Từ cổ chí kim Hoa lan đã gắn bó, thân thuộc với đời sống con người, dù là nơi thôn dã hay là chốn thị thành, ta cũng đều có thể gặp những mảnh vườn con con có cái dàn be bé để treo lan. Hàng triệu năm đã trôi qua kể từ khi trái đất có sự sống và theo sự tiến hóa của muôn loài, hoa lan cũng lặng lẽ, âm thầm tự mình chọn lọc mà hoàn thiện, để rồi khi có sự giúp đỡ của con người thì mỗi ngày lại một có thêm nhiều hơn những giống hoa đẹp, mới được lai tạo cùng đời khoe sắc khoe hương.
Sức quyến rũ của Hoa lan đối với những người yêu hoa có lẽ không phải chỉ ở sự phong phú về màu sắc, chủng loại cũng như mùi hương, mà còn là ở sự phân bố rộng khắp, sức chịu đựng mãnh liệt và thích nghi cao độ với từng điều kiện sống. Chỉ với một cái giỏ gỗ thôi, hay một chậu đất nung xếp vào vài cục than, thế là đã có thừa các yếu tố để cây lan duy trì sự sống và hơn thế nữa, nó còn có thể hiến dâng những bông hoa thật đẹp cho đời.
Thanh nhã như một người quân tử, hoa lan dựa vào bộ rễ khí sinh vươn dài, chắt chiu trong không khí, tìm ở trong hơi sương, luyện tôi từng giọt sống. Có lẽ ngoài hoa lan ra thì ngay cả những loài xương rồng dạn dĩ gió sương, vốn quá quen với cuộc đấu tranh sinh tồn nơi khô cằn hoang mạc cũng không thể ngang tàng treo mình trong không trung như vậy mà có thể sống mà phát triển được được.
Với con người, hoa lan còn là cả một bài học về tính tự lập. Ừ thì Lan sống bám vào thân cây thật ,nhưng công bằng mà nói ,nó không hề hút từ thân cây chủ dù chỉ là một chút dưỡng chất nào mà chỉ mượn chỗ thân cây làm đất sống. Ngoài ra, khác với những loài sống phụ sinh khác, hoa lan cho dù có tập trung nhiều đến đâu trên cùng một giá thể, cũng không làm cho cây gỗ mình đeo bám còm cõi hay chết đi, trái lại nó như những đồ trang sức quý giá, điểm tô làm cây gỗ đẹp thêm. Với nông nghiệp, hoa lan chẳng tranh giành của con người một chút xíu đất canh tác nào mà còn là một mặt hàng xuất khẩu có gia trị kinh tế rất cao. Nó cũng không cạnh tranh gì nhiều với các loài hoa cây cảnh trong vườn nhà.
Thì này nhé, ở nông thôn đất đai rộng rãi lan vẫn khiêm tốn ẩn trong một cái dàn nơi góc sân, bờ tường hay cả nơi gốc cây trong vườn, cạnh nhà nữa , đất hẹp thì có thể treo lan nơi hàng hiên, cửa sổ. Nơi thành thị chật chội hơn nữa thì lan có thể treo ở những cái giếng trời nho nhỏ hoặc đôi khi còn leo lên ở cả trên sân thượng của những tòa nhà cao tầng. Trước giờ đã có không ít người lầm hiểu về hoa lan, họ cứ nghĩ Vương giả chi hương có nghĩa hoa lan là một loại cây hoa của những kẻ nhà giầu, của những bậc vua chúa, đế vương và vì thế chắc là hoa lan sẽ rất khó sống, khó trồng, để dần dần đi đến chỗ có ấn tượng không tốt, ghét bỏ hay sợ trồng không được Hoa lan. Nhưng nào đâu phải vậy, có thể là với 1 số loài Lan lai điều kiện sống còn chưa được phù hợp cho lắm với khí hậu Việt nam và yêu cầu cũng có hơi cao một tí thật nhưng Lan rừng của ta thì dễ sống, dễ trồng và dễ chăm sóc lắm chứ. Chẳng phải đã có những người vô tình thấy một giò lan rừng đang nở hoa thật đẹp, họ hớn hở bỏ tiền ra mua về, treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Thế rồi vài ngày qua, hoa tàn chồi úa, họ vứt lăn bỏ lóc cây lan mới hôm trước còn nâng niu chiều chuộng nơi vách dậu bờ tường. Cây lan thiếu sự chăm sóc trở nên héo úa xanh xao những tưởng sẽ sớm từ giã cõi đời. Vậy mà một ngày kia, bất chợt có cơn mưa đầu mùa ghé đến, từ những giả hành nhăn nheo những chồi lan bỗng lay động, bộ rễ khí sinh dần dần trở nên mọng nước, những chồi hoa cũng chầm chậm nhú theo, để cuối cùng là những bông hoa tuyệt đẹp lại kiêu hãnh vươn mình, kì diệu làm sao!
Bởi vậy, nếu bạn là người lần đầu tiên đến với thế giới muôn màu của Hoa lan, muốn nuôi trồng được Hoa lan, tôi xin có một lời khuyên: Hãy bắt đầu từ những chậu lan rừng của xứ sở quê hương. Bạn sẽ thấy ngay rằng trồng hoa lan thật dễ, không khó khăn dù chỉ một tẹo nào và biết đâu chừng như vậy chính là bạn đã góp một phần bé nhỏ của mình vào công việc giữ gìn lại cho tổ quốc nguồn Gene của loài thực vật quý giá này trước tốc độ phi mã của hiện tượng phá rừng hay xuất khẩu lan với giá cây rau, củ trong giai đoạn gần đây.
Balmé 2004
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook