(*Nếu cần, bấm hai lần vào Tựa Bài để mở bài).
BỨC TRANH THIÊN NHIÊN VƯỜN GIVERNY CỦA MONET.
(Du ký bằng hình ảnh)
Nguyễn Xuân Quang
Đến Pháp lần này, chúng tôi quyết định về Giverny thăm ngôi vườn hoa súng của Monet. Đến đây chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên của Monet đã dùng những vật liệu thiên nhiên, hồ ao nước, cỏ cây hoa lá, gỗ đá, … “vẽ” nên. Từ bức tranh này ông đã sao chép vẽ lại thành những tác phẩm nổi tiếng lừng lẫy sau này.
Buổi sáng, chúng tôi rời khu tĩnh dưỡng Mariott ở công viên Disney,Paris lái xe hướng về Giverny. Vì lạ đường mà đường lại có khúc đang sửa chữa và nhìn các bảng chỉ đường chưa quen, chúng tôi đi lạc một đỗi, mãi tới xế trưa mới đến nơi.
Giverny ở vùng Normandy là một ngôi làng nhỏ, lúc Monet đến ở vào năm 1883 chỉ có 300 người, cách Paris 84 km nằm bên bờ con sông nhỏ Epte, phụ lưu của dòng sông Seine chẩy qua Paris. Monet một lần đi xe lửa ngang qua đây đã bị thu hút bởi phong cảnh nên thơ với sông rạch, hàng liễu rũ và những cây dương của vùng này, ông quyết định dừng chân ở lại nơi đây vào năm 1883. Lúc đầu ông thuê căn nhà về sau khi bán tranh đủ tiền ông mua luôn căn nhà.
Ngôi nhà và vườn Giverny bây giờ đã trở thành một nơi được thăm viếng nhiều đứng hàng thứ nhì sau điện Versailles. Mỗi năm có tới cả triệu du khách viếng thăm nơi đây.
Từ bãi đậu xe trên lối đi vào nhà trong một khu vườn nhỏ có một bức tượng bán thân của Monet chào đón khách thăm viếng.
Tượng bán thân Monet của điêu khắc gia Daniel Goupet (ảnh của bác sĩ Amy Á Mỹ Nguyễn, thứ nữ của tác giả).
Ngôi nhà sau khi Monet mất bị hư hại bởi thời gian và tàn phá bởi chiến tranh. Gần đây, nhà được trùng tu lại do tiền đóng góp của các nhà hảo tâm, trong đó đa số là người Hoa Kỳ.
Ngôi nhà hiện nay của Monet (ảnh của Amy Á Mỹ Nguyễn).
Ngay cửa vào có để trên giá vẽ một bức hình Monet ngồi dưới dàn hoa ngoài vườn.
Hình Monet ngồi dưới dàn hoa ngoài vườn để trên giá vẽ ngay cửa vào nhà (ảnh của tác giả).
Phong cách trang trí trong nhà cho thấy Monet có một cái sở thích và tâm thái của một nghệ sĩ thanh lịch, khá giả và yêu thích cái Ấn Tượng trên tranh gỗ Nhật Bản.
Rất tiếc không được phép chụp ảnh trong nhà.
Phòng làm việc còn nguyên giấy bút và xưởng vẽ còn giữ nguyên như Monet đang múa những đường cọ sắc mầu trên canvas, khắp nơi đầy những tác phẩm đã hoàn tất và dang dở của Monet.
Khắp nhà, từ lối vào, phòng khách mầu lam, cầu thang và ngay cả trong phòng vệ sinh trên tường treo đầy những bức tranh mộc bản của Nhật Bản. Monet thích và say mê sưu tập tranh mộc bản Nhật. Tại phòng ăn mầu vàng có tới 56 bức. Đến cuối đời bộ sưu tập của ông lên đến 231 bức. Ông sưu tập các tranh mộc bản của các nhà danh họa, bực thầy của Nhật Bản như Hokusai, Hiroshige, Utamaro… Tranh mộc bản Nhật có chiếc mang phong thái ấn tượng. Camille Pissarro, một họa sĩ trong nhóm Ấn Tượng, trong một lá thư viết cho con đã viết “Hiroshige is a wonderful impressionist, Cha, Monet và Rodin rất hâm mộ.”Tuy nhiên, theo các nhà phê bình hội họa, Monet chỉ lấy cảm hứng từ tranh mộc bản Nhật vì tranh này thường vẽ cảnh thiên nhiên, phong cảnh hay thay đổi với mưa, nắng, tuyết giá… Nhưng Monet không vay mượn. Lối vẽ của ông khác các mộc bản về nhiều phương diện. Các nghệ sĩ Nhật thích những tiểu tiết vui tếu (anecdotic) hay bi thảm hóa các thời điểm, còn Monet chú tâm vào ánh sáng.
Khu vườn nhà Monet chia ra làm hai khu: vườn hoa Clos Normand ngay ở trước nhà và vườn nước Nhật Bản.
.Khu Vườn Hoa Clos Normand
Khi mua căn nhà vào năm 1883, Monet biến khu vườn của khu nông trại thành khu vườn Clos Normand để vợ là Alice Hoschedé vui thú điền viên. Ông thích vườn tược sau thú vẽ tranh. Trong những năm đầu ông tự tay làm vườn.
Theo con mắt và tâm hồn của một họa sĩ ông “sáng tác” khu vườn như vẽ một tấm tranh trên khung vải bố canvas. Cấu trúc khu vườn như bố cục của một họa phẩm. Ông sắp xếp mầu sắc hoa cỏ theo phối cảnh của một họa phẩm. Mầu sắc cánh hoa lấp lánh dưới ánh nắng như trên tấm canvas của phái ấn tượng.
Con đường lớn chính giữa vườn có những vòm hoa leo như tường vi, thục qùy (hollyhock), cây ông lão (clematis)…
Con đường chính có vòm hoa leo nhìn từ một bên (ảnh của tác giả)
Vườn có nhiều lối đi với các thảm hoa hai bên. Mỗi mùa có những loại hoa khác nhau.
Thơ thẩn giữa rừng hoa (ảnh của Amy Á Mỹ Nguyễn).
Tản bộ trong vườn hoa.
Cái đặc biệt là hoa cỏ ông để mọc tự nhiên không bị bắt phải xếp ngay hàng thẳng lối như các quân nhân đi duyệt binh.
Ngoài vườn hoa ra, còn có cả một khu vườn nhỏ trồng cây ăn trái, rau cỏ cho gia đình dùng.
Vườn cây ăn trái (ảnh của tác giả).
Vườn cây ăn trái, ngoài những thứ thổ sản Âu châu, vườn còn có những cây ăn trái, hoa quả Đông phương và vùng nhiệt đới. Mùa này đang có lê Á châu (xá lị) và cây bạch quả đang ra trái.
Lê Á châu.
Cây bạch quả đang ra trái.
Monet sưu tầm các loài hoa thơm cỏ lạ. Ông trao đổi cây cỏ với bạn hữu.
Các loài hoa thơm cỏ lạ.
.Khu Vườn Nước (water garden) Nhật Bản
Đây chính là khu vườn mang tên Giverny nổi tiếng thế giới thường thấy trong các họa phẩm của Monet.
Mười năm sau, vào năm1893, để làm khu vườn nước, ông mua thêm một miếng đất bên cạnh nhà nhưng nằm ở phía bên kia một tỉnh lộ chạy dọc theo con đường xe lửa mà Monet đã đi qua. Ngày nay có làm một con đường hầm để khu vườn hoa thông thương với khu vườn nước. Khu đất mới mua này có một con lạch nhỏ tên là Ru chẩy qua. Con lạch này chẩy vào phụ lưu Epte của sông Seine. Ông xin phép làm một cái vườn nước kiểu Nhật mà ông thấy trong tranh mộc bản Nhật. Ông muốn khai mương lấy nước từ con lạch vào làm ao nước trồng hoa súng. Ông bị các nông dân trong vùng phản đối, họ viện lý do là không muốn những thứ hoa cỏ lạ từ phương xa ông đem về trồng trong vườn sẽ làm ô nhiễm dòng sông. Mãi một thời gian lâu sau ông mới được phép.
Monet đã dùng ao hồ, rạch nước, cây cỏ… tạo thành một bức phác họa thiên nhiên để rồi sao chép lại vẽ thành những bức tranh tuyệt tác sau này.
Ao hoa súng được làm phỏng theo các tranh mộc bản Nhật. Chiếc cầu Nhật Bản với dàn hoa tử đằng (wisteria) do chính Monet trống bây giờ vẫn còn sống. Tên hoa tử đằng có nghĩa là hoa ”dây tím”. [Tử làtím và đằng biến âm với thằng có nghĩa là dây như xích thằng là sợi dây đỏ. Qua từ đôi đằng thằng, ta có đằng = thằng (dây). Việt ngữ (dây) thừng ruột thịt với thằng]. Về mùa xuân, hoa tử đằng wisteria rực rỡ với những chùm hoa trông như những chuỗi mầu tím hay trắng buông thõng xuống dàn phủ kín vòm cây cầu xanh mầu ngọc thạch.
Amy Á Mỹ, thứ nữ của tác giả, đứng trên cây cầu Nhật Bản ở vườn Giverny của Monet.
Bên hồ có hàng liễu rũ lơ thơ tơ mành Đông phương.
Liễu rũ bên hồ (ảnh của tác giả).
Và cũng không thiếu tre trúc, linh hồn của phương Đông.
Khóm trúc, bờ tre bên hồ (ảnh của tác giả).
Nhưng chủ điểm chính là hoa súng nở về mùa hè.
Hoa súng nhìn xa từ trên cầu (ảnh của tác giả).
Hoa súng nhìn gần hơn từ trên cầu (ảnh của tác giả).
Hoa súng nhìn gần thêm nữa từ trên cầu (ảnh của tác giả).
Hơn hai mươi năm, ông mê say vẽ cảnh ao hoa súng này. Monet đam mê gần như bị ám ảnh bởi khu vườn nước kiểu Nhật này. Ao hoa súng là thế giới, là tiểu vũ trụ Đông phương của ông. Cả phần cuối đời, ông miệt mài vẽ cảnh vườn nước và hoa súng và đây là những tác phẩm tuyệt tác của ông. Ông vẽ vào lúc tinh mơ, sáng, trưa, chiều, tối, đêm trăng, vẽ qua bốn mùa xuân hạ thu đông với mầu sắc cỏ cây thay đổi theo thời gian, không gian, ánh sáng, nhiệt độ của thiên nhiên, trời đất.
Hoa buổi chiều (Fleur du Soir) của Monet (Graphique de France) (Kỷ vật mua tại Viện Bảo Tàng Louvre).
Chủ thể thật sự không phải là những đóa hoa súng mà là những thay đổi của ánh sáng phản chiếu tuyệt diệu trên mặt ao súng: bầu trời xanh lam, mây trắng với cây lá xanh tươi ven ao (http://www.intermonet.com/japan/).
Khi về già ông bị chứng mờ giác mạc (cataracts) phải dùng canvas lớn hơn và vẽ chi tiết ít hơn. Những bức tranh vào lúc này trông mờ ảo như sau một màn thác nước với mầu nhạt nhòa ngả về mầu lam nhạt hơn (Cataracts có nghĩa là thác nước, chứng mờ giác mạc khiến người bệnh nhìn cảnh vật như nhìn qua một thác nước mờ mịt đổ xuống ngay trước mắt). Phân tích mầu và ánh sáng nhạt nhòa trên các bức tranh về cuối đời của Monet ta có thể chẩn đoán được độ nặng của chứng mờ giác mạc của ông.
http://daen.theamk.com/art/Monet/monet.japanese-bridge.jpg
Hãy thử chẩn đoán xem chiếc cầu Nhật Bản này ông vẽ vào lúc nào trong ngày và vào giai đoạn nào của chứng mờ giác mạc ở Monet.
Ngồi tĩnh lặng ngắm bức tranh thiên nhiên vườn nước kiểu Nhật của Monet, tôi tìm gặp lại cái thanh thản trong tâm hồn mình lúc ở nhà mỗi khi ra làm vườn và sống với cỏ cây, tre trúc. Tôi giống Monet là thích làm vườn sau thú viết lách (trong khi ông thích vẽ). Monet làm vườn theo con mắt và tâm hồn của một họa sĩ thích Đông phương. Tôi thích làm vườn theo cái vũ trụ quan dựa trên cốt lõi Chim-Rắn, Tiên Rồng của văn hóa Việt. Tôi cũng thích hoa cỏ dại để mọc tự nhiên theo nòng nọc, âm dương của càn khôn, vũ trụ. Tôi không thích trồng cỏ tưới nước, bón phân cho xanh tươi tốt rồi cắt xén cụt đầu đi. Nhiều lần cơ quan phòng hỏa của thành phố gởi giấy cảnh cáo và dọa sẽ cho người làm vườn đến rẫy bỏ hoa cỏ dại, rồi gởi chi phiếu bắt tôi trả tiền. Tôi đã phản đối bằng cách gởi kèm theo bức ảnh dưới đây, nói rằng hoa cỏ dại cũng là hoa, những thứ hoa mang trọn vẹn, tinh khôi của hồn thiên nhiên, vũ trụ.
Mùa xuân trong vườn nhà ở California với hoa dại oxalis (ảnh của bác sĩ Trịnh Bá Tường).
Cuối cùng tôi được họ cho hoãn làm cỏ dại cho tới khi hoa tàn mới phải làm.
Đây chính là một trong những lý do tôi thích tìm đến thăm khu vườn Giverny này của Monet.
Khi nổi tiếng, Monet được mời đến trang trí cho Viện Bảo Tàng Orangeries, Paris.
Để trọn vẹn, ngày hôm sau, chúng tôi đến Viện Bảo Tàng Orangeries để chiêm ngưỡng một phần khu vườn Giverny này trên canvas.
Một góc ao hoa súng của Monet tại Viện Bảo Tàng Orangeries.
(ảnh của tác giả).
Hoa súng nhạt nhòa của Monet tại Viện Bảo Tàng Orangeries. Không rõ lúc này Monet đã bị mờ giác mạc hay chưa?
Liễu rũ bên ao hoa súng của Monet tại Viện Bảo Tàng Orangeries.
Bóng Monet trên mặt ao hoa súng? (ảnh của Amy Á Mỹ Nguyễn).
(ảnh của tác giả)
Hoàng hôn hay bình minh trên ao hoa súng?
Monet thích làm vườn và thích ao hoa súng Nhật Bản. Tôi cũng thích làm vườn và thích tre trúc. Có lần bộ sưu tầm tre trúc của tôi lên gần tới 60 loại. Vì thế mà tôi yêu thích Giverny.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook