Ché rượu cần tây nguyên

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 1040
  • Tổng lượt truy cập 10,266,734

Fanpage facebook

Ngày đăng: 21/02/2013, 03:42 pm

Ché là vật dụng dùng để đựng muối, gạo, măng chua, đồ trang sức, vải vóc… Nhưng phổ biến nhất là ché dùng để ủ rượu cần - loại rượu truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Rượu được làm từ gạo nếp, gạo tẻ hay sắn. Men rượu trước đây được làm từ bột gạo và những loại củ hay lá rừng, vỏ cây rừng, ngày nay người ta thường dùng men làm sẵn bán ở các chợ. Người làm rượu trộn đều hỗn hợp cơm với men và trấu, sau đó bỏ vào đầy ché để ủ rồi bít kín miệng ché lại. Rượu cần có thể ủ vài ba tuần, có thể mấy tháng sau, thậm chí vài năm sau mới đem ra uống được. Đặc điểm nổi bật của rượu cần là không cần chưng cất, uống bằng cách dùng chiếc ống dài nhỏ và cong (cần) để hút rượu từ ché vào miệng.

Ché được coi là một hiện vật của văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Chưa rõ người ta bắt đầu biết đến ché từ lúc nào, nhưng bất kể dân tộc nào sống ở vùng này đều sử dụng ché. Vật dụng này hiện diện từ xa xưa tới nay, trong mỗi buôn làng và trong mỗi nhà.

Đồng bào dân tộc thiểu số đề cao tính cộng đồng và chịu sự chi phối của tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Vì vậy, mỗi gia đình thường ủ sẵn có thể tới hàng chục ché rượu để chuẩn bị cho các lễ cúng và khoản đãi khách. Hàng năm theo phong tục có rất nhiều lễ cúng nhỏ diễn ra trong từng gia đình và trong buôn làng, theo định kỳ và không định kỳ. Rượu cần là lễ vật không thể thiếu để dâng hiến các thần linh. Cho nên, ché là vật dụng mà mỗi gia đình phải có và được sử dụng khá thường xuyên.

Có đến hàng trăm loại ché với nhiều hình dáng và tên gọi khác nhau như ché túc, tang, pô, pa… Và theo quan niệm của người dân nơi đây, ché có liên quan đến chất lượng rượu; đựng trong ché cổ, ché quý thì rượu ngon hơn. Những ché rượu này dùng để cúng thần linh trong các lễ lớn, quan trọng và sau đó chỉ những người lớn tuổi mới được uống, hoặc để tiếp khách quý. Với rượu dùng cho các lễ cúng nhỏ và để tiếp khách thường ngày, người ta không kén chọn ché và cũng chỉ cần những ché cỡ nhỏ.

Uống rượu cần là một tập quán đậm chất văn hóa Tây Nguyên. Rượu cần thường được uống vào dịp sinh hoạt cộng đồng ở nhiều mức độ khác nhau. Bên ché rượu, mọi người thể hiện tập tục hiếu khách, trọng người già, tôn trọng phụ nữ… Người ta không chỉ thưởng thức rượu, mà còn giao lưu cởi mở với nhau, qua đó củng cố và phát triển các mối quan hệ xã hội trong buôn làng cũng như bên ngoài.

Theo báo Yên Bái

Hồn thiêng giữa đại ngàn

Ngụ cư lâu đời trên năm tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là đồng bào các dân tộc Brâu, Rơ-măm, Êđê, Gia Rai, Xơ-đăng, Cơ-ho, Bana, M''nông…

Nhóm đồng bào này có chung nhiều tập quán sinh hoạt, nét văn hóa tương đồng, trong đó có tập quán sử dụng ché, một loại vật dụng bằng gốm đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân bản địa. Thời bấy giờ để có được ché quý, gia chủ phải đổi bằng trâu, dê, voi có ngà dài… Như cồng chiêng, ché được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tin là nơi trú ngụ của các vị thần nên ché còn có "hồn thiêng".

Nghệ nhân Y Thim Byă ở buôn Ea Bông (xã Cư Ebuar, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), người có "kho báu" chiêng ché đồ sộ nhất nhì vùng đất đỏ bazan, cho biết: "Do không biết làm nghề gốm nên người Tây Nguyên xưa rất coi trọng ché vì ché rất đắt, có khi là cả gia tài kếch xù. Cùng với cồng chiêng, nồi đồng, trâu, voi, nô lệ gia đình…, thời bấy giờ người càng có nhiều chiêng ché sẽ càng được kính trọng bởi đó là người giàu sang".

Già Bok (ở huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai) hồi tưởng: "Ché quý không phải là ché to, ché bự, có màu sắc sặc sỡ mà là ché có lịch sử lâu đời. Ché do ông bà xưa để lại càng cổ càng quý. Ché có nhiều tai thì càng có giá trị (từ 2-8 tai)... Do ché là tài sản lớn nên con cái đi lấy vợ, lấy chồng cha mẹ sẽ chia ché cho con. Người con trai muốn có vợ, con gái muốn bắt chồng phải có ché! Ai vi phạm luật tục, phải nộp ché quý làng mới tha tội!".

T. Dũng - CAND

 

VĂN HÓA RƯỢU CẦN VÀ BẢO TÀNG CHÉ CỔ

Biên Hòa, Bình Dương, những trung tâm gốm sứ nổi tiếng của cả nước từ lâu đã góp phần hình thành nên văn hóa rượu cần của cả khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên. Trong các sản phẩm gốm sứ, ché vừa là sản phẩm dân dụng vừa là loại hình đồ gốm mang tính thẩm mỹ cao và được tiêu thụ mạnh ở miền Tây và cao nguyên miền Thượng.

Rượu cần, người Cơtu gọi buốh, người Êđê gọi là kpiê ché, người M’nông gọi là yang n’ranh. Rượu cần được đựng trong những chiếc ché hay ghè bằng sành, sứ do người Kinh ở đồng bằng làm ra. Với đồng bào miền núi, ché rượu cần là một loại tài sản quý. Những gia đình khá giả luôn có một vài bộ ché lớn nhỏ khác nhau được cất giữ cẩn thận trong nhà. Cùng với trâu, bò, cồng chiêng, đồ trang sức, ché cũng là thước đo sự giàu có của mỗi gia đình. Người ta sắm ché chẳng những để ủ rượu cần mà để dành như vật gia bảo, có thể làm sính lễ trong cưới hỏi, đền bù khi xử phạt, thanh toán nợ nần, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân, sui gia.
Hầu hết các dân tộc ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đều làm ra rượu cần để uống. Người Cơtu làm rượu cần từ nếp than, nếp đỏ, sắn, ngô, kê, bo bo (ý dĩ)... Các loại lương thực này sau khi nấu chín, mang ủ cho lên men rồi cho vào ché để một thời gian sẽ thành rượu. Người ta gọi là rượu cần vì dùng cần để hút hoặc rượu ghè, rượu ché vì chúng được đựng trong ghè, ché. Ngày xưa người Cơtu làm men bằng gạo, lá trầu rừng, củ riềng, vỏ quế phơi khô giã mịn trộn đều rồi nặn thành bánh men. Bánh men được phơi khô cho cứng và bảo quản được lâu hơn, khi nào dùng thì giã bánh men thành bột trộn với cơm rượu rồi ủ một thời gian trong ché. Men càng để lâu ủ rượu càng ngon.
Thiếu nữ Tây Nguyên đang thưởng thức rượu cần.
Người ta hiếm khi uống rượu cần một mình mà thưởng thức, chung vui cả cộng đồng. Người được mời uống rượu phải tuân theo các qui định của tập tục như là một thứ văn hóa rượu cần. Những chiếc cần rượu bóng mượt được cắm vào ché rượu, sẵn sàng mời khách quí cùng thưởng thức, thể hiện tình đoàn kết. Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống dân tộc, tay cầm quả bầu hay chiếc sừng trâu châm nước vào ché với cử chỉ hết sức ân cần, làm cho khách tràn đầy cảm xúc và phấn khích.
Với nhiều tộc người, ché là hiện vật rất linh thiêng, nơi trú ngụ của các vị thần linh. Khi tiến hành các lễ nghi cúng sức khỏe, ăn mừng lúa mới, cưới gả, đồng bào không quên lấy huyết gà bôi vào miệng ché để làm phép, thông báo và mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ. Giá trị văn hóa to lớn của các ché rượu cần có thể thấy ở nhiều phương diện, từ tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu cuộc sống đến cuộc sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa, nếp sống, lối ứng xử của cộng đồng. Do đó, lễ hội truyền thống dân tộc hiển nhiên phải có rượu cần, càng nhiều càng tốt. Người đến dự lễ hội thường vác theo một vài ché rượu để tặng chủ lễ, vì thế, có những lễ hội, ché rượu cần lớn nhỏ, cũ mới đặt la liệt trong nhà và ngoài sân.
Ché làm từ gốm Biên Hòa, Bình Dương ngoài kiểu dáng đẹp còn đầy ắp mô típ trang trí hoa lá như mai, mẫu đơn, lựu, hoa hồng, sen, trúc, thủy tiên, trầu cau; động vật như rùa, ve sầu, hổ, ngựa, gà, chim, cá; người như bát tiên, mục đồng và các đề tài khác như mây, rồng. Vẻ đẹp của chiếc ché cũng gợi sức sáng tạo nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số. Nhiều bức vẽ, phù điêu, tượng trang trí trên nhà, hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động... của người miền núi được mô phỏng theo các mô típ trên chiếc ché.
Người Thượng sẵn sàng bỏ tiền của, tài sản để sắm đủ các loại ché. Qua các thế hệ, họ tích lũy được nhiều loại ché cổ vài trăm năm tuổi. Ché túc ché tang của người Êđê, ché rlung của người M’nông là các loại ché quý có thể đổi bằng nhiều tiền, trâu, bò, cồng chiêng. Các loại ché có màu men đẹp, lạ, có hoa văn rồng và hoa văn hình học, hoa lá được đồng bào rất ưa thích. Ché còn có nhiều kiểu dáng cao thấp, to nhỏ, tròn dài khác nhau. Ché “mẹ bồng con” là loại ché đặc biệt, trên miệng ché có gắn những chiếc ché con, là sản phẩm quí giá không phải nhà nào cũng có được. Người Cơtu thích các loại ché có nắp để bảo quản rượu được lâu dài. Các loại ché đều có giá trị ngang giá khác nhau, ché rlung nhỏ đổi một con trâu nghé, ché vừa đổi được con trâu choi, ché lớn đổi được con trâu lớn có bộ sừng dài.
Ché là hiện vật góp phần làm nên văn hóa rượu cần Tây Nguyên, bản sắc của người miền Thượng. Có thể nói rằng, vùng Trường Sơn-Tây Nguyên chính là một bảo tàng ché cổ khổng lồ nhất của cả nước. Ngay cả Bình Dương, Biên Hòa cũng không thể tìm ra nhiều ché cổ như miền Thượng, bởi vì trước đây họ sản xuất ra thì mang đi tiêu thụ hết. Hiện nay, các loại ché rượu cần vẫn còn lưu giữ ở các bản làng, một số được đưa về các bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống địa phương và cũng là hiện vật không thể thiếu trong các bộ sưu tập của những người chơi đồ cổ.
Nhiều nhà văn hóa, bảo tàng học hình thành ý tưởng thành lập các bảo tàng về gốm sứ, trong đó có bộ sưu tập về các loại ché cổ. Trong không gian bảo tàng gốm sứ sẽ có những ngôi nhà rông, nhà dài, nhà trệt mái vòm của Tây Nguyên, Trường Sơn với dãy ché cổ sắp hàng hoặc treo trên những chiếc giá, bên cạnh những dàn chiêng cổ, tái hiện các lễ hội truyền thống với cảnh uống rượu cần, đánh chiêng; triển lãm các tác phẩm điêu khắc lấy đề tài từ chiếc ché cổ; những bộ trang phục với mô típ hoa văn quen thuộc trên chiếc ché xưa...
Tuy nhiên, trước nạn buôn bán, săn lùng đồ cổ, hiện vật dân tộc học, cán bộ làm công tác sưu tầm ở các bảo tàng thường đi sau đến muộn hơn những lái buôn đồ cổ. Nhiều ché cổ quí giá được âm thầm chuyển đổi chủ sở hữu, từ vật gia bảo của người miền núi đã biến thành món hàng kiếm lời của các con buôn. Nhà nước cần có biện pháp gìn giữ, bảo tồn ché và văn hóa rượu cần. Các bảo tàng địa phương cần tích cực sưu tầm và phối hợp triển lãm, trưng bày bộ sưu tập ché cổ của đồng bào trong các lễ hội lớn như Festival cồng chiêng, Festival gốm sứ, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên... nhằm giới thiệu đến công chúng một nét đặc trưng của văn hóa tộc người Trường Sơn-Tây Nguyên và sự sáng tạo độc đáo của các làng gốm ở Bình Dương, Biên Hòa.
Tấn Vịnh (báo điện tử Daklak)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác