Những bóng hồng trong cuộc đời "vua voi"

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 962
  • Tổng lượt truy cập 10,116,999

Fanpage facebook

Ngày đăng: 04/03/2013, 09:35 am

Những bóng hồng trong cuộc đời "vua voi"

Giadinh.net - Nhắc đến "vua voi" Amakông, người ta thường nhắc đến chiến tích săn được 298 con voi rừng và bài thuốc tráng dương bổ thận của ông. Còn vì sao "vua voi" cưới được nhiều vợ, đặc biệt là người vợ trẻ đẹp nhỏ hơn ông đến 4 con giáp là chuyện không phải ai cũng tận tường.

Câu chuyện với "vua voi "về những mối tình đi qua đời ông hé lộ nhiều điều thú vị.
Đám cưới giữ của
"Vua voi" và cô vợ
trẻ hơn ông tới 4 giáp.
Trong căn nhà dài truyền thống của người M'Nông nằm ven cổng Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), khi chúng tôi ghé thăm thì "vua voi" Amakông đang bỏm bẻm nhai trầu và trò chuyện với người con trai Khăm Phết Lào.
Trước khi cáo từ vì có việc phải đi, Khăm Phết Lào bật mí: "Ama là cha, amí là mẹ. Kông là tên con trai đầu của ông già. Ama Kông nghĩa là bố thằng Kông. Người M'Nông mình gọi tên người cha bằng cách ghép Ama với tên người con trai đầu. Ông già tên khai sinh là Y Prông Êban, là con trai của Y Ki đấy".
Có khách ghé thăm, Amakông vui lắm. Sau khi kể đủ chuyện từ voi đến thuốc và thở than "lâu rồi không vào rừng nên nhớ rừng", "vua voi" tiết lộ: "Mình có 4 vợ và 21 con. Y Kông là con vợ đầu H'Nô. Vợ mình là con ruột Y Leo!".
Già làng Y Nô, người từng có năm dài tháng rộng sát cánh cùng Amakông xuyên rừng săn những ông khổng lồ, nhớ lại: "Y Ki và Y Leo là em ruột của Y Thu K'nul (người săn được gần 500 con voi và được vua Xiêm tặng danh hiệu Khun Ju Nốp - nghĩa là Vua săn voi khi Y Thu tặng ông vua này một con bạch tượng - voi trắng)".
Theo lời kể của già và đúng như xác nhận của Me Lĩnh (người con gái hiện đang ở trong ngôi nhà dài lớn nhất Buôn Đôn tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn), do không có con nên vua săn voi Khun Ju Nốp đưa Amakông và H'Nố về nuôi từ nhỏ. Lớn lên thì cho lấy nhau dù cùng huyết thống.

- Anh em họ lấy nhau là tục lệ của người mình sao, thưa già?

Lấy nhau cùng huyết thống là điều cấm kỵ nên khi nghe tôi hỏi, già làng Y Nô liền lắc đầu: "Không phải tục lệ của người mình đâu. Trước đây chỉ có một trường hợp thôi". Theo giải thích của già, ba anh em Y Ki, Y Leo có và danh giá nhất vùng. Họ sợ nếu con lấy người ngoài thì của cải bị phân tán. Họ gả con cho nhau để của cải không vào tay người ngoại tộc.

Mặc dù chênh nhau gần nửa thế kỷ
nhưng họ vẫn sống rất hạnh phúc.
Năm 1941, sau khi sinh được 2 người con (Me Lĩnh và Y Kông) thì H'Nố qua đời vì chứng bệnh hậu sản. Theo tục nối dây, em gái của H'Nố là H'Hốt thay chị nâng khăn sửa túi cho anh rể Amakông. Ở với nhau một thời gian, cuộc hôn nhân này bị gãy gánh do H'Hốt không đồng ý cho Amakông lấy vợ.
Chị H'Đuông, cháu gái "vua voi" tâm sự: "Hồi trẻ, ông già đẹp trai, mạnh khỏe, giàu có, nổi tiếng, chơi được nhiều nhạc cụ nên cô nào cũng mê. Ai cũng muốn lấy ông già. Do H'Hốt ghen nên giữa hai người hay xảy ra chuyện lục đục".

Mối tình "sét đánh"

Theo luật tục của người M'Nông, khi người chồng muốn bỏ vợ và ngược lại, ngoài việc phải nộp phạt cho làng, anh ta phải để lại toàn bộ của cải cho vợ nuôi con. Thế nên khi quyết định lấy người vợ thứ 3, Amakông bước ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng.

Khi được đề cập đến tên tuổi và những năm tháng sống bên người vợ đẹp đến độ "vua voi" sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ để cưới được nàng thì Amakông lắc đầu. Người thân của ông cũng không muốn nói về người vợ này.

Thỉnh thoảng có chút giận hờn...

Họ chỉ cho biết năm Amakông được 75 tuổi thì ông góa vợ. 6 năm sau, khi bước sang tuổi 81 thì "vua voi" lại lên xe hoa với một phụ nữ xinh đẹp nhỏ hơn tuổi con gái út của ông.
Người Buôn Đôn nói riêng, Đắk Lắk nói chung mỗi khi nhắc đến mối tình sole này đều không quên kết luận: "Đó là mối tình sét đánh vì không ai nghĩ ông già có thể "cua" được một cô gái xinh đẹp. Càng bất ngờ hơn khi cô gái đó nghe ông ngỏ ý đã nhận lời".
Người vợ thứ 4 của Amakông là Hồng Khăm, năm nay 43 tuổi. Ở tuổi này, trong khi phụ nữ ở làng ai nấy đen đúa, héo hon thì Hồng Khăm trắng trẻo, da dẻ mịn màng, hừng hực sức sống. Như ông xã Amakông, Hồng Khăm nhai trầu bỏm bẻm. Mỗi khi nói chuyện tình duyên, chị cười bẽn lẽn như con gái mới lớn. Nhất là khi được hỏi: "Chị có thương ông già không?".

- Phải thương mới cưới nhau. Không thương sao sống chung, có con được!

Hồng Khăm kể hồi còn con gái, chị đã biết tiếng Amakông nhưng không nghĩ sẽ có lúc "sống cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường" với ông già. Phần vì tuổi tác chênh lệch, phần vì xuất thân hai người khác biệt nhau. Amakông dòng dõi danh giá. Chị thì con nhà nghèo. Chị ỏn ẻn: "Hồi nhỏ chỉ nghe tiếng ông già. Lớn lên mới biết mặt khi ổng làm huấn luyện voi cho vườn quốc gia".

Hồng Khăm xinh đẹp nên nhiều người dòm ngó nhưng những mối tình chẳng đi đến đâu. Mãi đến năm chị 30 tuổi, nhờ có hàng xóm làm nhịp cầu nên chị đến với Amakông. "Nhà mình ở gần chỗ ông già làm. Lúc đó ông già chết vợ rồi.
Có người chọc hỏi: "Ông có muốn lấy vợ không?", ông già hỏi "lấy ai?" thì người ta nói "Lấy con Hồng Khăm kìa". Nghe nhắc đến mình, ông già ưng cái bụng liền nhưng sợ mình không đồng ý mới nói: "Mình già, người ta trẻ, sợ không được đâu. Chuyện là như vậy!".

Nhắc lại chuyện cưới được vợ trẻ đẹp, vua voi Amakông mặt rạng ngời: "Ở gần, hay gặp mặt nên cũng thấy thích. Nhưng mình để trong lòng thôi. Biết người ta phải lòng rồi, mình mới rủ nó ra bờ sông "nói chuyện". Nó khen ông già khỏe rồi hai đứa mới làm lễ buộc dây buộc chân đấy!".

Một chuyện tình kỳ diệu

Bà H'Ni (79 tuổi), mẹ vợ của Amakông tỏ ra ngạc nhiên trước câu hỏi: "Lúc Hồng Khăm chịu lấy ông già có mấy đời vợ, cụ có cấm cản không?". Bà mẹ vợ có tuổi đời nhỏ hơn anh con rể (Amakông năm nay 98 tuổi) giọng quả quyết: "Nó thương thì cho lấy thôi mà!".

- Có người nói Hồng Khăm chịu lấy Amakông do ông già giàu?

- Bà H'Ni và vợ chồng anh con rể bật cười trước câu hỏi này. Một lát sau, Amakông thú nhận: "Hồi trước mình có nhiều voi, có nhiều trâu bò, chiêng ché nhưng về già không còn gì". Bà H'Ni góp chuyện: "Mỗi lần bước ra khỏi nhà là ông già để lại của cải cho con cái hết rồi. Khi lấy Hồng Khăm ổng không đất đai, không nhà cửa, chỉ có tay trắng".

Trái với hình dung của nhiều người, đám cưới của "vua voi" không tưng bừng, không kinh thiên động địa mà diễn ra rất gọn nhẹ như đám cưới của những đôi lứa con nhà nghèo. Vừa nhai trầu, vua voi vừa hồi ức: "Do nghèo nên đám cưới mình không giết trâu, giết bò. Lúc đó chỉ làm con gà thôi. Lễ buộc dây buộc chân không có vòng vàng vòng bạc gì đâu. Chỉ lấy dây rừng làm tượng trưng thôi mà!".

Vượt qua rào cản về tuổi tác, địa vị, sang hèn, chuyện tình của dũng sĩ săn voi rừng số 1 Tây Nguyên Amakông và cô gái xinh đẹp Hồng Khăm đúng nghĩa mối tình kỳ diệu. Càng kỳ diệu hơn khi một năm sau đám cưới, cô dâu Hồng Khăm đã sinh cho chú rể Amakông một bé gái kháu khỉnh tên H'Búp (niên học 2008 - 2009 này, cô bé lên lớp 6). Theo lý giải của Hồng Khăm, H'búp có nghĩa là búp bê. Búp bê cuối cùng mà vua voi Amakông có thể kiến tạo được.

Hiện tại, tổ ấm của Amakông được duy trì bằng những bọc thuốc tráng dương bổ thận được ông bán tại nhà. Hôm chúng tôi ghé thăm, nghe những người hàng xóm nói nhỏ, Amakông rất cưng vợ nên hiếm khi có chiến tranh xảy ra.
Để giữ hòa khí gia đình, ông già lúc nào cũng cười, kể cả khi bị vợ la. Người ta cũng kháo nhau nhờ bài thuốc gia truyền mà ở tuổi đại thụ, vua voi vẫn "trả bài" đều đặn. Một người hàng xóm hóm hỉnh: "Hôm nào ổng không hoàn thành nhiệm vụ là biết liền thôi. Sang chơi thấy bả ngồi một góc, ổng ngồi một góc. Kẻ nhai trầu, người hút thuốc".
Trương Phúc Trinh

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác