạp tuyết" để "tầm mai" ấy chắc chắn không phải là mai vàng. Và sau cùng, hãy tra từ điển Hán Việt của Thiều Chửu - NXB TPHCM, sẽ thấy ngay định nghĩa: "Đó là cây mơ, đầu xuân nở hoa, có hai màu trắng và đỏ. Thứ mai trắng nở hết hoa rồi mới nẩy lá, có quả chua".

Dẫu biết rằng loài hoa mai mà người xưa gọi là biểu tượng của người quân tử với cốt cách kiên nhẫn trước lạnh giá của đất trời và lặng thầm lưu giữ tinh hoa đất trời ấy là loài mai trắng ở miền Bắc, nhưng các tín đồ của hoàng mai ở xứ Huế vẫn nhất quyết rằng mai vàng mới chính là loài hoa cao quí, khiến cho kẻ sĩ bất khuất như Cao Bá Quát cũng phải cúi lạy. Tôi đã gặp nhiều người Huế trồng mai, chơi mai và hiểu biết về hoa mai để thử đính chính với họ về sự nhầm lẫn này, và nhận lại nhiều cái lắc đầu.

Người trồng mai thì bảo hoa mai đương nhiên là cái giống mai vàng này, các thứ khác chỉ là ăn theo mai mà thôi. Người nghiên cứu về hoa mai thì bảo có đến 200 loài hoa mai, nhưng đại diện cho họ nhà mai thì phải là hoàng mai.Người chơi mai thì bảo cứ nhìn cái dáng mềm mại mà vươn cao của hoàng mai, thân cây với những lớp đồi mồi tuyết sương, kiên nhẫn qua nắng mưa để rồi nở ra cho đời những bông hoa vàng tinh anh, ấy mới là cốt cách của người quân tử ! Người Huế tôi thủy chung đến mức bảo thủ, nhưng đáng yêu cũng chính là chỗ đó !

Và tôi mường tượng một ngày đầu xuân, cây mai vàng trước sân nhà tôi trổ hoa. Tôi sẽ dành hẳn một ngày không làm việc gì cả, để ngồi ngắm hoàng mai. Trên những cành khẳng khiu tuyết sương lạnh lẽo hôm nào giờ đã bung ra những nụ hoa vàng. Và chỉ sau vài giờ dưới cái nắng xuân ấm áp, những nụ vàng ấy đã nở thành một tán vàng rợp trời. Cái tán hoa vàng vợi vợi ấy nhòe dần trong mắt tôi, chập chờn hư ảo, như không phải là hoa nữa. Là người thì phải. Một dáng người lặng im với nụ cười sáng rực cả đất trời.

Minh Tự

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác