Vườn Việt Nam

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 7348
  • Tổng lượt truy cập 11,493,979

Fanpage facebook

Ngày đăng: 11/01/2013, 10:25 am
Vườn Việt Nam

23:08 20 thg 9 2008

Vườn cảnh  Việt Nam là những khu vườn được xây dựng với mục đích làm cảnh có phong cách Việt Nam. Vườn cảnh Việt Nam không nổi tiếng như vườn Nhật, vườn Trung Hoa do không có những nét đặc trưng rõ ràng và khuôn mẫu cụ thể cũng như độ phổ biến rộng rãi ra ngoài khu vực.

Các vườn cảnh ở Việt Nam, nhất là những khu vườn lớn, cổ thường mang những nét tương đồng với vườn Trung Hoa như hòn non bộ, thủy đình, các lầu hóng gió, ngắm trăng, các hồ nước được trồng viền liễu rủ... Ở những khu vườn hiện đại, còn được vận dụng các thủ pháp, phong cách vườn Nhật, vườn châu Âu vào nghệ thuật vườn. (Điều này có thể kiểm nhận qua các vườn lăng nổi tiếng ở Huế như Lăng Minh Mạng, Lăng Gia Long, Lăng Tự Đức, những vườn cảnh hoa viên ở Hà Nội như vườn hoa Lê Nin, Vườn In đi ra ghan đi...).

Do Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, có nhiều phong cảnh đẹp và người Việt có đến 80% dân số sống ở nông thôn nên việc đưa tự nhiên vào với với cuộc sống qua nghệ thuật vườn cảnh là rất phổ biến. Ở đồng bằng Bắc bộ, nhà ở thường là một tổng thể hài hòa giữa vườn và nhà, thường là nhà ba gian hai chái phía trước có sân vườn, có ao nước để điều hòa khí hậu, có hàng cau hai bên đường vào nhà và lũy tre chắn hướng gió thổi mạnh. Còn nhà vườn ở Huế thường có nhà rường nằm giữa vườn hoa và cây trái, có hàng rào chè tàu, dâm bụt cắt tỉa gọn ghẽ có non bộ hoặc bình phong trước cửa ra vào. Ở thành phố lớn điều kiện có khó hơn về đất đai nên thường chỉ có những khu vườn nhỏ và tập trung vào cái chất với non bộ, bon sai, cây cảnh.

Ở vườn Việt Nam những nét vận dụng nghệ thuật vườn cảnh thế giới thường được Việt hóa để tạo nên nét riêng và phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai và văn hóa, lịch sử từ đó khiến vườn Việt Nam có những đặc điểm riêng. Vườn Việt Nam thường là sự thể hiện lại nét tự nhiên của thiên nhiên mộc mạc, ít câu nệ vào các quy tắc, nghiêm luật đó là cây cối thường để phát triển tự nhiên không cắt tỉa thường xuyên, những yếu tố như nét dân dã và bản sắc dân tộc cũng luôn được đề cao. Đó là những nét rất gần gũi với cuộc sống thường nhật ở thôn quê Việt Nam như: cây đa bến nước, cây khế bờ ao, lũy tre, hàng rào chè tàu hay dâm bụt, hàng cau, giếng khơi, cây cau vương vít bụi trầu cạnh lu nước với chiếc gáo dừa được tra chiếc cán tre,... Trong vườn cảnh Việt Nam ở mỗi miền lại thường có những ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng như: nhà ba gian, hai chái ở những vườn cảnh ở Bắc bộ; nhà rường trong những nhà vườn Huế; hoặc được làm đẹp bằng những kiểu nhà sàn của dân tộc thiểu số vùng cao. Ở Nam bộ trong vườn thường có thêm những cây cầu khỉ bằng tre vắt vẻo qua các mương nước. Chính vì những nét riêng này mà ở Việt Nam có nhà vườn Huế rất đặc biệt, được nhiều người biết đến, công nhận về tính đặc hữu.

Ở Việt Nam có các khu vườn cảnh cổ đẹp, đáng chú ý như các khu nhà vườn Huế, các vườn cảnh cổ ở các lăng mộ vua chúa, Tử cấm thành các triều đại vua chúa phong kiến, vườn trong các đình, chùa cổ...Hiện tại, trào lưu xây dựng vườn cảnh có phong cách dân tộc Việt Nam đang rất được quan tâm, ủng hộ. Có một số vườn cảnh mới đáng chú ý như: vườn hoa Hàm rồng (Sa Pa), vườn trong các dinh ở Đà Lạt, vườn cảnh Trohbư (Đắk Lắk), vườn trong các khu du lịch Đầm Sen, Suối tiên (Thành phố Hồ Chí Minh)...

Rất tiếc vì không có những nét đặc trưng rõ ràng, những khuôn mẫu cụ thể cũng như độ phổ biến rộng rãi ra ngoài khu vực nên khái niệm vườn cảnh ở Việt Nam cũng chưa rõ ràng lắm, có nhiều người thậm chí còn phủ nhận. Đó chính là lý do vì sao bài viết này của tôi mở mới trên Vi Wiki đã không được chấp nhận. Tôi đưa lên Blog của mình mong rằng tìm thêm được sự đồng cảm và hi vọng một ngày sẽ khẳng định được sự  hiện hữu có thật của nghệ thuật vườn cảnh Việt Nam. Khi nào có dịp mời mọi người vào  Vườn Trohbư để kiểm chứng nha./.

Balmé 092008

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác