Trước tình trạng người dân dùng nước giếng khoan chưa qua xử lý triệt để, nhóm học sinh lớp 12B2 chuyên Sinh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - đã nghiên cứu giải pháp xây dựng mô hình bể lọc cải tiến góp phần loại bỏ mùi tanh trong nước giếng khoan. Giải pháp đã đoạt giải nhất cuộc thi quốc gia về "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" lần thứ ba, quan trọng hơn, nó rất đơn giản và hiệu quả trong việc áp dụng vào thực tế.
Nỗi ám ảnh "tanh"
"Mỗi khi về quê, thấy nước giếng khoan nhà mình có mùi tanh, em chỉ mong muốn có một bể lọc hoàn hảo để lọc hết mùi" - Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng nhóm hồ hởi bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.Mày mò tìm kiếm thông tin qua sách, báo, trong các báo cáo khoa học, bộ ba Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Đăng Phúc Long và Nguyễn Tuyết Chinh được biết hơn 40% số dân ở Hà Nội vẫn chưa được sử dụng nước máy đạt chất lượng, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn ngoại thành như: Thanh Trì, Sóc Sơn, Từ Liêm v.v...
Trong khi ấy, hàm lượng các chất như mangan, asen, amoni... đặc biệt là hàm lượng sắt đều vượt quá giới hạn cho phép ở cả hai tầng nước, thay đổi theo mùa. Bức xúc trước vấn đề ấy, cả nhóm quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học "Cải thiện chất lượng nước giếng khoan bằng phương pháp cải tiến bể lọc truyền thống kết hợp với việc sử dụng cây thủy trúc và chất hóa học A101", ngõ hầu góp một chút sức mọn vào việc nâng cao chất lượng nước sinh hoạt của người dân thủ đô.
Ý tưởng sử dụng cây thủy trúc để lọc nước giếng khoan đến với Tuyết Chinh, thành viên nữ duy nhất trong nhóm - thật tình cờ. Chả là, những ngày chủ nhật về nhà bà ngoại ở huyện Thạch Thất, Hà Tây, Chinh đều thấy bà ngoại trồng cây thủy trúc trong các bể lọc nước giếng khoan. Lấy làm lạ, Chinh hỏi bà thì được biết cây thủy trúc lọc nước giếng khoan rất tốt.
Khi Chinh mang ý tưởng này ra đề xuất, ngay trong trưa nắng, cả nhóm vội vã bắt xe khách về Hà Tây hỏi ý kiến bà. "Loại cây hoa hình chùy này có khả năng lọc sắt làm giảm mùi hôi tanh nước giếng khoan. Các cháu cứ mang về làm thử, bà tin nó sẽ có tác dụng". Nghe bà, Chinh và các bạn xin một khóm cây thủy trúc mang về Hà Nội trồng để chuẩn bị cho dự án của cả nhóm.
Cây thủy trúc được trồng trong bể lọc, không chỉ có công dụng khử mùi tanh của nước giếng khoan, mà còn có tác dụng làm cảnh. |
Sáng tạo từ phòng trọ
Nhưng nếu chỉ lọc nước bằng cây thủy trúc thì chỉ là một phương pháp cổ điển, thiếu tính sáng tạo và khả thi trong áp dụng. Cả nhóm lại ngồi tranh luận, nhiều lúc căng thẳng để tìm giải pháp. Bà chủ nhà, nơi Thịnh ở trọ đã nhiều phen tưởng tụi trẻ đánh lộn đến nơi, phải chạy sang can thiệp. Khi biết đám trẻ đang... tranh luận khoa học thì bà chỉ còn biết cười xòa.
Rốt cuộc, phương án cuối cùng là về hỏi bố Long, vốn là một kỹ sư hóa chất. Long tâm sự: "Bố chỉ gợi ý cho em phương pháp xử lý nước bằng cách thử dùng polime kết tách. Bàn thảo mãi, cuối cùng cả nhóm quyết định dùng Aronfolic A101 của Nhật Bản để lọc, làm sạch nước giếng khoan quy mô nhỏ. Theo em biết, thì chất này đã được sử dụng lọc sạch nước từ nhiều quốc gia trên thế giới".
Khi đã có cơ sở cho đề tài, cả nhóm góp tiền mua nguyên vật liệu hết 120.000 đồng với hai thùng lọc nước, ống dẫn và chất A101. Thùng mua về, Long nhờ anh trai khoan lỗ cho nước chảy. Rồi lại lòng vòng trên chiếc xe đạp gần hai chục cây số mỗi ngày, cả nhóm mới xin được 5 cân sỏi, 5 cân đá và bỏ tiền ra mua thêm 1.500 đồng than hoa (than củi) về làm thực nghiệm. Mặc dù việc học của năm cuối cấp bận rộn, nhưng vào ba buổi chiều thứ ba, tư và bảy, cả ba lại cặm cụi dành thời gian thực nghiệm cho công trình dự thi.
Công việc đang dang dở lại vướng vào mấy ngày nghỉ tết. Thịnh về quê. Để thùng lọc ở phòng trọ không yên tâm, cả nhóm lại chất tất cả lên xe đạp chở về nhà Long. Chẳng may đi đường một chiếc thùng bị rơi vỡ, cả ba đành phải nhịn ăn sáng lấy tiền mua thùng mới.
Những cố gắng của nhóm ba người đã cho những kết quả khả quan. Cả ba đã quyết định xây dựng mô hình: "Bể lọc cải tiến kết hợp cây thủy trúc với chất A101 để lọc nước giếng khoan". Quy trình lọc của bể là: nước giếng khoan bơm vào bộ phận lọc bằng cây thủy trúc, sau đó cho chảy sang bể lọc thông thường được rắc tán A101, rồi cho chảy vào bể chứa nước sau khi lọc.
Trái ngọt
Niềm vui của các quán quân (từ trái qua phải: Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Đăng Phúc Long và Nguyễn Tuyết Chinh). |
Rồi họ lại dồn tâm sức vào việc chỉnh sửa bản thuyết trình. Nhờ có tài ăn nói, Thịnh đã được chọn làm người trả lời những câu hỏi phỏng vấn của Hội đồng giám khảo.
Trong ngày phỏng vấn chung khảo, cả ba đã ghi điểm trước Hội đồng giám khảo bằng sự xuất hiện hết sức chuyên nghiệp. Là nhóm duy nhất không có thầy hướng dẫn đi cùng. Thịnh tự cài đặt máy tính xách tay để trình bày hình ảnh qua máy chiếu. Thấy vẫn chưa thuyết phục, Chinh cài thêm dữ liệu vào máy tính của Ban tổ chức để giải thích thêm. Long thì lo việc phụ trách phần thí nghiệm với đồ nghề là gói A101 trắng.
Khả năng trình bày tự tin của Thịnh đã chinh phục Hội đồng giám khảo. Từ những ý kiến phản hồi của Hội đồng giám khảo, cả nhóm dự định sẽ đưa ra mô hình lọc nước với một bể cải tiến gồm cây thủy trúc và phèn chua hoặc keo tụ, thay thế chất A101 để giảm giá thành. Họ mong muốn có nhà sản xuất bể lọc cải tiến bằng bồn inox không rỉ để lọc nước trên quy mô hộ gia đình cho nhân dân nhiều vùng vẫn còn đang phải dùng nước giếng khoan...
Và thành công đã đến, nhóm 3 người đã đoạt giải nhất cuộc thi quốc gia về "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" lần thứ ba, giành quyền tham dự cuộc thi quốc tế tại Stockhom (Thụy Điển).
Nhưng điều quan trọng hơn, kết quả nghiên cứu của họ đã được áp dụng rất rộng rãi trong thực tế. Bể lọc được nghiên cứu sử dụng bằng các phương pháp sinh học, hóa học và vật lý, hệ thống bể lọc có hai bình.
Bể lọc thứ nhất dùng phương pháp sinh học là trồng cây thủy trúc, đây là sáng kiến rất độc đáo trong việc dùng thực vật để lọc nước. Bể lọc thứ hai là bể lọc bằng cát, sỏi, than hoa và chất hóa học flocculant. Ưu điểm nổi bật của bể lọc này là giá thành rẻ, nguyên liệu sẵn có, dễ lắp đặt v.v..., rất phù hợp với điều kiện sống của nhân dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nước sau khi lọc đảm bảo chất lượng.
Mẫu nước sau khi lọc qua hệ thống bể lọc, được các em mang đi xét nghiệm tại Viện Hóa học đã cho thấy hàm lượng sắt trong nước trước khi lọc là 8,9mg/l, sau lọc chỉ còn 0,5mg/l, đạt tiêu chuẩn Việt Nam và được phép sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình.
(ST)
Chú ý: Có thể thử nứơc có nhiễm sắt hay không bằng cách để qua đêm xem có lên váng nước không hay đổ nứơc chè đặc vào nếu chuyển sang màu đen là có.
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook