Vườn Thiền Nhật Bản

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 5392
  • Tổng lượt truy cập 11,294,207

Fanpage facebook

Ngày đăng: 11/01/2013, 10:42 am
Vườn Thiền Nhật Bản

23:35 4 thg 5 2012

Vườn Thiền Nhật Bản

Chào các bạn! Các bạn có bao giờ để ý đến khu vườn nhà mình không? Kiểu như khu vườn nhà mình có mấy cây hoa, mấy cây rau, khi nào thì nở hoa nhiều nhất...Hoặc là thỉnh thoảng các bạn có sắp xếp lại mấy chậu cây cảnh để thay đổi không khí, hoặc khiến cho khu vườn của mình trở nên ý nghĩa hơn, cho dù ý nghĩa ấy chỉ có bạn mới nghĩ ra và cảm nhận được.

Thông thường thì các khu vườn phương Tây hay kể cả vườn Việt Nam nhà mình, hay trồng thật nhiều hoa với những sắc màu dịu dàng hay rực rỡ để tô điểm thêm cho căn nhà và khoảng sân, phải không? Nhưng với người Nhật, khu vườn không chỉ dùng để tô điểm cho căn nhà đâu. Làm vườn được họ coi là một nghệ thuật cao quý cần được lưu giữ vào bảo tồn. Và khu vườn chính là tuyệt tác của những nghệ nhân làm vườn. Mọi thứ từ cây cối cho đến những đồ vật đặt trong khu vườn đều có xu hướng thiên về tâm linh, một thứ tâm tưởng thuộc về nơi linh thiêng, cao quý. Nhìn vào khu vườn truyền thống của Nhật, chúng ta sẽ thấy một không gian yên ắng, thanh bình đến trống trải. Nhưng điều đó không khiến người ta cảm thấy nhàm chán, ngược lại càng khiến chúng ta tò mò hơn, và sẽ ngắm nhìn khu vườn lâu hơn, kỹ hơn, để rồi tìm ra được sự cầu kỳ và tinh tế trong thiết kế của khu vườn, đồng thời khám phá ra chính bản thân và tâm hồn mình. Nếu bỏ thời gian ra để khám phá khu vườn Nhật Bản và ý nghĩa của nó, chắc chắn bạn sẽ còn thấy nhiều điều hấp dẫn và thú vị hơn nữa.

Một khu vườn Nhật cơ bản thường bao gồm các yếu tố: hồ nước, đá, cây và những thực vật nhỏ hơn. Theo những nghệ nhân làm vườn, khu vườn là sự mô tả thiên nhiên một cách chính xác nhất và cũng thể hiện được lòng kính trọng của con người đối với tự nhiên. Thậm chí nhìn vào khu vườn Nhật, bạn còn có thể thấy được cả 4 mùa trong đó. Phong cách thiết kế khu vườn Nhật Bản có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu nhất vẫn là 3 phong cách truyền thống: Karesansui, Chaniwa và Tsukiyama.

Mở đầu cho loạt bài về các phong cách thiết kế vườn Nhật này, Ichi sẽ giới thiệu tới các bạn khu vườn theo phong cách Karesansui.

Karesansui (枯山水), có nghĩa là vườn khô, còn được gọi là vườn đá hay khu vườn có dòng suối khô. Đây là khu vườn có sự kết hợp chặt chẽ với Phật giáo Thiền phái, là phong cách duy nhất chỉ có ở Nhật, nên cũng có nơi gọi là vườn Thiền. Trong kiểu thiết kế này, vẻ đẹp của thiên nhiên được miêu tả theo quan niệm trừu tượng bằng cách sử dụng đá, cát, sỏi và những miếng rêu. Rất ít cây cỏ, thậm chí có nơi không hề có. Khu vườn được thiết kế trông như những hòn đảo hay ngọn núi nổi lên trên giữa mặt nước mênh mông trong khi không hề sử dụng một chút nước nào.

Nước ở đây chính là cát trắng được cào thành những vòng tròn gợn sóng xung quanh những hòn đá - tượng trưng cho những hòn đảo và núi non của Nhật Bản. Những viên sỏi hay phiến đá phẳng sẽ tượng trưng cho những cây cầu. Và một điều đặc biệt là, khu vườn luôn được thay đổi theo một thời gian nhất định. Những hòn đá, những làn sóng cát được sắp xếp lại theo chủ ý của chủ nhân khu vườn, nhưng những hòn sỏi hay phiến đá thì rất ít khi được sắp xếp lại, chúng chỉ được xếp lại theo một trật tự mới mỗi khi có sự can thiệp của thời tiết hoặc do sự vô tình của con người.

Một trong những nghệ nhân làm vườn Thiền được biết đến sớm nhất là Musou Kokushi (1275 – 1351), là người đã dựng lên 66 ngôi miếu đạo Thiền khắp đất nước Nhật Bản, và thiết kế hàng tá khu vườn Thiền ở Kamakura và cả Kyoto. Nhưng khu vườn Thiền khô được biết đến đầu tiên lại là vào năm 1251, nó thuộc về chùa Kenchou ở Kamakura – 1 trong 5 ngôi chùa Thiền lớn nhất thời Kamakura. Kenchou đã trở thành trung tâm Phật giáo Thiền phái lớn nhất dưới sự bảo trợ của nhà nước.

Vì Karesansui tập trung nhấn mạnh vào một không gian trống trải, tạo ra một vẻ đẹp tĩnh tại mà huyền bí, nên các chùa chiền, miếu mạo theo Thiền phái mới sử dụng nó. Theo kiểu thiết kế của Karesansui thì cách tốt nhất để ngắm khu vườn chính là khi bạn ngồi một mình, và theo đúng tư thế trang trọng nhất của Thiền phái.

Một số người nhìn thấy những ngọn đồi nhọn chọc thẳng lên những đám mây lớn.

Một số người nhìn thấy những con hổ lớn đang vượt sông.

Một số người nhìn thấy những hòn đảo đang nổi lên giữa biển.

Một số người lại nhìn thấy một cái hồ hay thậm chí là thiên đường.

Một số người khác lại chẳng thấy gì ngoài những hòn đá.

Tất cả vẫn là Karesansui. Cũng vì mang vẻ đẹp huyền bí mà bản thân mỗi người, từ khách du lịch cho đến các vị tăng lữ khi ngắm Karesansui đều có thể cảm nhận được nhiều ý nghĩa và có những cách nhìn khác nhau như thế. Nhưng tất cả đều cảm thấy được tâm hồn mình đang lắng lại, yên bình hơn, thậm chí có thể nhìn lại chính mình và tìm ra điều quan trọng nhất của cuộc đời.

Cuộc sống hiện đại luôn tràn ngập những những điều phức tạp và rối rắm. Chúng ta cứ phải sống trong cái mớ hỗn độn ấy mà không biết gỡ ở đâu, và gỡ thế nào. Ngồi ăn sáng ta nghĩ về công việc trong ngày. Đến công sở hay trường học ta lại nghĩ đến chuyện về nhà, về nhà rồi ta lại nghĩ đến chuyện cuối tuần này làm gì. Và thời gian cứ thế trôi đi, ngày nào cũng thế, tuần nào cũng thế, tháng nào cũng thế, chúng ta cứ quanh quẩn ở một nơi ấy, một công việc ấy và cùng một suy nghĩ ấy...

Rồi đến khi nhìn vào một khu vườn trống trải, tĩnh mịch, chẳng có gì vướng vào mắt cả, tự dưng những suy nghĩ bề bộn biến mất, thay vào đó là một tâm trạng thoải mái, đầu bạn tự dưng nhẹ hẳn đi, tâm hồn bạn trở nên thanh thản hơn, bởi không phải bận tâm về cuộc sống hối hả thường ngày, lúc đó chính là lúc bạn nghĩ về bản thân. Thanh lọc tâm hồn, cũng giống như thanh lọc những giọt nước, bạn cứ để yên như thế, những hạt bụi sẽ lắng xuống đáy, những giọt nước sẽ trở nên trong vắt và ngọt mát.

Vì sao chúng ta không thể nhận thức được hết sự thật một cách chính xác nhất? Đó là do tầm nhìn hạn chế của chúng ta, chỉ nhìn theo một hướng bằng con mắt chủ quan. Những quyết định lầm lẫn từ đó mà sinh ra. Khu vườn Thiền ở ngôi chùa Ryuuan, có khoảng 15 hòn đá luôn được sắp xếp một cách cố ý sao cho khi nhìn từ mọi góc độ, ta cũng chỉ nhìn thấy được 14 hòn đá mà thôi. Giống như thế, trong cuộc sống hiện thực, chúng ta không thể nhìn thấu mọi thứ. Chỉ có bằng suy ngẫm ta mới có thể sáng suốt hơn, thanh thản hơn, và đó chính là điều mà Karesansui nói riêng cũng như Thiền phái nói chung muốn mọi người hướng tới.

Khu vườn Karesansui độc đáo này không chỉ là một thắng cảnh, một nét văn hoá cần gìn giữ mà còn mang một vẻ huyền bí đậm chất Phương Đông phải không các bạn? Khi nào các bạn có ghé thăm khu vườn này, nhớ kể lại cho Ichi nghe xem các bạn đã nhìn thấy những gì với nhé!

Khu vườn thứ hai mang tên Chaniwa (茶庭), được ghép từ chữ Trà (Cha - 茶) và chữ Viên (Niwa –庭 ), dịch nghĩa ra sẽ là Vườn Trà. Sở dĩ có tên như vậy là bởi khu vườn có liên hệ mật thiết với Trà Đạo. Khi tham gia vào nghi lễ thưởng trà (Chanoyu) của người Nhật, bạn sẽ phải vào Trà thất (Chashitsu), và Trà thất thì lại nằm trong Chaniwa. Nói cách khác, Chaniwa là khu vườn được thiết kế để dành cho những nơi có tổ chức Chanoyu.

Xuất hiện từ thế kỷ 14, thời đó Chaniwa không phải là khu vườn mà ai cũng có thể hiểu hết được vẻ đẹp của nó. Khu vườn đơn thuần chỉ là những bụi hoa hoặc cây nhỏ xanh mướt, xuyên qua chúng là những lối đi hẹp được làm một cách cẩn thận, có lát những bậc đá để bước lên, dẫn đến Trà thất. Con đường này gọi là nobedan, và những bậc đá đó được gọi là tobi-ishi, hoặc nori-no-ishi. Trong những bậc đá ấy, có 3 bậc đá có tên riêng: Yaku ishi – hòn đá lớn nhô lên nhằm nhấn mạnh khung cảnh nổi bật của khu vườn, fumi ishi – hòn đá cuối cùng để khách bước lên vào Trà thất, và fumiwake ishi – cao hơn và to hơn những hòn đá khác, thường đặt ở chỗ giao nhau của những nobedan.

Có rất nhiều cách sắp xếp tobi-ishi, phổ biến nhất vẫn là xếp theo đường thẳng từng hòn một – chokuuchi, ngoài ra còn có các cách khác như: niren’uchi – mỗi một bậc đá gồm 2 hòn đá xếp ngang nhau, sanren’uchi – hàng 3 hòn đá, goren’uchi – hàng 5 hòn đá, shichi-go-san – hàng xếp theo kiểu 7-5-3, shisankuzushi – hàng 3-4 theo kiểu zic zắc, chidorigake – hàng xếp xen kẽ kiểu zic zắc, gankouuchi – xếp theo hình đàn ngỗng bay, konohauchi – kiểu “lá vàng rơi” và tanzakuuchi – xếp hình chữ nhật.

Ngoài nobedan, Chaniwa còn có thêm những đặc trưng khác, đó là tourou – đèn đá, koshikake machiai – nơi dừng chân có ghế băng dài để ngồi chờ, sunasetchin – khu vệ sinh, tsukubai – bể nước bằng đá để cho khách rửa tay trước khi bước vào Trà thất, và nakakuguri – cổng nhỏ để bước vào vườn (còn gọi là Chuumon). Có nơi dựng đến 2 nakakuguri để tạo nên cảm giác chia đôi khu vườn, nhưng cũng có nơi sau khi bước qua nakakuguri thứ 2 rồi, bỗng xuất hiện thêm 1 nakakuguri thứ 3!

Tourou và tsukubai

Nobedan

Nakakuguri

Đôi lúc ta cũng bắt gặp một khu vườn Trà chỉ có nobedan mà không có những thứ kia, và vì thế mà Chaniwa còn có tên là Rojiniwa – khu vườn có lối đi hẹp.

Một nghi thức bắt buộc dành cho khách thưởng trà trước khi bước vào Trà thất, đó chính là phải thanh tẩy cơ thể. Nơi để thanh tẩy chính là bể nước bằng đá tsukubai. Tất nhiên không phải ra tsukubai đứng dội nước xối xả lên người đâu, đây là bể nước lộ thiên đấy ^^, mà chỉ rửa tay thôi (nếu bạn ko đi tất đi giày mà đi dép thì cũng phải rửa cả chân luôn đó nha). Chúng ta vẫn thường rửa tay trước khi ăn cơm mà, cho nên rửa tay trước khi tham gia một nghi thức trang trọng như trà đạo thì đúng là thật cần thiết phải không? Vì tsukubai là một bể nước thấp, nên khách phải cúi người thậm chí là quỳ xuống để rửa tay. Như thế để chứng tỏ sự khiêm tốn và nhún nhường của mình khi thưởng trà. Còn có một loại bể khác cao hơn, gọi là chozubachi, nhưng loại này chỉ có ở ngoài đền thờ miếu mạo mà thôi.

Trong Thiền phái, chủ nghĩa đơn giản và sự suy ngẫm trong yên lặng là những bước rất quan trọng để khai sáng tâm hồn cũng như lý trí.

Mục đích thiết kế Chaniwa một cách đơn giản với yếu tố chủ đạo là đá chính là để tạo ra sự cô độc và tách rời khỏi thế giới hiện tại cho người tham gia Chanoyu, khiến chủ nhân nghi lễ cũng như người khách được mời đến thưởng trà trở nên tập trung hơn, có thể cảm nhận được sâu sắc hơn hương vị của trà, sự tôn nghiêm và thành kính của cả 2 bên chủ - khách, cảm thấy trân trọng hơn cái giây phút “nhất kỳ nhất hội” ấy, đồng thời có được khoảnh khắc yên bình tĩnh lặng hiếm có giữa cuộc sống hối hả nhộn nhịp thường ngày.

Đơn giản, không cầu kỳ và bí ẩn như Karesansui nhưng lại mang một vẻ tôn nghiêm, trầm mặc, đó chính là Chaniwa. Và như đã nói ở trên, Chanoyu là một nghi thức trang trọng, chỉ những người khách được chủ nhân buổi tiệc trà mời mới được bước vào Trà thất. Do đó, Chaniwa không phải là khu vườn để ai cũng có thể thoải mái bước vào tham quan. Nhưng không vì thế mà nó không mất đi sự nổi tiếng so với những khu vườn truyền thống khác của Nhật Bản. Khi đã bước vào Chaniwa rồi thì bạn sẽ không thể quên được cái ấn tượng mà nó tạo ra cho người xem: sự đơn giản, tĩnh mịch đến mức bạn không dám thở mạnh vì sợ sẽ phá vỡ cái không khí trang nghiêm và thành kính ấy.

Thế là chúng ta đã biết được 2 trong 3 loại vườn truyền thống đặc trưng nhất của Nhật rồi nhỉ. Hôm nay Ichi xin được giới thiệu đến các bạn loại vườn cuối cùng : Tsukiyama.

Tsukiyama (築山), nghĩa là “hòn non bộ”, được dựng lên với yếu tố chủ đạo là những ngọn núi nhân tạo, do đó nó còn được gọi là Vườn Đồi. Vườn Đồi được thiết kế để mang lại ấn tượng về một vùng đất rộng lớn, mặc dù hầu hết các khu vườn như thế này thực sự không lớn lắm, thậm chí là nhỏ. Đặc trưng của khu vườn kiểu này là những ngọn đồi, dòng suối, con thác nhỏ, những ao hồ trong veo, bên cạnh là cây cầu bắc ngang, điểm xuyết vào đó những bụi cây xanh tươi hay những bông hoa khoe sắc, những con đường nhỏ quanh co, y hệt như một bức tranh thu nhỏ của thiên nhiên rộng lớn. Có thể nói, Tsukiyama là khu vườn được thiết kế mô phỏng theo thế giới thiên nhiên chỉ bằng những yếu tố cơ bản của tự nhiên.

Tsukiyama trở nên nổi tiếng kể từ thời Edo, với tên gọi cũ là Kasan – 1 khu vườn với những ngọn đồi nhân tạo, được thiết kế trái ngược hẳn với Hiraniwa - Vườn phẳng – là những khu vườn bình thường như những khu vườn phổ biến trong mọi ngôi nhà.

Vườn Đồi được thiết kế chủ yếu dựa trên yếu tố Đồi núi và những đường viền quanh chân đồi, đây là kiểu thiết kế phổ biến nhất. Ngoài ra, những yếu tố như suối, ao hồ, bụi cây hay cây nhỏ các loại sẽ được dùng để làm nổi bật lên yếu tố chủ đạo đó.

Có một cây đặc biệt được trồng ở trên trước mặt ngọn đồi, đóng vai trò trung tâm của khu vườn - gọi là Shuboku (cây chủ), và cây đó có thể là cây thông (matsu) hoặc cây sồi, thỉnh thoảng người ta cũng dùng cây sakura hoặc liễu để làm Shuboku, nhưng chỉ với những khu vườn cá nhân được thiết kế theo sở thích cá nhân thôi.

Còn với những Vườn Đồi ở chùa chiền như chùa Tenryu và Saihou ở Kyoto là những khu vườn trang trọng đầy tôn nghiêm thì chỉ sử dụng thông hoặc sồi làm Shuboku. Bên cạnh Shuboku, cần chú ý thêm một điểm nữa là Hashibasami no ishi – những hòn đá xếp dưới chân cầu với ý nghĩa tương trợ và tượng trưng cho sức mạnh.

Không chỉ có cây cỏ, non nước không, một số Vườn Đồi còn có cả rùa và hạc, được xếp ở 2 hòn đảo riêng biệt. Vì theo thần thoại Trung Hoa và Nhật Bản, rùa và hạc là 2 linh vật biểu trưng cho sự trường thọ và cuộc sống hạnh phúc. Nếu 2 linh vật ấy đứng cùng nhau trong khu vườn thiên nhiên ấy, thì chúng sẽ mang lại hạnh phúc và sự trường sinh cho gia chủ.

Để ngắm nhìn khu vườn có rất nhiều cách. Theo truyền thống, Tsukiyama thường được thiết kế để có thể đứng một chỗ vẫn có thể quan sát được cả khu vườn, ví dụ như ở hiên nhà hoặc hành lang của những đền chùa miếu mạo. Đó là cách quan sát tốt nhất. Nhưng ngày nay, những khu vườn Đồi hiện đại hơn và rộng lớn hơn với nhiều con đường nhỏ trong vườn cho phép người tham quan có thể đi dạo khắp vườn, đồng thời quan sát được chi tiết và cụ thể hơn vẻ đẹp của khu vườn.

Nếu như 2 loại vườn Karesansui và Chaniwa khiến người xem chìm vào thế giới tâm tưởng đầy tĩnh lặng và suy tư thì Tsukiyama lại khác hẳn. Nó giúp chúng ta về lại với thiên nhiên cây cỏ, sống lại trong thế giới hoang sơ và tự nhiên nhất, cảm nhận được không khí trong lành, sức sống âm ỉ nhưng không ngừng vươn lên trong từng sợi cỏ, hạt sương, tránh xa cuộc sống xô bồ, ồn ã và đầy bon chen.

Thay vào đó là những âm thanh đến từ tự nhiên, tiếng nước chảy róc rách từ những dòng suối nhỏ, tiếng thác nước reo vui trong nắng sớm, hay tiếng những con côn trùng đập cánh trong không trung .... tất cả những âm thanh nhẹ nhàng đầy trong trẻo đó liệu ta có thể tìm lại trong những thành phố công nghiệp hiện đại đầy khói bụi, khí đốt và những nhà máy công xưởng ngày nào cũng ầm ầm tiếng máy móc hoạt động? Quay về với tự nhiên, quan tâm đến thiên nhiên, và hãy bảo vệ thiên nhiên, đó chính là điều mà những nghệ nhân thiết kết Tsukiyama muốn chúng ta để ý và hướng tới.

Những khu vườn mang phong cách Nhật Bản luôn đạt được đồng thời 2 yếu tố lớn: tính thẩm mỹ cao và ý nghĩa sâu sắc. Mỗi khu vườn đều toát lên vẻ đẹp đặc trưng riêng, nhưng những ý nghĩa ẩn sâu trong nó cũng nổi bật không kém. Nó khiến người xem không thể dời mắt hay dời chân ra khỏi khu vườn khi còn chưa tìm hiểu được hết ý nghĩa của nó. Vườn Nhật luôn có một sức hút hấp dẫn đến kỳ lạ với tất cả những ai có ý định bước vào đó.

Bài Sưu tầm

Lời bình: Có lẽ 1 phần chính là vì  mê nghệ thuật vườn Nhật mà mình quyết tâm xây dựng vườn Troh Bư này. Lúc đầu mình đã cố gắng theo quy tác của 1 khu vườn đồi. Tuy nhiên đúng là sức không theo nổi lòng, giờ mình đã thoáng hơn trong cách bài trí vườn. Hi vọng là ...khi mình không còn đeo đuổi  nổi  cái cao sang, quý phái của 1 khu vườn nhật nữa ...thì bù lại  nó sẽ gần gũi với người Việt Nam mình hơn. Hihi!

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác