Như người Ban mê đã chia sẻ với các bạn, vườn cảnh là một nghệ thuật và những người làm vườn cảnh buộc phải làm nghệ sĩ. Yêu thích làm vườn và đam mê nghệ thuật vườn cảnh nên người Ban mê cũng đúc kết và tích lũy được chút ít kinh nghiệm với mười lăm năm xây dựng Vườn Trohbư, quyết tâm biến một mảnh đất hoang thành một trong những khu vườn cảnh đẹp nhất Tây nguyên.
Tuy nhiên mười lăm năm đối với nhiều người không phải là dài, người Ban mê cũng không dám tự nhận mình là một chuyên gia hay một nghệ nhân và có thể những kinh nghiệm này đúng với vườn Trohbư còn sai tè le với khu vườn nhà bạn. Vì vậy nếu mọi người xem thấy đúng thì ủng hộ còn thấy sai thì cũng nhiệt tình góp ý để người Ban mê hòan thiện và chia sẻ với các bạn yêu thích nghệ thuật vườn cảnh nha.
1.Diện tích vườn: Để làm được vườn cảnh đẹp thì diện tích cũng phải rộng rộng một tí khỏang từ 300-500m2 trở lên. Điều này thì quá là rõ ràng, với mảnh đất nhỏ thì quả là khó để khai triển hết các ý tưởng và đòi hỏi sự cao tay của người làm vườn cảnh. May quá, điều này thì Vườn Trohbư của người Ban mê không phải lo.
2.Địa hình vườn cảnh: Nếu mảnh đất bạn định làm vườn cảnh mà có địa hình gồ ghề thì nhất hạng. Quan điểm dứt dọac là càng đồi núi càng tốt nha. Cái này thì Trohbư được 10 điểm. Trohbư có cả mấy quả đồi bát úp san sát nha bây giờ các con đường đi dạo trong vườn thật là ra dáng vì lên dốc xuống đồi hoặc men theo bờ hồ liễu rủ, mê chả thể nào tả được.
3. Nước trong vườn cảnh: Nước là một yếu tố không thể thiếu trong vườn cảnh, theo người Ban mê thì nếu không có nước vườn cảnh coi như vứt. (Vườn cảnh khô của Nhật cũng chỉ là những tiểu cảnh trong vườn có nước mà thôi). Trohbư có đến 7 cái hồ và nước chiếm đến 1/5 diện tích vườn xứng đáng được 10 điểm. Hồ trong vườn cảnh không những làm tươi mát cảnh quan mà còn làm bạn giảm nhiều chi phí chăm sóc và giúp bạn dễ dàng trong việc tạo cảnh. Ven bờ hồ ta có thể chơi cây bờ nước còn mặt hồ thả ít súng, ít sen, ai mà bảo không thích là nói dối à nghen.
4.Đá trong vườn cảnh: Trong vườn cảnh, đá cũng là một yếu tố không thể thiếu bởi vì nếu không có đá được xếp đặt nghệ thuật thì vườn cảnh chả khác gì một mảnh vườn trồng rau. Vào mùa hoa có khi các cánh đồng rau còn tưng bừng hoa hơn. Cái này thì Trohbư xứng đáng nhận 7 điểm. Đó là châm chước vì bản thân Trohbư đã có nhiều đá tự nhiên ở suối, thác, bờ hồ nhưng trừ điểm cho biết tay vì ở Buôn Đôn có bao nhiêu là đá đẹp đem đi khắp nơi làm cảnh trong Tòa giám mục địa phận Buôn Ma Thuột, làm cả núi đá trong làng cà phê Trung nguyên còn ở Trohbư thì chủ nó hơi chậm chân lấy không được trước khi nhà nước có lệnh cấm khai thác. Vừa rồi dùng xe cày độ kéo trộm được vài xe thì cũng lại phải dừng, chưa thấm béo vào đâu cả.
5.Rừng cây vườn cảnh: Đối với những vườn cảnh lớn mà không có rừng cây thìchả ra sao cả. Với vườn nhỏ có thể châm chước nhưng cũng phải có những cụm cây cao thấp giả rừng cây. Cái này cho Trohbư 10 điểm vì có công cải tạo một khu đất rẫy bỏ hoang thành một rừng cây mà hi vọng đến đời con của người Ban mê thì còn đẹp và đa dạng sinh học hơn Trohbư ngày xưa nữa.
6. Nét tự nhiên: Vườn cảnh thường mang hơi hướng cổ nhất là vườn phương đông. Vì vậy trừ bỏ nghệ thuật vườn công viên ra thì chính giả như thật là thành công lớn nhất của vườn cảnh. Điều này Trohbư xứng đáng điểm mười lắm vì tôn chỉ đưa ra ngay khi bắt đầu làm là tôn trọng hết sức nét tự nhiên, giờ thì tương đối vì rõ ràng nếu không tôn trọng cũng chả được. Trohbư giờ xứng với cái tên rừng cảnh hơn là vườn cảnh với cây cối phần lớn mọc tái sinh tự nhiên và cả do chim chóc, gió và cả do người Ban mê mang đến. Bây giờ đi trong vườn phải chú ý đấy nhé nếu không bạn và cả các chú ếch ộp sẽ luôn giật mình thon thót vì chạm mặt phải nhau bất ngờ…
Hình ảnh minh họa đề nghị xem trong thư mục ảnh vườn cảnh Trohbư của mình nha: http://vn.blog.yahoo.com/organize/album_list.php?fid=37
Kết luận: Với điểm số cao như vậy, tính cho cơ sở ban đầu mà Trohbư không trở thành một trong những khu vườn cảnh đẹp nhất Tây nguyên được thì kinh nghiệm làm vườn cảnh của người Ban mê cũng chả đáng đồng xu teng nào cả.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook